Dỡ bỏ tượng linh vật tại huyện Tây Giang: Bài học về giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống

NGUYÊN ĐOAN – XUÂN HIỀN 10/09/2021 12:10

Năm 2018, Báo Quảng Nam đã từng đăng tải các bài viết phản ánh những ý kiến trái chiều về việc huyện Tây Giang dựng 5 tượng chó trên một số tuyến đường thuộc trung tâm hành chính huyện. Tuy nhiên sau đó, sự việc dần rơi vào im lặng. Vừa qua, sau khi có cuộc kiểm tra của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai Nghị quyết số 33 của Đảng về văn hóa tại Tây Giang, các tượng nói trên mới bị tháo dỡ.

Một tượng chó đặt tại tuyến đường trung tâm của huyện Tây Giang và khu vực một tượng vừa được dỡ bở. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Một tượng chó đặt tại tuyến đường trung tâm của huyện Tây Giang và khu vực một tượng vừa được dỡ bở. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Tùy tiện...

Tháng 5.2018, dư luận rộ lên câu chuyện huyện Tây Giang dựng 5 tượng chó trên các tuyến đường dọc theo trục chính của huyện. Phía dưới tượng tạc một bài thơ, được xem là “lẩy” từ truyền thuyết hình thành dòng họ Zơrâm của người Cơ Tu, theo ý kiến của vị lãnh đạo bấy giờ.

Ngay thời điểm đó, Báo Quảng Nam đã có 2 bài viết ghi nhận ý kiến từ các nhà nghiên cứu văn hóa cũng như già làng tại địa phương. Các ý kiến đều đồng tình với quan điểm việc dựng tượng linh vật không vi phạm các quy định về trưng bày cảnh quan, nhưng cần xác định đây là một truyền thuyết chứ không phải tín ngưỡng hay tôn giáo, cũng không phải là đại diện cho bản sắc văn hóa người Cơ Tu.

Mỗi dòng họ trong 33 dòng họ người Cơ Tu đều có truyền thuyết về việc hình thành tộc họ của mình. Do vậy, việc dựa vào truyền thuyết chỉ của 1 tộc họ để dựng tượng theo đúng tỷ lệ 1:1 với nguyên mẫu là điều hoàn toàn không nên. Bên cạnh đó, tại các gươl của người Cơ Tu, các nghệ nhân điêu khắc gỗ vẫn tạc những hình ảnh cách điệu theo nội dung của các truyện cổ hay sinh hoạt truyền thống của đồng bào.

Ông Phùng Tấn Đông (nhà nghiên cứu văn hóa ở Hội An) cho rằng, “hình tượng chó trên gươl với chất liệu gỗ và sơn như truyền thống tạo hình của dòng họ Zơrâm nói riêng hay người Cơ Tu nói chung vì hình tượng ấy là “cái biểu đạt” cho truyền thuyết từ bao đời nay, chứ đừng bao giờ mang vật liệu đá từ đồng bằng lên, và tạc tượng theo “nhãn quan” người đồng bằng, và “ngại” nhất là kèm bia đá tạc thơ (cũng kiểu người đồng bằng)”.

Theo Công văn 2662 của Bộ VH-TT&DL quy định về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục, việc sử dụng các biểu tượng, sản phẩm linh vật không phù hợp cần được xem xét và phải có sự quản lý nghiêm ngặt từ phía cơ quan có thẩm quyền.

Trong khi đó, về phía địa phương, ông Nguyễn Văn Lượm - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, nguyên nhân tháo dỡ các tượng chó trên địa bàn là do các tượng linh vật này trước kia đặt không đúng vị trí quy hoạch đô thị. Cùng với đó, trong nội dung quy hoạch đô thị của huyện Tây Giang không có tượng này.

Nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm

Thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiến hành kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết số 33 ngày 9.6.2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đối với Ban Thường vụ Huyện ủy Tây Giang.

Tượng chó cùng bài thơ ở trung tâm huyện Tây Giang. (Ảnh chụp năm 2018)
Tượng chó cùng bài thơ ở trung tâm huyện Tây Giang. (Ảnh chụp năm 2018)

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Phan Thái Bình, qua kiểm tra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ghi nhận, đánh giá cao kết quả đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết số 33 trên địa bàn huyện Tây Giang. Tuy nhiên, trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện Nghị quyết 33 trên địa bàn huyện Tây Giang vẫn còn những hạn chế, thiếu sót nhất định.

Trong đó, việc xây dựng các tượng hình con chó đặt trên một số tuyến đường của trung tâm hành chính huyện thực hiện chưa đúng Nghị định số 113, ngày 2.10.2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật và không có chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy; không đúng theo quy hoạch trung tâm hành chính huyện, ảnh hưởng giao thông, chưa xin giấy phép xây dựng của cơ quan quản lý nhà nước theo quy định (nguồn kinh phí xây dựng tượng được huy động từ nguồn xã hội hóa); hình thức, nội dung thể hiện của tượng chưa được các cơ quan có thẩm quyền tham gia ý kiến, thống nhất; chưa tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng người Cơ Tu trên địa bàn huyện và các huyện lân cận có nhiều đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống, như Đông Giang, Nam Giang.

Sau khi đặt tượng, trong cộng đồng người Cơ Tu, nhất là một số già làng, cán bộ hưu trí, người mang họ Zơrâm có nhiều ý kiến trái chiều, không đồng thuận, tạo dư luận không tốt trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân; bài thơ khắc dưới đế tượng được sáng tác trên cơ sở truyền thuyết về người Cơ Tu, chưa phù hợp với truyền thống các dân tộc Việt Nam, chưa được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thẩm định và cho phép.

Từ kết quả kiểm tra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban Thường vụ Huyện ủy Tây Giang rút kinh nghiệm và có giải pháp khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong việc thực hiện Nghị quyết số 33; đồng thời, chỉ đạo tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan trong việc tạc tượng, xây dựng, đặt tại một số tuyến đường trung tâm huyện không đúng quy định.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng yêu cầu Tây Giang xây dựng kế hoạch cụ thể để tháo dỡ, khôi phục tình trạng ban đầu đối với việc xây dựng, đặt các tượng hình con chó trên một số tuyến đường của huyện theo đúng quy định của pháp luật.

“Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Tây Giang đã tổ chức triển khai kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy một cách nghiêm túc, đã tiến hành kiểm điểm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan; chỉ đạo xây dựng kế hoạch xử lý việc xây dựng, đặt các tượng hình con chó trên một số tuyến đường của huyện. Vào ngày 31.8.2021, huyện đã tiến hành tháo dỡ, khôi phục tình trạng ban đầu theo đúng chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy” – Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Phan Thái Bình cho biết.

Rút kinh nghiệm qua kiểm tra trên địa bàn huyện Tây Giang, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy Phan Thái Bình khẳng định, thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo các tổ chức đảng tự kiểm tra, giám sát; chủ động khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm, nhất là đối với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, địa phương, đơn vị.

Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục quán triệt, chấp hành nghiêm các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn hóa; tăng cường kiểm tra, thanh tra và xử lý kiên quyết các trường hợp xây dựng, đặt tượng không đúng quy định, không phù hợp với truyền thống văn hóa của người Việt Nam.

Nhiều hoạt động văn hóa được đề xuất công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Liên quan đến văn hóa truyền thống miền núi, đại diện Sở VH-TT&DL cho rằng, những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo của đồng bào miền núi Quảng Nam được trao truyền qua nhiều thế hệ, gắn bó trong đời sống của từng gia đình, dòng họ và cộng đồng dân tộc... Các địa phương đang tiếp tục phát huy giá trị này trong việc cố kết cộng đồng, đồng thời để những giá trị này trở thành sản phẩm du lịch, văn hóa độc đáo, riêng có. Quảng Nam cũng đã có 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: múa tân tung da dá, nghề dệt thổ cẩm, nói lý hát lý của dân tộc Cơ Tu, trang trí cây nêu và bộ gu của dân tộc Co. Thời gian tới, theo Sở VH-TT&DL, Quảng Nam sẽ tiếp tục lập hồ sơ đệ trình Bộ VH-TT&DL công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho nghệ thuật hát ting ting của người Ca Dong và Xê Đăng, lễ cầu mùa của dân tộc Ca Dong, phong tục cưới và nói lý hát lý - hát đối đáp của người Bhnong, lễ khai năm mới tạ ơn rừng, lễ mừng lúa mới và nghệ thuật điêu khắc của người Cơ Tu.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dỡ bỏ tượng linh vật tại huyện Tây Giang: Bài học về giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO