Chùa làng xứ Quảng

TRẦN ĐÌNH HẰNG 11/03/2023 07:39

(VHQN) -  Đời sống tôn giáo tín ngưỡng đóng vai trò rất quan trọng trên bước đường mở cõi của người Việt, nhất là trong chiến lược an dân thời chúa Nguyễn Đàng Trong. Tinh thần đó được các triều đại kế thừa xuyên suốt trong bối cảnh đi về phương Nam, để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa người Việt di cư với người bản địa phương Nam.

Đà Sơn tăng truyện kể về hành trạng ẩn sĩ Tùng Sơn. Trong ảnh: Du khách tìm về đỉnh núi Bằng Am (Đại Lộc). Ảnh: VIÊN TĂNG
Đà Sơn tăng truyện kể về hành trạng ẩn sĩ Tùng Sơn. Trong ảnh: Du khách tìm về đỉnh núi Bằng Am (Đại Lộc). Ảnh: VIÊN TĂNG

Từ thế kỷ 15, tân dân Việt trên vùng đất mới sau khi ổn định nhà cửa và cuộc sống, đã bắt đầu xây dựng ngôi nhà thờ đầu tiên, dù rằng đó chỉ là “làm tạm một cái rạp ở chỗ nhà, sắm sửa heo xôi, bày biện hai bàn tế một lễ, mời tất cả về hưởng, cáo táng kim cốt và cáo xin canh phá” (Thủy thiên, thời Hậu Lê ở Quảng Trị).

Tinh thần đó cũng xuyên suốt trong những giai đoạn sau, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân tâm đặc biệt của người Việt di cư. Trấn thủ Quảng Nam Bùi Tá Hán từ cuối thế kỷ 16 đã chú trọng khuyến khích người dân di cư sớm ổn định cuộc sống bằng việc xây dựng nên thiết chế nhà thờ, đình chùa miếu vũ để nối kết cội nguồn tâm thức Việt từ cái nôi đất Bắc.

Ông chủ trương cho xây dựng các từ đường để thờ phụng tổ tiên ông bà cha mẹ, tổ chức cúng tế vào các dịp lễ tết, giỗ chạp. Về mặt vĩ mô, ở tầm chiến lược với cấp độ cao hơn, ông cũng cho các xã thôn “xây dựng chùa đền để nhân dân cúng lễ” (Mai Thị, Phủ tập Quảng Nam ký sự, 1558-1571).

Từ tinh thần chủ đạo đó, chính quyền Đàng Trong luôn đặc biệt chú ý tới việc đảm bảo nhu cầu an dân trên vùng đất mới, trên nhiều phương diện quan trọng như trong tín ngưỡng dân gian mang nhiều sắc thái gần gũi với Đạo giáo, nhấn mạnh việc thờ tự các bậc công thần với đất nước và các tôn giáo (Phật giáo, Thiên Chúa giáo). Nhờ vậy mà trên khắp xứ Đàng Trong, đã có nhiều công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng quan trọng ra đời, dù rằng quy mô xây dựng có thể còn rất khiêm tốn.

Chùa Phước Lâm (Hội An) do Thiền sư Ân Triêm khai sơn vào giữa thế kỷ 18. Chùa do sư tổ Minh Lượng (một trong hai vị sư tổ đến Hội An đầu tiên) khởi dựng vào cuối thế kỷ 17 để thờ Phật. Ảnh: T.L
Chùa Phước Lâm (Hội An) do Thiền sư Ân Triêm khai sơn vào giữa thế kỷ 18. Chùa do sư tổ Minh Lượng (một trong hai vị sư tổ đến Hội An đầu tiên) khởi dựng vào cuối thế kỷ 17 để thờ Phật. Ảnh: T.L

Chính quyền Đàng Trong từ buổi đầu công cuộc di cư đã rất chú ý nhu cầu nhân tâm - an dân, từ vai trò trung tâm gắn kết của Phật giáo, đi dần từ xứ Thuận vào xứ Quảng.

Từ sau sự kiện tái trùng tu chùa Thiên Mụ, Sùng Hóa (1601 - 1602), chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã cho dựng chùa Long Hưng (Quảng Nam), rồi chùa Kính Thiên ở Quảng Bình (1609)... Từ đó giúp Phật giáo ngày càng lan rộng ảnh hưởng trong đời sống xã hội, từ chốn cung nội ra khắp dân gian. 

