Chuyện cọp qua tục ngữ, thành ngữ

TRẦN VĂN THỌ 16/01/2022 04:19

Dân gian thường mượn chuyện cọp để răn mình và nhắc nhở người thông qua những câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao rất thú vị.

Tranh vui - TRẦN VĂN THỌ.
Tranh vui - TRẦN VĂN THỌ.

Ngoài tên thường gọi là cọp, hổ, tiếng Hán Việt là Dần, cọp còn có tên là khái, là kễnh. Dựa vào tiếng gầm của nó, cọp còn có tên gọi là hầm, hùm. Cọp cũng được con người gọi lệch đi là “ông ba mươi”.

Hổ là loài thú dữ ăn thịt và chẳng bao giờ sống chung được với người nhưng trong đời sống tinh thần của con người nó lại rất gần gũi. Dân gian mượn chuyện con hổ để răn mình và nhắc nhở người thông qua các câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao; từ đó vẽ lên được một bộ phận người trong xã hội với những ca tụng lẫn phê phán.

Đầu tiên, phải thừa nhận rằng “Họa hổ, họa bì, nan họa cốt”, ý muốn nói rằng vẽ hổ, vẽ da hổ thì dễ nhưng không dễ gì vẽ được xương hổ bên trong. Từ đó, liên hệ đến con người: “Tri nhân, tri diện, bất tri tâm”, tức nhìn người, biết mặt nhưng không thể biết được tâm can của họ.

Con hổ là biểu tượng của sức mạnh, uy quyền nhưng cũng là biểu tượng của sự độc ác, hung dữ. Những người có phẩm chất gan dạ, dũng cảm, thông minh thì dám “Điệu hổ ly sơn” ,“Vào hang bắt cọp”, “Không vào hang hùm sao bắt được cọp”. Thật khen cho ai dám “Vuốt râu hùm, xỉa răng cọp” và “Sợ cọp chứ ai sợ cứt cọp”.

Những người có lương tâm đều hiểu rằng cọp (hùm) rất hung dữ, nhưng “Hùm dữ chẳng ăn thịt con”. Và họ đều có lòng trắc ẩn khi làm một việc gì đó chưa tốt, biết ăn năn với tội lỗi của mình: “Hùm giết người hùm ngủ, người giết người thức đủ năm canh”.

Vì cọp là loài thú dữ tợn, nên người đời thường ví von “Dữ như cọp”, “Dữ như cọp đói”, “Dữ như cọp cái”. Cọp đã dữ như thế, nếu thêm vây thêm cánh vào thì “Cọp mà có cánh, cọp bay lên trời”. Cọp dữ là biểu tượng của uy quyền nên cũng có tình trạng nhiều kẻ “Dựa hơi hùm, vểnh râu cáo”, “Cáo đội lốt hổ”, “Cáo mượn oai hùm”... để huênh hoang, tự đắc, làm những việc xấu.

Những người như thế cũng hèn nhát, xấu xa như những kẻ “Miệng hùm gan sứa”. Bản chất xấu xa còn thể hiện tính keo kiệt, bủn xỉn “Ky ca ky cóp cho cọp nó xơi”; ở sự giả dối “Bán chó buôn hùm”; nhất là thói cơ hội “Tọa sơn quan hổ đấu” (ngồi trên núi xem hổ đánh nhau chờ thời cơ trục lợi).

Cọp dữ như thế, nhưng cũng có khi hùm thiêng mắc bẫy: “Cọp rừng lạc xuống ruộng sâu/ Bị bầy chó cỏ thi nhau sủa ầm”. Hay “Người khôn thất trí cũng khờ/ Ba mươi đời cọp dữ sa cơ cũng hèn”. Vì vậy, những kẻ “Dựa hơi hùm” cũng sẽ cùng chung số phận với cọp mà thôi.

Cọp thì ai cũng sợ, nhưng không phải lúc nào ta cũng gặp cọp. Cho nên, sợ cọp cũng có thể chưa bằng sợ những lời gièm pha và cả âm mưu thâm độc của kẻ xấu: “Làm vầy đã thảm chưa trời/ Cọp kêu ba tiếng không sợ, sợ người đời mưu thâm”.

Năm Dần lai rai câu chuyện về con cọp qua ca dao, tục ngữ, thành ngữ hầu chuyện các bạn. Cầu mong năm mới ai cũng ấm no, hạnh phúc, làm nhiều việc thiện lành cho cộng đồng, để lại tiếng thơm cho con cháu. Bởi tục ngữ có câu: “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”. 

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện cọp qua tục ngữ, thành ngữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO