Chè Việt, chè Quảng…

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 13/03/2023 08:35

(VHQN) - Nhà nghiên cứu Vũ Thế Ngọc trong tác phẩm “Trà Kinh” (NXB Văn Nghệ, TP.HCM 2006) đoan chắc: “Dân tộc Việt Nam là một trong những dân tộc đã biết đến cây trà đầu tiên trong lịch sử loài người và họ đã uống trà từ nhiều ngàn năm nay…”.

Chè cổ thụ ở Tân Cương.
Cây chè ở xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. (nguồn ảnh: internet)

Vũ Thế Ngọc dẫn ra những ví dụ lịch sử từ ngàn xưa, khi các chế độ phong kiến đầu tiên đã từng chuyển lễ vật bằng chè đi triều cống nước lớn phương Bắc. Ông cũng cho biết các nhà thơ Việt từ cổ chí kim đều viết về thú uống chè (trà) ở nước ta. Từ triều cống trà của Đinh Liễn thời nhà Đinh cho Trung Quốc trong “An Nam vũ cống” hay Trà Tước Thiệt trong “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi…

Làm trai biết đánh tổ tôm
Uống trà Mạn hảo, ngâm Nôm Thúy Kiều

Hay:

Chồng em còn ở sông Ngâu
Buôn chè Mạn hảo năm sau mới về

Hoặc:

Bắt chân chữ ngũ
Quất củ khoai lang
Bớ cô hàng nước
Cho anh bát nước

Là những vần ca dao có từ lâu trong văn học dân gian đất Việt từ Nam chí Bắc.

Nhưng ngoài Mạn hảo là một trong những danh trà từ xưa, còn người Việt bình dân thì bao đời nay vẫn uống các loại chè mạn, chè tươi, chè khô, không chế biến cầu kỳ. Điều này trong “Vũ trung tùy bút”, Phạm Đình Hổ đã phê phán: “Ta nhân thế lại tiếc cho nhà cầm quyền nước nhà xưa nay không biết lưu ý đến công nghệ của dân ta, tiếc thay!”.

Trà sớm cùng trà lá sâm ngọc linh. Ảnh: Thư Vương
Trà sớm cùng trà lá sâm ngọc linh. Ảnh: Thư Vương

Tôi có dịp đi các huyện ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Nhờ vậy biết thêm loại chè lá trên núi Đại Huệ nổi tiếng. Chè xanh Đại Huệ nấu bằng nước giếng xây bằng đá nên trong xanh. Người Nghệ An vào quán hay ở nhà đều uống chè xanh, nhưng nấu chè ở nhà, mời lối xóm cùng uống và bàn chuyện công tư trong chòm xóm, được coi như nếp văn hóa đã có từ lâu đời…

*
*         *

Tổ tiên tôi từ Nghệ An vào Quảng Nam đến nay đã 17 đời. Có lẽ cách uống chè vẫn còn mang phong cách ở cố xứ.

Bà nội tôi từ những năm 1940, mỗi ngày đi bán trầu cau ở hai chợ Đông Quan và chợ Vải vùng Điện Bàn. Khi về đến nhà lúc đã tối trời, thì trên đôi quang gánh lúc nào cũng có vài bó chè tươi. Vào mùa đông thì có vài gói chè già (chè lá chặt nhỏ phơi khô) hoặc chè chín (chè đen) của những người hàng xóm gởi mua.

Những bó chè tươi dành riêng cho ông cố và ông nội. Bốn giờ sáng, các cụ đã dậy nhen lửa. Luộc khoai lang, sắn củ và nấu một om đất nước chè xanh. Om nước chè sôi sùng sục, sau đó hạ lửa liu riu trước khi rót ra ba bốn cái bát tộ.

Nghe kể lại đó là loại nước chè sủi tăm, tức lúc dùng chiếc cặp nhắc cái om đất rót chè ra bát, những bọt tăm từ đáy bát tỏa lên thì chè mới đậm và tỏa hết mùi thơm. Ba bốn cụ lớn tuổi ngồi quanh cái chõng tre, vừa ăn vài củ khoai điểm tâm vừa uống nước, trước khi vác cày, khoác lên người cái áo tơi cánh (vào mùa đông) và dắt trâu ra ruộng…

Thời ấy, nghe kể rằng những hôm quên mua hoặc hết chè, hàng xóm vẫn mượn nhau “một om chè lá” rất thân tình, như là họ vẫn mượn nhau vài lon gạo vậy!

Sau này, những năm 1978-1980, tôi có dịp ra tận Tân Cương, Vĩnh Phú để hợp đồng mua trái chè giống về cung ứng cho các nông trường Đức Phú, Quyết Thắng (Quảng Nam) tái lập các vùng chè đã bị san bằng trong chiến tranh, mới biết thêm những vườn chè cổ thụ cao hàng chục mét. Ở đó người ta hái đọt chè búp, sao phơi, lấy hương để làm chè mạn bán ra thị trường Hà Nội và các đô thị lớn, nhưng nhiều cụ già vẫn nấu lá chè già để làm thức uống trong gia đình...

Mới đây tôi lên vùng đồi An Bằng (Đại Thạnh, Đại Lộc), nhiều cụ già của vùng chè nổi tiếng từ đầu thế kỷ 20 này vẫn mời khách bằng những ấm chè lá hái trong vườn nhà, vò nát và hãm vào các ấm tích…

Có thể hiểu ra, cách uống chè đơn giản ấy vẫn là thói quen từ miền Bắc vào xứ Quảng quê tôi…

*
*          *

Trên truyền thông, được biết chè xanh rất có ích cho sức khỏe như tăng cường oxy hóa, ngăn ngừa ung thư khiến nhiều người ưa chuộng thức uống này. Các loại nước uống đóng chai cũng mang nhãn hiệu “chè xanh” để tiếp cận thị trường.

Tôi quen biết các doanh nhân chế biến hải sản khô bán cho thị trường Nhật Bản, mỗi ngày đều mua đến cả chục bành chè xanh để xay ép ra nước và tẩm vào các loại cá khô trước khi đưa đi chiếu xạ và đóng hàng cho khách. Một nhà xuất khẩu kể: Đó là yêu cầu bắt buộc của bên mua người Nhật, người Hàn. Họ còn cử chuyên viên đến tận nơi giám sát công đoạn tẩm nước chè tươi này vào sản phẩm và đó là cách “ngăn ngừa ung thư” của họ!

Ở quê tôi, đứa em gái con người cô hiện giờ mỗi ngày cũng mua vài bành chè lá tươi về tách ra từng bó nhỏ để bán ở chợ và cho người gánh vào các thôn xóm để bán lẻ. “Mỗi bó nhỏ bán lẻ được chục ngàn đồng và bán rất chạy vì đa số người mua vẫn nấu nước chè xanh uống mỗi ngày!”, đứa em kể khi tôi hỏi.

Thì ra văn hóa uống chè xanh vẫn là mạch chảy thăm thẳm từ xưa, từ cái thời cụ Phạm Đình Hổ viết “Vũ trung tùy bút” và xác quyết “Việt Nam là quê hương của cây chè” như nhà nghiên cứu Vũ Thế Ngọc đã chứng minh!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chè Việt, chè Quảng…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO