Bảo tồn di sản trong điều kiện mới

XUÂN HIỀN 16/03/2021 08:17

Xác định Hội An cần phải có cơ chế chính sách đặc thù cũng như quan tâm thực hiện sớm việc điều chỉnh quy hoạch tại Mỹ Sơn, hàng loạt vấn đề khác liên quan đến công tác quản lý và bảo tồn di sản tại Quảng Nam đã được mang ra luận bàn. 

Nhiều vấn đề liên quan bảo tồn tại Khu đền tháp Mỹ Sơn cần được thực hiện. Ảnh: L.Q
Nhiều vấn đề liên quan bảo tồn tại Khu đền tháp Mỹ Sơn cần được thực hiện. Ảnh: L.Q

Tại cuộc làm việc giữa Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương và lãnh đạo UBND tỉnh mới đây, việc bảo tồn di sản trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu được ưu tiên hàng đầu.

Đề xuất cơ chế đặc thù

Ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, địa phương đang phải đối diện với rất nhiều vướng mắc, bất cập trong cơ chế quản lý. Đó là mối quan hệ giữa bảo tồn để phát triển, bảo tồn vừa đảm bảo nguyên tắc về tính chân xác, vừa phải đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của cư dân đương đại.

Sự thiếu hoặc không có các loại vật liệu truyền thống cho tu bổ di tích theo nguyên tắc bảo tồn tính chân xác, thiếu nghệ nhân, tay nghề truyền thống cao cho tu bổ di tích, “truyền nhân” cho hoạt động diễn xướng dân gian... Kể cả sự thay đổi chủ sở hữu trong các di tích, ngôi nhà cổ làm biến đổi chức năng cấu trúc, không gian của các di tích, ảnh hưởng đến sự bảo tồn toàn vẹn chung của khu phố cổ.

Các nguy cơ cháy nổ, mối mọt, lũ lụt, rộng hơn là tình trạng biến đổi khí hậu là những mối nguy thường xuyên đối với khu phố cổ hiện nay. Ngoài ra, nguồn lực tài chính, áp dụng giải pháp khoa học, công nghệ cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản còn hạn chế. Chưa kể, trong tình hình khó khăn của của ngành du lịch - dịch vụ cả nước do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nguồn lực về kinh phí để đầu tư cho di sản gặp khó.

Đối với Khu đền tháp Mỹ Sơn, đại diện Sở VH-TT&DL cho biết, nhóm tháp F bao gồm F1 và F2 có nguy cơ sụp đổ rất lớn, một số công trình như Nhà biểu diễn nghệ thuật dân gian Chăm xây dựng trước đây nằm ở vị trí vùng lõi không đúng quy hoạch.

Do vậy, UBND huyện Duy Xuyên đang chỉ đạo đẩy nhanh thủ tục dịch chuyển công trình này ra khu vực được quy hoạch theo đề án quy hoạch tổng thể. Trong khi quy hoạch tổng thể Mỹ Sơn giai đoạn 2008  - 2020 đã hết hiệu lực, trong đó khu vực vùng lõi có 32ha được bảo vệ nguyên trạng, còn lại hầu hết là đất rừng phải được bảo vệ.

Vấn đề chính là không gian đã trở nên chật hẹp, việc xây dựng hạ tầng, phát triển du lịch, hướng ra cộng đồng và đáp ứng yêu cầu phát triển của di sản gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, dù đã có quyết định phê duyệt thành lập Khu bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa Mỹ Sơn nhưng việc bố trí kinh phí cho các hạng mục còn chậm gây khó khăn trong công tác bảo vệ. 

Ưu tiên bảo tồn

Lãnh đạo TP.Hội An cho biết, địa phương đang mong được bố trí kinh phí để thực hiện các dự án phòng chống cháy khu phố cổ Hội An, đô thị di sản thông minh, phòng chống mối khu phố cổ và dự án tu bổ tôn tạo di tích Chùa Cầu.

Do đó, thành phố kiến nghị tỉnh đề xuất với Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương bố trí nguồn kinh phí cho địa phương để triển khai hiệu quả kế hoạch quản lý di sản giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm tu bổ, tôn tạo các di tích được xếp hạng cấp quốc gia, di tích nhà ở, hội quán, đình, chùa, miếu có giá trị đặc biệt trong khu phố cổ.

Ngoài ra, việc cải tạo, chỉnh trang kiến trúc mặt tiền các tuyến phố và cảnh quan khu phố cổ cũng như có cơ chế chính sách cho vấn đề vật liệu truyền thống trong tu bổ di tích, tư liệu hóa di sản, hay việc xây dựng Trung tâm Dữ liệu di sản văn hóa Hội An đều cần có quyết định từ Bộ VH-TT&DL.

Tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho rằng, đối với Chùa Cầu, Hội An phải nhanh chóng hoàn tất thủ tục cần thiết để tiến hành trùng tu. Đối với các vấn đề liên quan đến nạo vét sông Hoài, khơi thông dòng chảy để đảm bảo an toàn nhà cổ, chính quyền TP.Hội An cũng phải tính đến đầu tư theo hình thức công tư. Việc chuyển đổi chủ sở hữu nhà cổ cũng cần được cơ quan chức năng chú ý, hướng dẫn, tránh tác động đến di tích.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương cho rằng, trùng tu Chùa Cầu là yêu cầu bắt buộc đối với địa phương, phải thực hiện ngay trong năm 2021 trước nguy cơ hư hại thêm và sụp đổ. Vấn đề trùng tu nhà cổ, công tác phòng cháy chữa cháy, chống mối mọt cho di tích cũng rất cấp bách cần thực hiện ngay để đảm bảo an toàn khi có tình huống bất ngờ.

Đối với chính sách đặc thù ở các khu di sản đã được UNESCO ghi danh, trong đó có Hội An và Mỹ Sơn, Bộ VH-TT&DL đã có văn bản gửi các bộ ngành liên quan, trong đó cơ bản thống nhất với đề án cơ chế, chính sách đặc thù bảo tồn, phát triển phát huy giá trị di sản Đô thị cổ Hội An. Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa - Trần Đình Thành cho biết, đối với kiến nghị của UBND tỉnh về bố trí kinh phí cho Hội An để tu bổ di tích và cải tạo, chỉnh trang kiến trúc mặt tiền các tuyến phố, Bộ VH-TT&DL đề nghị UBND tỉnh bố trí theo nguồn vốn trung hạn của địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo tồn di sản trong điều kiện mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO