Bảo tồn và phát huy giá trị di tích: Cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công trình

HOÀNG LIÊN 03/02/2023 10:08

Thời gian qua, Quảng Nam có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ di sản văn hóa, song vẫn còn nhiều hạn chế, tồn đọng. Việc nghiên cứu thực trạng, đề xuất và triển khai các giải pháp, chính sách bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống di tích, di sản văn hóa, các công trình tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống là nhiệm vụ cấp bách.

Di tích đình làng Phiếm Ái (Đại Lộc) được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Ảnh: Hoàng Liên
Di tích đình làng Phiếm Ái (Đại Lộc) được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Ảnh: Hoàng Liên

Nhiều bất cập, vướng mắc

TS.Lê Xuân Thông và cộng sự trong công trình “Nghiên cứu và đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống công trình tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống người Việt ở Quảng Nam” cho biết, tính đến năm 2019, Quảng Nam có 430 di tích được xếp hạng, bao gồm 4 di tích quốc gia đặc biệt, 63 di tích cấp quốc gia và 363 di tích cấp tỉnh, trong đó chiếm 1/3 là các di tích thuộc loại hình công trình tôn giáo, tín ngưỡng như đình, chùa, lăng, miếu, nhà thờ tiền hiền, nhà thờ tộc…

Đó là chưa kể hệ thống các điểm di tích thuộc Di tích quốc gia đặc biệt - Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An. Ngoài ra, Quảng Nam còn có 322 di tích trong danh mục đăng ký bảo vệ giai đoạn 2019 - 2024.

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam cho rằng cần kết hợp đồng bộ các giải pháp, giữa khoa học với công tác quản lý nhà nước, phát huy vai trò của chủ thể sở hữu, địa phương, ngành, cộng đồng xã hội.

Năm 2018, Quảng Nam đã ban hành quy chế quản lý di tích, yêu cầu chủ thể sở hữu, có thể là tư nhân, chính quyền, các cơ quan quản lý phải làm rõ về hồ sơ pháp lý, khẩn xác lập hiện quyền sử dụng đất cho các di tích, công trình, bởi nhiều công trình không xác định được chủ sở hữu, quyền sở hữu, không biết cái nào của tư nhân, nhà nước, cộng đồng, nên quá trình tu bổ, tôn tạo vướng rất nhiều.

Thời gian tới, vấn đề này cần khẩn trương thực hiện vì tỉnh đã ban hành rồi. Cần ứng dụng công nghệ thông tin số hóa di tích, lưu trữ di tích, bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích, di sản, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, vừa là nguồn tư liệu quý hỗ trợ công tác nghiên cứu về sau.

Về cơ bản, các di tích đã được bảo vệ, gìn giữ và quản lý tương đối tốt, tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước về di sản văn hóa, chưa xảy ra trường hợp đáng tiếc về xâm hại, hủy hoại hay làm biến dạng di tích do tác nhân chủ quan.

Nhiều di sản văn hóa phi vật thể được đánh giá, lựa chọn đưa vào danh mục di sản văn hóa thế giới phi vật thể quốc gia (lễ hội Bà Thu Bồn, lễ hội rước cộ Chợ Được, lễ hội bà Phường Chào…). Các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống dù đã được xếp hạng hay chưa thì hầu hết được trùng tu, tôn tạo và cả tân tạo.

Cũng theo TS.Thông, dù nỗ lực song công tác quản lý, bảo vệ công trình tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống tại Quảng Nam còn những tồn tại, bất cập. Trước hết là vấn đề xác lập hồ sơ kỹ thuật thửa đất tại nơi xây dựng công trình và phạm vi khoanh vùng khu vực bảo vệ trên bản đồ địa chính, phần lớn chưa được thực hiện.

Chưa có hệ thống mốc giới trên thực địa, ngoại trừ những thiết chế đã xây dựng tường rào cổng ngõ. Ở một số công trình tín ngưỡng có tình trạng hương tàn bàn lạnh, cỏ cây mọc um tùm sau những ngày lễ hội rộn ràng; sự lấn át của các công trình sản xuất, dân sinh. Tình trạng xuống cấp của nhiều đình miếu chưa được tu bổ kịp thời, dẫn đến nguy cơ không còn cơ hội bảo tồn, lưu giữ di sản…

Những tồn tại, khó khăn cũng như “rào cản” trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di tích, di sản cũng được các nhà nghiên cứu, nhà quản lý chỉ ra. Đó là, ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, quá trình sáp nhập làng xã gây ra tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Nhiều yếu tố không có trong luật định, gây khó khăn cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích. Thực trạng biến dạng các di tích sau bảo tồn; hiện trạng làm mất không gian thiêng của các cơ sở thờ tự. Tỷ lệ các công trình tín ngưỡng được cấp đất rất ít; nhiều công trình xây dựng trái phép, sửa chữa không đúng quy định...

Cần giải pháp đồng bộ

Ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch Hội Khoa học - lịch sử TP.Hội An cho rằng, cần đưa vào chương trình cụ thể, lập hồ sơ, đưa vào hồ sơ quản lý, cắm mốc, trích lược bản đồ; các ngành quản lý ở các tỉnh/thành cần có sự phối hợp, đưa vào chương trình, làm sao để tất cả di tích đều có tính pháp lý hóa.

Vấn đề này, Hội An đã làm được những năm nay là dựng bia, cắm mốc, trích lược bản đồ, lập hồ sơ, cấp “sổ đỏ” di tích, đưa vào danh mục quản lý. Thực tế, một số công trình đình, nhà thờ tộc bị xâm lấn, chưa được trích lục bản đồ. Nếu quản lý trên hồ sơ mà không được trích lục sẽ rất khó. Cần số hóa các di tích, từ những kết quả, công trình nghiên cứu...

Ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Hội An cho rằng, nhiều cơ chế, chính sách về bảo tồn, phát huy các giá trị di tích, di sản đến nay Hội An đã làm rất tốt do có Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Hội An, có nguồn lực con người rất tốt, triển khai hiệu quả cơ chế hỗ trợ cho người bảo vệ di tích, di sản đình chùa miếu mạo các cấp quản lý, tạo điều kiện cho người dân gắn bó, bảo tồn di tích.

Thành phố đã đưa vào danh mục quản lý đối với các di tích đình, chùa, miếu mạo; có cơ chế hỗ trợ đối với di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia, có di tích hỗ trợ từ 40 - 50%, có di tích 100%. Các địa phương khác tùy theo điều kiện, đặc thù cần làm ngay để tránh tình trạng xâm lấn, bảo vệ di tích.

TS.Lê Xuân Thông đề xuất, Quảng Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống công trình tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống của người Việt. Đó là, xác định quan điểm, nguyên tắc và định hướng bảo tồn và phát triển hệ thống công trình tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống người Việt ở Quảng Nam như: cân bằng giữa bảo tồn và phát triển; đảm bảo sự đồng thuận của các bên; xác định những giá trị di sản không thể đánh đổi.

Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước và hoạt động xây dựng, trùng tu, tôn tạo; nâng cao nhận thức về vai trò, giá trị của hệ thống công trình tín ngưỡng, tôn giáo truyền thống của người Việt ở Quảng Nam; phát huy vai trò của chủ thể sáng tạo, sở hữu, sử dụng. Cùng với đó là khai thác, phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh; huy động nguồn lực xã hội, nâng cao trình độ nguồn nhân lực…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo tồn và phát huy giá trị di tích: Cần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho công trình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO