Chân đất bày cuộc hội làng...

SONG ANH 06/08/2022 06:36

(VHQN) - Trong suốt hành trình lên non, những người bạn quốc tế tỏ bày với chúng tôi niềm cảm phục với người miền núi. ẤN TƯỢNG LÀ, những NGƯỜI đàn bà đàn ông Cơ Tu đang bày cuộc hội làng cho chính cộng đồng mình và cho khách nơi xa đến... bằng những đôi chân trần rắn rỏi.

Chân đất bày cuộc hội làng... Ảnh: X.H
Chân đất bày cuộc hội làng... Ảnh: X.H

Hội làng đãi khách

Làng Pơr’ning (xã Lăng, Tây Giang) một ngày tháng 6 rộn ràng. Những đôi tay bé xíu của trẻ con được cha mẹ bồng bế ra đầu làng để đón khách. Hôm nay, họ có rất đông khách là những người dưới xuôi lên tổ chức sân chơi truyền hình, là đoàn báo chí quốc tế đến thăm làng. Và cả những bạn bè từ các bản làng khác đến chơi, mừng gươl mới của Pơning. Nhưng đầu tiên, cuộc hội của làng hôm nay, là dành cho chính người làng.

Ông Nguyễn Văn Lượm - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang nói, điều tự hào nhất là bản sắc văn hóa của người Cơ Tu trên địa bàn vẫn được bảo tồn theo cách lấy tri thức cộng đồng là trục chính.

Từ cộng đồng bản địa, những chỉ dấu văn hóa được giữ ở ngay nơi hình thành. Hẳn đó cũng là câu chuyện đáng suy ngẫm với con đường phát triển bền vững của miền núi. Làm thế nào để vẫn phát triển, hiện đại hóa nhưng không xâm hại đến bản sắc? 

Chân đất bày cuộc hội làng... Ảnh: X.H
Chân đất bày cuộc hội làng... Ảnh: X.H

Anh Pơloong Plênh - cán bộ Phòng VH-TT huyện Tây Giang, cũng là đứa con của làng Pơr’ning cứ tất bật từ lối vào làng đến gươl, nơi lễ mừng gươl mới đang rộn trống chiêng. Tôi nhìn mãi vào đôi chân những người đàn ông miền núi, không giày dép, rắn rỏi chạy trên mặt đất của làng mình.

Xoay theo điệu tâng tung da dá, những người đàn ông, đàn bà, và cả trẻ con, hồn nhiên và say sưa theo từng điệu trống. Vươn lên cao, mạnh mẽ hơn nữa và vững chãi hơn nữa...

Đó là những ý niệm sâu theo từng nhịp múa của điệu tâng tung da dá. Hội lễ là hình thức tỏ bày và đúc kết cuộc sống thông qua các hình thức biểu hiện của nghệ thuật. Cuộc hội làng của người Cơ Tu, vì thế cũng chính là cuộc sống đầy sôi động của họ, gắn với văn hóa rừng, với tri thức bản địa bao đời của cộng đồng làng. 

Một lòng giữ lấy cội nguồn

“Tri thức bản địa của đồng bào rất phong phú, nó thể hiện ở bản sắc văn hóa làng, các thiết chế văn hóa xã hội của cộng đồng làng, tạo thành đặc tính cố kết nên quần thể xã hội gắn chặt với nhau.

Hạt nhân của làng - đó là kinh nghiệm ứng xử với rừng được con người nâng lên thành tín ngưỡng. Vai trò của già làng được xác định một cách rõ ràng, góp phần giữ vững trật tự xã hội, gắn kết quan hệ cộng đồng.

Cũng chính vì thế, nếu phá vỡ tính cố kết cộng đồng thì bản sắc văn hóa có từ bao đời sẽ nguy hại. Ngoài ra, chuyện quy hoạch, di dời dân càng khiến những nét đặc sắc của văn hóa vùng cao “rơi rụng” dần.

Đầu tư cơ sở hạ tầng có nơi phá vỡ không gian sinh hoạt của đồng bào hoặc “di dời” họ xa dần tín ngưỡng, tập tục của mình...” - một nhà dân tộc học trong cuộc trò chuyện về văn hóa vùng cao, chia sẻ. 

Chân đất bày cuộc hội làng... Ảnh: X.H
Chân đất bày cuộc hội làng... Ảnh: X.H

Chúng tôi may thay, trong chuyến đi vùng cao của mình, lại nhìn thấy những ánh lửa hy vọng về hành trình gìn giữ giá trị văn hóa cho muôn đời sau. Giữa đêm nọ ở núi rừng Tây Giang, già làng Bríu Pố cao hứng kể liên tục về câu chuyện “nhập làng” của người Cơ Tu. Một người khách lạ bước vào làng, phải thông qua lễ “nhập làng”. Để biết cộng đồng làng có những quy định riêng, và là một lãnh địa đầy tôn kính của cư dân ở làng.

Cũng như người Việt, khách muốn vào nhà phải bước qua ngạch cửa, như muốn nhắn nhủ rằng, hãy để những muộn phiền lẫn toan tính phía bên ngoài. Và lễ nhập làng của người Cơ Tu, tôi đồ rằng cũng muốn nhắn khách đến với làng, rằng khi cộng đồng bản địa đã chân đất bày cuộc hội, thì hãy thưởng thức cuộc hội này hồn nhiên và bản năng như chính họ. 

Phải chăng những nơi càng xa chốn phồn hoa đô hội, càng ẩn sâu vào rừng núi, thì văn hóa truyền thống của cộng đồng còn gần như nguyên vẹn? Nó vẹn tròn từ tập tục, nếp nghĩ đến nếp ăn, tiếng nói.

Những đứa trẻ con của làng Pơr’ning, dầu nắng gay gắt trên đầu, vẫn hồn nhiên chân đất múa theo cha mẹ mình. Quanh gươl làng, những ngôi nhà quần tụ. Tôi cứ hình dung những đứa trẻ này lớn lên, chúng rồi sẽ học theo Ploong Plênh, bền bỉ với cái chữ, để một lòng giữ lấy nguồn cội mình...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chân đất bày cuộc hội làng...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO