Một di sản có tính đặc biệt, đặc thù như Đô thị cổ Hội An, đòi hỏi công tác quản lý cũng phải rất đặc thù, không thể như những di sản khác. Mọi sự tác động (ngay cả khi chỉ là dự kiến) mang tính chủ quan lên di tích này, cần phải được cân nhắc cẩn trọng từ nhiều góc độ, nếu không sẽ phản tác dụng và hậu quả khó lường.
Hậu quả với Hội An đã nhãn tiền, khi từ đầu tháng 4 đến nay, báo chí và truyền thông xã hội dồn dập thông tin chung quanh chủ trương mới của UBND thành phố về quản lý hoạt động tham quan phố cổ, với phần lớn là ý kiến trái chiều, thậm chí phê phán gay gắt.
“Bão” càng mạnh hơn và kéo dài khi thông tin mập mờ, lấp lửng, thiếu toàn diện, minh bạch và thậm chí trái chiều, “tiền hậu bất nhất” từ chính những nhà quản lý. Vậy đâu là vấn đề?
Cũ và mới
Xin nói ngay, việc bán vé tham quan phố cổ Hội An đã có từ năm 1995 đến nay, chẳng có gì mới mẻ và gần ba chục năm qua không ai thắc mắc. Sự việc này rất bình thường như bao nhiêu điểm tham quan di tích khác và có đầy đủ cơ sở pháp lý. Chính quyền Hội An khi giải thích với công chúng, cũng khẳng định chuyện bán vé tham quan là điều không mới và đã diễn ra từ lâu!
Thế thì tại sao dư luận lại phản ứng?
Mọi chuyện bắt đầu từ bản Thông tin báo chí của Trung tâm VH-TT & Truyền thanh - truyền hình TP.Hội An vào đầu tháng 4/2023, trong đó nêu rõ: “Ngày 27/3/2023, UBND TP.Hội An đã ban hành Phương án số 610/PA-UBND về việc Tăng cường quản lý hoạt động hướng dẫn tham quan Khu phố cổ Hội An”; (…) “Mọi du khách trong nước và quốc tế tham quan Khu phố cổ Hội An phải mua vé tham quan tại các quầy vé trước khi vào Khu phố cổ”; (…), “Phân luồng lối đi tại các đường chính vào Khu phổ cổ: sẽ bố trí 2 lối đi riêng: 01 lối dành cho người dân địa phương và 01 lối dành cho du khách”.
Điểm khác biệt giữa “cũ” và “mới” chính là ở đây. “Cũ” là quản lý vé tham quan theo đoàn, người dân và du khách tự do ra vào khu phố cổ; còn “mới” chính là mọi du khách khi tham quan phố cổ đều phải mua vé, thực hiện theo lối đi riêng.
Phương án trên, dù ban hành từ ngày 27/3, nhưng đến nay chưa có phóng viên báo chí nào được tiếp cận đầy đủ toàn bộ nội dung của tài liệu. Vì thế, mọi thông tin từ báo chí và truyền thông xã hội cũng chỉ dựa theo Thông tin báo chí do Trung tâm VH-TT & Truyền thanh - truyền hình TP.Hội An cung cấp.
Một số tờ báo khai thác thêm các nguồn tin không chính thức còn tiết lộ, để thực hiện phương án mới, Hội An sẽ triển khai nhiều biện pháp khác như: nghiên cứu phương thức nhận diện người dân trong khu phố cổ và du khách, bố trí người trực chốt tại các điểm ra/vào phố cổ, tiếp tục nghiên cứu đề xuất phương án tăng giá vé tham quan,…
Đáng chú ý là trước khi ban hành Phương án 610 (trong đó xác định thời gian áp dụng từ ngày 15/5/2023), Hội An chưa tổ chức tham vấn ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp du lịch địa phương và cư dân sở tại. Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam nói, chỉ nắm được qua báo chí và nhiều người dân Hội An cũng cho biết, đã rất ngỡ ngàng…
Ý chí, thực tiễn và những dự lường…
Mục đích thay đổi phương án quản lý hoạt động hướng dẫn tham quan của Hội An có thể khẳng định là để chống thất thu vé (nhiều năm qua, các đoàn khách tham quan phố cổ do các hãng lữ hành tổ chức chỉ đạt tỷ lệ mua vé khoảng 40%, theo cơ quan chức năng của thành phố cung cấp), qua đó tăng nguồn thu, góp phần vào công tác bảo tồn, trùng tu di sản; đồng thời giảm áp lực lên khu phố cổ do số lượng du khách tự do vào phố quá đông.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP. Hội An, cũng là để tạo ra sự công bằng đối với di sản và du khách. Những mục đích này hoàn toàn chính đáng. Vấn đề chỉ là cách thức triển khai. Và dư luận thật ra cũng chỉ băn khoăn, thắc mắc hay phản ứng trái chiều đối với cái cách mà Hội An sẽ triển khai thực hiện.
Từng là người đề xuất và chủ trì lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hoạt động bán vé tham quan phố cổ Hội An mấy chục năm, rành rẽ từng ngôi nhà, người dân, con hẻm của phố cổ, ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An nói thẳng, là “KHÔNG THỂ VÀ KHÔNG BAO GIỜ THỰC HIỆN ĐƯỢC!” (bán vé cho mọi du khách - PV).
Ông Sự còn cho rằng, phương án tổ chức các lối đi riêng, đặt chốt gác để phân biệt người dân và du khách là hành động rất phản cảm, phá hỏng hình ảnh lâu nay của phố cổ nói riêng và cả Hội An nói chung.
Trả lời thắc mắc của báo chí “hiểu như thế nào là người dân địa phương” sau khi Phương án 610 ban hành, ông Nguyễn Văn Sơn nói, không phải Hội An chủ trương bán vé và kiểm soát vé tham quan đối với tất cả mọi người khi vào khu phố cổ, mà người dân địa phương Quảng Nam, Đà Nẵng có nhu cầu vào đây thăm thân, dạo phố, ngắm cảnh, mua bán đều không cần mua vé; thành phố chỉ quản lý vé đối với khách du lịch!
Ngày 8/4, trả lời báo chí, ông Sơn “mở rộng” hơn, khi nói sẽ tập trung quản lý vé đối với các đoàn khách (điều này đã diễn ra lâu nay, không mới - PV), còn sẽ “du di”, “không khắt khe” với khách lẻ(!).
Có mấy vấn đề cần suy xét. Thứ nhất, nói như ông Nguyễn Sự, phố cổ Hội An có nhiều ngõ ra vào, làm sao kiểm soát được tất cả mọi người vào đây để biết ai là khách du lịch, ai là người địa phương, hoặc người nơi khác chủ yếu đến đây để thăm thân, ngắm cảnh, dạo phố?
Thứ hai, nếu thực hiện phân luồng (một cách cơ học), thì phân như thế nào, bao nhiêu con đường phải lập chốt soát vé, cần bao nhiêu người trực chốt và có đảm bảo quản lý hết mọi người ra/vào hay không?
Thứ ba, nếu miễn phí cho người dân Quảng Nam và Đà Nẵng, thì dân các địa phương này khi đến Hội An, muốn vô phố cổ chắc phải mang theo căn cước công dân, sẵn sàng xuất trình khi có người “để ý” đến?
Thử hình dung, nếu áp dụng mọi biện pháp hành chính để phân biệt dân địa phương và du khách, thực hiện phân luồng, kiểm soát thì hình ảnh Hội An sẽ như thế nào?
Các biện pháp hành chính thô sơ nêu trên rõ ràng không bao giờ đạt được mục tiêu tạo ra sự “công bằng” đối với chính di sản và mọi du khách. Càng không thể đạt mục tiêu mọi du khách vào khu phố cổ đều phải mua vé. Mục tiêu duy nhất có thể đạt được là giảm áp lực cho phố cổ nhưng theo một cách… rất khác và phần nào đã được chứng minh khi những cơn “bão lòng” diễn ra dồn dập.
Quản lý cần có tính đặc thù
Phố cổ Hội An đặc biệt hấp dẫn du khách từ chính các giá trị văn hóa và tính đặc thù (di sản cũng là nơi có cư dân sinh sống làm ăn, giao thương với bên ngoài). Ứng xử với phố cổ, trước hết và quan trọng nhất là ứng xử với văn hóa, bằng văn hóa. Vì thế, việc gìn giữ, tôn tạo, nuôi dưỡng và làm giàu thêm các giá trị văn hóa phải đặt lên hàng đầu. Du lịch chỉ là cái đến sau.
Nếu vì du lịch, vì nguồn thu, vì quan điểm “công bằng” như lãnh đạo thành phố mong muốn (mọi du khách đều phải mua vé - PV) thì rất dễ làm hỏng văn hóa và du lịch cũng sẽ từng bước lụi tàn. Các thế hệ lãnh đạo TP.Hội An từ trước đến nay và lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đều nhất quán quan điểm như thế và thực tế đã luôn nỗ lực hành động theo quan điểm đó.
Mọi sự tác động đến phố cổ Hội An, nhất là từ phía quản lý nhà nước đều phải hết sức thận trọng, cân nhắc thấu đáo trên nhiều phương diện: được và mất; phù hợp hay không phù hợp; lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài; lợi ích của người dân và lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, du khách;… Bất cứ hành động nào (hoặc chỉ mới là dự kiến) tác động đến phố cổ đều có tính nhạy cảm, đều dễ dàng gây ra “sự cố” làm tổn thương đến Hội An.
Rất tiếc, Hội An đã và đang gánh chịu những tổn thương. Hội An đã hứng chịu một “cơn bão” lớn.
“Cơn bão” truyền thông chỉ có thể tạm thời chấm dứt, khi Hội An công bố một cách dứt khoát và rõ ràng với các cơ quan quản lý cấp trên và công chúng: Thực hiện hay không thực hiện Phương án 610? Tiếp tục quản lý hoạt động tham quan một cách bình thường như lâu nay từ sau ngày 15/5, hay tổ chức bán vé và kiểm soát vé với mọi du khách, có hay không việc thực hiện phân luồng theo phương án mới?
Đến đây cũng cần nói thêm, Tỉnh ủy Quảng Nam vừa ban hành Đề án về “tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa; bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân trên địa bàn tỉnh”, và Nghị quyết chuyên đề về vấn đề này.
Trong đó nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo quyền làm chủ trực tiếp của Nhân dân “thông qua việc tổ chức lấy ý kiến góp ý của Nhân dân tham gia xây dựng các nghị quyết của Đảng, xây dựng chính sách, pháp luật, hương ước, quy ước; Nhân dân trực tiếp tham gia bàn bạc, quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương”.
Giá như, vừa qua cộng đồng doanh nghiệp, người dân, những người có kinh nghiệm quản lý, các nhà khoa học, nghiên cứu được tham gia ngay từ khâu dự thảo Phương án 610...