Chùa làng, nhờ vậy đã được định danh thành xứ đất: thôn Chùa, xóm Chùa, ruộng Chùa... Một văn bản mua bán ruộng đất thời Cảnh Thịnh ở làng La Vân Tây (Quảng Đại Thượng, Duy Xuyên) từng viết trong làng có xứ ruộng Khu Chùa rộng lớn, tốt tươi, phổ biến tình trạng mua bán ruộng đất.

Trường hợp ghi chép về công lao khai canh của họ Nguyễn làng Quảng Đại (Duy Xuyên) thời Cảnh Trị cho biết từ thời Hồng Đức, ngài nam chinh ở lại khai hoang mộ dân khai khẩn, cùng ngài họ Nguyễn, họ Lê kết làm bằng hữu và đến Quảng Đại mở ra 3 khoảnh lập đình chùa miếu vũ, 2 khoảnh cư trú. Ngài thủy tổ Nguyễn Văn Thiết sau khi mất được táng tại xứ Cồn Chùa. 

Tự điền, tam bảo điền là nét văn hóa độc đáo trong đời sống làng quê xứ Quảng, một dạng công đức đặc biệt khi người dân hảo tâm khuyến thiện cúng ruộng đất cho chùa. Một văn bản kê khai thời Thành Thái của làng Phú Hương (Đức Hòa Thượng, Đại Lộc) khẳng định công lao trời biển của các bậc tiền hiền - hậu hiền, đặc biệt là “Xây dựng đình thờ/ Sùng tu đền miếu/ Tăng đất trong bạ/ Cúng ruộng vào chùa/ Thật là đời sau làm rạng rỡ đời trước/ Ôi công đức sáng ngời/ Ôi huân lao khắp chốn”, nên “Dân yên vật thịnh, nhờ toàn vào công sáng nghiệp; Người xôm xóm tụ, cậy hết nơi đức xây nền. Chẳng nghĩ đến cội nguồn, người quên lãng mà sự lớn lao ai biết; Không đáp đền công đức, đời càng xa mà huân tích khó tỏ tường”.

Làng quê xứ Quảng mang phong cảnh hữu tình, độc đáo, từ biển cả đến núi rừng, nhất là những vùng đất dọc theo các chi lưu của thủy lộ Sài Thị - Vu Gia - Thu Bồn - Trường Giang - Tam Kỳ... Có lẽ vì vậy mà dấu ấn Phật giáo suốt từ thời Chămpa, Đại Việt đã định hình đậm nét, mật tập, trong sứ mệnh an dân của đời sống tư tưởng mà các chính thể đều rất quan tâm.

Cho tới thời Nguyễn, nơi đây cũng có sức hút đặc biệt, tiêu biểu như Đà Sơn tăng truyện của cụ Lương Thúc Kỳ đã kể về một nhân vật, ngôi chùa đặc biệt ở xứ Quảng. Ông Bùi Chu người xứ Gia Định vốn thích giao du, giỏi võ nghệ, từng tham gia kháng Pháp không thành, bèn theo tàu Tây qua tận Paris để học nghề cơ khí và tiếng Tây.

Ông trở về Hương Cảng, đảm nhận việc lái tàu hơi nước Thuận Tiệp mà triều đình Huế mua và có biệt danh ông Sáu Máy. Sau một thời gian, không rõ lý do, ông trở về Nam, trong lòng u uất, bất đắc chí..., có ý muốn xuất gia nên lang thang đến các danh sơn tìm nơi yên tĩnh để tụng kinh tu thân.

Đến thời Thành Thái (1894), ông đã đến Hà Tân (Đại Lãnh, Đại Lộc) chữa bệnh cứu người rồi lập thảo am trên núi Đài - tường đá tiếp nối, cây cối um tùm, thành Bằng Am (Đại Hồng). Tùng Thạch Sơn Nhân là tăng hiệu của nhà sư này.

Chùa làng là không gian văn hóa đặc hữu gắn liền lịch sử lập làng, thành nơi chiêm bái, thực hành đời sống đạo pháp hướng thiện bồ đề, làm chỗ dựa nhân tâm thời mở cõi và giảm thiểu mọi nguy cơ căng thẳng, xung đột có thể xảy ra, góp phần định hình nên hồn cốt Việt mang đậm chất Quảng. Tái hiện, bảo tồn, tạo dựng và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam - xứ Quảng - Phật giáo từ chùa làng là một công việc quan trọng hiện nay, cần được đặc biệt lưu tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chùa làng xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO