Để tiếng chiêng vang xa

TẤN SỸ 04/03/2022 06:28

Trong các loại nhạc cụ của đồng bào Ca Dong, Co..., chiêng luôn đóng vai trò quan trọng. Những thanh âm lúc rộn ràng, lúc trầm lắng như tiếng lòng của bà con gửi đến Giàng và các đấng thần linh trong các lễ hội cộng đồng.

Già Hồ Văn Dinh với nghệ thuật đánh chiêng Ca Dong. Ảnh: TẤN SỸ
Già Hồ Văn Dinh với nghệ thuật đánh chiêng Ca Dong. Ảnh: TẤN SỸ

Người giữ nhịp chiêng

Gần một năm nay, người dân thôn 6, xã Trà Bui (Bắc Trà My) quen thuộc với hình ảnh cụ già râu tóc bạc phơ đến từng nhà huy động thanh niên tập đánh chiêng. Ông là Hồ Văn Dinh, năm nay đã ngoài 70 tuổi, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Già Dinh nói: “Những bộ chiêng cổ, nghệ thuật đánh chiêng của đồng bào Ca Dong chúng tôi được truyền từ đời này sang đời khác. Giờ trách nhiệm của tôi là truyền lại cho thế hệ trẻ, nếu không một mai tôi về với “mẹ rừng” tiếng chiêng cũng mất đi thì có lỗi với làng.

Cũng nhờ huyện, xã quan tâm, tôi đã tập hợp được 20 thanh niên để truyền dạy cách đánh chiêng. Thấy các cháu ham học hỏi, yêu thích và tiếp thu nhanh, tôi vui lắm”.

Theo già Dinh, trong các lễ hội, người Ca Dong có 6 điệu chiêng gắn liền với 6 điệu múa. Để giữ nhịp, đánh tiếng chiêng được vang xa, đòi hỏi người cầm chiêng phải khỏe mạnh, giữ bộ tấn vững chắc, tay linh hoạt và chân phải nhanh.

Quan trọng nhất khi đánh chiêng là phải hòa nhịp hơi thở, cảm xúc, suy nghĩ và linh hồn mình cùng với tiếng chiêng... Có như thế mới tạo nên một bài chiêng hay, đẹp, thu hút người nghe, người xem.

Thanh niên nam nữ hào hứng với nghệ thuật đánh chiêng. ảnh Tấn Sỹ
Thanh niên nam nữ hào hứng với nghệ thuật đánh chiêng. Ảnh Tấn Sỹ

Là một trong hai mươi thành viên đội chiêng của thôn 6, Nguyễn Văn Quyền cho biết, đội không chỉ được già Dinh truyền dạy kỹ năng đánh chiêng, mà ông còn trao truyền niềm đam mê, khơi lên ngọn lửa yêu văn hóa, bản sắc độc đáo của dân tộc Ca Dong.

Già Dinh luôn dặn dò thành viên đội chiêng tập luyện nhiều hơn, đánh chiêng hay hơn, để không chỉ giới thiệu cho mọi người biết đến văn hóa Ca Dong mà còn lưu giữ cho đời con, đời cháu sau này.

Lan tỏa tiếng chiêng trong cộng đồng

Xã Trà Kót được xem là địa phương phát triển mạnh nhất phong trào khôi phục nghệ thuật đánh chiêng của đồng bào dân tộc Co. Xã đang duy trì hai đội chiêng rất độc đáo của thế hệ trẻ. Có được điều đó, là nhờ nỗ lực sưu tầm, truyền dạy của Nghệ nhân ưu tú Dương Lai.

“Là người con của dân tộc Co, tôi rất lo khi tiếng chiêng, rồi nghệ thuật đấu chiêng đã theo các nghệ nhân cao tuổi về với “mẹ rừng”. Tôi đã qua huyện Trà Bồng của tỉnh Quảng Ngãi để theo học cách đánh chiêng của đồng bào Co bên ấy.

Gần một năm trời, tôi đã lĩnh hội được nét đẹp, độc đáo của nghệ thuật đấu chiêng. Giờ truyền lại cho thế hệ trẻ trong làng, trong xã. Các bạn trẻ cũng rất thích thú với văn hóa dân tộc mình, nên rất nhanh tiếp thu cách đánh chiêng, điệu múa, nghệ thuật đấu chiêng...” - ông Lai nói.

Vui hội trống chiêng giữ văn hóa vùng cao Bắc Trà My. Ảnh Tấn Sỹ
Vui hội trống chiêng giữ văn hóa vùng cao Bắc Trà My. Ảnh Tấn Sỹ

Hiện nay, huyện Bắc Trà My có 4 xã gồm Trà Kót, Trà Sơn, Trà Giác và Trà Bui đã hình thành được 5 đội chiêng. Hai đơn vị trường học là Trường PTDTNT Nước Oa thị trấn Trà My và Trường THCS Nguyễn Viết Xuân (xã Trà Bui) hình thành được hai đội chiêng. Đây chính là những hạt nhân để lan tỏa phong trào giữ gìn và phát huy văn hóa trống chiêng của đồng bào vùng cao Bắc Trà My.

Ông Lê Cường - Chủ tịch UBND xã Trà Bui cho biết: “Năm 2022 này xã phấn đấu hình thành thêm 3 đội chiêng; tranh thủ các già làng, nghệ nhân tiêu biểu để truyền dạy cho thế hệ trẻ ở các thôn và trong trường học.

Xã sẽ đưa không gian văn hóa trống chiêng người Ca Dong vào các điểm du lịch cộng đồng làng, như ở nóc Xơ Rơ, không chỉ giới thiệu cho du khách mà còn giúp bà con có thêm thu nhập từ làm du lịch, để họ giữ gìn văn hóa bản sắc độc đáo của mình”.

Theo bà Trịnh Thị Hồng Nga - Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Bắc Trà My, nằm trong đề án Bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số Bắc Trà My giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030, huyện phấn đấu 50% số thôn có đội múa chiêng truyền thống, tất cả trường THCS bán trú và PTDT nội trú có đội chiêng.

Bảo tồn tiếng chiêng, nghệ thuật đấu chiêng truyền thống sẽ giúp Bắc Trà My khơi dậy được lòng yêu văn hóa của các thế hệ trẻ, đồng thời lưu giữ những nét văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng. Làm tốt công tác bảo tồn trống chiêng từ cộng đồng, sẽ giúp địa phương phát triển được tiềm năng du lịch văn hóa cộng đồng trong tương lai gần.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Để tiếng chiêng vang xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO