"Đi tìm" Kazik

DUY HIỂN 27/01/2017 09:56

(Xuân Đinh Dậu) - Trong chuyện từ 20 năm trước của Mỹ Sơn và Hội An, không thể không nhắc đến người khai vỡ đầu tiên cho định danh Di sản văn hóa thế giới, đó là kiến trúc sư Ba Lan - Kazimierz Kwiatkowski (1944 - 1997) mà với người Quảng Nam vẫn thường thân mật gọi tên Kazik.

Kazik với tháp Chăm Mỹ Sơn.
Kazik với tháp Chăm Mỹ Sơn.

Kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski sinh năm 1944 tại tỉnh Lublin, Cộng hòa Ba Lan. Ông  học ngành kiến trúc rồi làm việc cho Liên hiệp các xí nghiệp trùng tu di tích Ba Lan (PKZ). Năm 1980, Chính phủ Ba Lan và Việt Nam ký kết chương trình hợp tác tu bổ địa đạo Củ Chi và các tháp Chăm ở khu vực miền Trung, trong đó trọng tâm là Khu đền tháp Mỹ Sơn. Kiến trúc sư Kazimierz Kwiatkowski được cử làm Trưởng đoàn chuyên gia của PKZ tại Việt Nam.

Chúng tôi làm một hành trình ngược thời gian tìm gặp lại những người bạn tri kỷ, những người từng làm việc cùng Kazik. Mới hay hình ảnh của ông vẫn luôn lung linh trong tâm cảm nhiều người.

Chuyện từ người cũ

Ông Nguyễn Đình An, những năm 1980 là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) kể, sau ngày hòa bình, Khu đền tháp Mỹ Sơn đã được tỉnh cho phát quang, tháo gỡ bom mìn nhưng rồi chẳng ai biết làm gì hơn với đống gạch đá ngổn ngang ấy. Thế rồi Kazik xuất hiện. “Kazik gây một ấn tượng rất đặc biệt. Đặc biệt không phải vì ông ấy có thân hình cao lớn vạm vỡ và có một bộ râu rất… hoành tráng. Mà càng ngày càng nhận ra ông là một người rất dễ mến, chân thành, là nghệ sĩ tài năng, đam mê và tận tụy với công việc” - ông An nhớ lại.

Du khánh tham quan Mỹ Sơn. Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN
Du khánh tham quan Mỹ Sơn. Ảnh: VŨ CÔNG ĐIỀN

Còn với GS-TS. Hoàng Đạo Kính - nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích, lúc ấy là Giám đốc Xí nghiệp Trùng tu bảo tồn di tích Trung ương, trong hơn 15 năm làm việc với Kazik, công trường trùng tu đền tháp ở Mỹ Sơn là trường học lớn đối với ông và những người dưới quyền. Ở đấy họ đã học được không chỉ phương pháp làm việc khoa học mà trước hết là thái độ ứng xử với di tích và tinh thần tận tụy với công việc. GS-TS. Hoàng Đạo Kính nhớ lại: “Mùa hè ở Mỹ Sơn rất nóng. Nấu ăn nước suối, tắm nước suối, ngủ trong lán trại, côn trùng rất nhiều. Người Việt chúng ta còn khổ sở huống là các ông Tây vốn quen sống tiện nghi. Vậy mà Kazik vẫn không kêu ca”. Lẽ ra theo chế độ, hàng ngày được quyền về ngủ tại khách sạn ở Đà Nẵng, nhưng Kazik bảo tốn thời gian nên cũng ở lại Mỹ Sơn. Hôm nào nóng quá, ông vào ngủ trong tháp B3 và gọi đùa đó là khách sạn Mỹ Sơn. Nhiều hôm thực phẩm dành cho chuyên gia không tiếp tế kịp, ông cũng ăn mắm dưa như một nông dân Việt thực thụ.

Di sản để lại

“Đi tìm” Kazik mới hay di sản ông để lại thật vô giá. Tại Viện Bảo tồn di tích (Hà Nội) đang lưu giữ hàng nghìn trang tài liệu, bản vẽ kỹ thuật, ảnh chụp, ký họa… do Kazik và chuyên gia Ba Lan thực hiện. Ông Nguyễn Thế Đại - Chánh văn phòng Viện Bảo tồn di tích, người từng “thọ giáo” với Kazik trên các công trường trùng tu tháp Chăm ở miền Trung bảo: “Chỉ khi Kazik và chuyên gia Ba Lan sang Việt Nam, chúng ta mới có một khoa học trùng tu di tích đúng nghĩa. Làm việc với ông, chúng tôi mới bắt đầu làm quen với việc lập hồ sơ di tích. Đó là việc chụp ảnh, đo đạc, khảo tả, lập các bản vẽ di tích trước, trong và sau khi trùng tu. Kazik có một nhật ký công việc, hàng ngày làm việc gì, những hạng mục nào đều được ghi chép rất tỉ mỉ. Những tư liệu này mang giá trị khoa học lâu dài, nó đảm bảo cho con cháu chúng ta sau này có thể tiếp tục phục dựng những gì mà cha ông chưa làm được”.

Phố cổ Hội An. Ảnh: NGUYỄN TUẤN
Phố cổ Hội An. Ảnh: NGUYỄN TUẤN

Những khay tài liệu lưu trữ được mang ra. Như chợt ùa về cả một công trường trùng tu Mỹ Sơn năm nào. Những lán trọ tranh tre, giàn giáo bao quanh những ngôi tháp cổ. Kazik cởi trần đứng hướng dẫn công nhân gia cố đế móng ngôi tháp… Trong số các bản vẽ kỹ thuật, có một bản do Kazik vẽ, rất ngộ nghĩnh. Ông vẽ cái đầu một cậu bé rất Tây mập mạp (có lẽ ông đang nhớ cậu con trai ở quê nhà) phùng má thổi hơi làm sạch lỗ khoan để bơm chất epoxy vào mà đặt lõi thép gia cố các vách tháp bị nứt. Thì ra đây là cái chất epoxy mà ông Nguyễn Đình An đã kể với chúng tôi. Rằng có một lần Kazik từ Matxcơva, Liên Xô (cũ) sang Việt Nam, khi lên máy bay hành lý của Kazik bị chặn lại vì quá cước. Ông cứ mang ba lô đựng cái chất epoxy quý giá ấy chạy khắp sân bay, gõ cửa các cơ quan chức năng để xin, không biết ông nói thế nào rồi cuối cùng lãnh đạo sân bay cũng cho ông lên máy bay với số hành lý quá quy định ấy.

Sứ mệnh và định mệnh

Một ông Tây rất lạ
Ông Cao Thành, nhà ở cạnh Lăng bà Thu Bồn (xã Duy Tân, Duy Xuyên), nguyên Đội trưởng Đội xây dựng của Hợp tác xã nông nghiệp Duy Tân II, đã tham gia 5 mùa trùng tu Mỹ Sơn cho hay, lúc đó rất ngạc nhiên khi thấy có ông Tây ở tận đất nước Ba Lan xa xôi lại hiểu và yêu quý những gì còn sót lại của kiến trúc Chăm Mỹ Sơn còn hơn chính họ. Ông Thành kể: “Cứ như Kazik có bản vẽ cũ của Mỹ Sơn hay sao ấy? Khi hướng dẫn chúng tôi dựng trụ, gác đà lanh tô hay xây những viên gạch Chăm đến độ cao nào đó, ông lại bảo gắn các chi tiết chạm trổ bằng đá vào. Có một lần Kazik dùng thứ keo gì đó gắn cái bệ linga bị vỡ. Tối không biết ai nghịch hay sơ ý ngồi lên làm nó vỡ trở lại. Sáng ra tôi thấy ông ấy rất buồn”. Thường thì Kazik rất hiền nhưng có lần ông Cao Thành tận mắt thấy Kazik nổi cơn thịnh nộ. Đó là bữa đội trùng tu đào được 2 viên gạch ánh màu vàng và có hoa văn rất lạ. Tối đó một nhóm công nhân người địa phương đã lấy gạch đập vụn ra xem thử có vàng không. Và lần đó Kazik đã không giấu được cơn thịnh nộ.

Kazik yêu Việt Nam, yêu bạn bè bằng một tình yêu sâu nặng, tận tụy. Ông đắm đuối với những di sản kiến trúc cổ Việt Nam không chỉ bằng lý trí của nhà khoa học mà có lẽ trước hết bằng cảm thức của một nghệ sĩ lớn. Hơn 15 năm ông đã nhẫn nại “chữa chạy” cho các tháp Chăm tiều tụy ở miền Trung, tập trung là Mỹ Sơn, trong khi nhiều chuyên gia Ba Lan khác đã một đi không trở lại. Trong những ngày tháng đó ông đã từ chối đi làm chuyên gia trùng tu ở Ấn Độ, Ai Cập, nơi ông sẽ được trả lương bằng đô la chứ không phải uống rượu gạo, ăn cơm bình dân như ở đất nước đang khốn khó này. “Anh ấy đến đây như một sứ mệnh, và nằm xuống ở đây cũng như một định mệnh” - ông Phùng Phu, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế nói.

Ngày 19.3.1997, Kazik đột ngột từ trần vì cơn nhồi máu cơ tim khi đang chỉ huy việc trùng tu Thế Miếu tại Đại nội (Huế). Tin Kazik mất làm bàng hoàng những ai từng biết, từng làm việc cùng ông. Với kiến trúc sư Phùng Phu đó là nỗi mất mát quá lớn. Ông bảo vẫn còn ghi tâm lời phát biểu của Kazik trong lễ khởi công trùng tu Thế Miếu: “Thưa các bạn, hẳn các bạn sẽ thắc mắc vì sao tôi có mặt ở đây. Tôi từ một đất nước xa xôi, khác biệt về phong tục tập quán, khác biệt về địa lý. Tại sao tôi có mặt ở đây? Thưa các bạn, chúng ta không phải người khác hành tinh. Chúng ta cùng sống trên trái đất này, nên chúng ta phải cùng nhau bảo vệ các di sản văn hóa của nhân loại”. Đó có lẽ cũng là tuyên ngôn của cuộc đời Kazik, người đã có những đóng góp to lớn trên hành trình đưa Mỹ Sơn, Hội An, cố đô Huế trở thành Di sản văn hóa của nhân loại. Với công trạng ấy Kazik vẫn hiển hiện trong sự vĩnh cửu của cái Đẹp.

Nhớ người kiến tạo

Ông Nguyễn Văn Hiến - nguyên Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên:

“Người cứu Mỹ Sơn thoát khỏi nguy cơ biến mất”
“Phải nhắc đến Kazik, không có ông ấy thì không còn cái di sản nào cả, nói thật ra là vậy. Nhiều lần gặp ông ấy ở lại trong tháp cổ cùng với anh em cán bộ chính quyền và ban quản lý dự án tháp cổ, câu nói ổng thường xuyên nhắc đi nhắc lại mà ai cũng nhớ: “Người Chăm Pa cổ, họ đã gửi tâm linh vào đất đá, biết dựa vào thiên nhiên để làm nên một Mỹ Sơn tráng lệ, thâm nghiêm, hùng vĩ. Đây là một công trình kiến trúc văn hóa đặc sắc của nhân loại mà còn rất lâu chúng ta mới có thể hiểu hết”.
Tôi chưa bao giờ thấy một người nào dám sống hết mình vì Mỹ Sơn như Kazik. Chưa thấy một người nước ngoài nào lại bình dị và đáng yêu đến vậy. Chính Kazik chứ không ai khác là người cứu Mỹ Sơn thoát khỏi nguy cơ biến mất vĩnh viễn”.
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ:

“Đôi mắt tinh tường, nhìn xa”
“Những gì thuộc về công việc tu bổ ở Mỹ Sơn mà Kazik đã làm trong điều kiện sinh hoạt vô cùng khó khăn khi ấy vẫn cho người hôm nay cảm nhận rõ ràng về khái niệm tu bổ di tích, nhất là di tích kiến trúc làm bằng gạch. Ông luôn cố gắng gìn giữ yếu tố gốc, rõ hơn là giữ được tính chân xác trong việc tu bổ. Hơn thế nữa, ông đã nhìn ra những kiến trúc gỗ ở Đô thị cổ Hội An cũng cần phải được gìn giữ. Đôi mắt tinh tường của nhà trùng tu đã nhìn xa hơn, không chỉ là phố buồn với ngọn đèn dầu leo lắt khi ấy. Và giấc ngủ dài của nàng công chúa một thời vàng son đã được ông góp công đánh thức để trở thành Di sản văn hóa thế giới, cùng với Mỹ Sơn”. A.T - S.A (ghi)

    DUY HIỂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Đi tìm" Kazik
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO