Độc đáo giếng Chăm làng Phong Hồ

VĂN MẾN 18/01/2022 07:32

Giếng Chăm làng Phong Hồ (nay thuộc khối phố 2A, phường Điện Nam Bắc, Điện Bàn) tồn tại hàng trăm năm qua. Giếng Chăm không chỉ cung cấp nước sạch cho người dân trong làng mà còn là chứng nhân của lịch sử, nơi lưu giữ nhiều ký ức dân làng qua bao thế hệ.

Giếng Chăm làng Phong Hồ - nơi lưu giữ ký ức của nhiều thế hệ. Ảnh: V.M
Giếng Chăm làng Phong Hồ - nơi lưu giữ ký ức của nhiều thế hệ. Ảnh: V.M

Giếng Chăm còn được gọi là giếng ông Thế vì nằm gần nhà ông Thế. Giếng do người Chămpa cổ xây dựng, có kiểu dáng hình tròn. Chất liệu để xây giếng theo quan sát chủ yếu là đá nguyên khối, không hề có dấu tích của vôi vữa. Mỗi viên đá hình cánh cung chiều dài 50cm, rộng 10cm và cao 20cm xếp chồng lên nhau. Cổ giếng cao 30cm, lòng giếng sâu 5m.

Nhiều bậc cao niên trong làng kể lại, những năm 1980, chương trình nước sạch về làng, người dân được dùng nước từ giếng bơm, thủy cục nên giếng Chăm bị lãng quên, cỏ dại, tre trảy mọc um tùm, tới mùa mưa đất từ cao đổ xuống khiến cho giếng Chăm thêm hiu hắt, hoang phế.

Năm 2012, chính quyền địa phương huy động nhân dân ra quân khôi phục giếng cổ, khơi trong nguồn nước, người dân trong làng phá tre, dọn cỏ dại, vắt giếng, sục bùn trả lại cảnh quan giếng. Việc gìn giữ giếng làng không chỉ vì một công trình dân sinh mà còn là giữ gìn một nét đẹp văn hóa tâm linh, một chứng tích lịch sử cho đời sau.

Ông Trần Văn Chỉ, nhà cạnh giếng Chăm cho biết: “Ngày xưa chưa có nước máy, giếng cổ này cung cấp nguồn nước mát lành cho dân làng. Ba giờ sáng, trai gái trong làng đã chong đèn đi gánh nước, người này một ít, người kia một ít, có được những gàu nước hồi đó quý giá lắm. Nhân dân làng Phong Hồ coi giếng Chăm là di sản quý báu của làng.

Năm 2015, ông Trần Văn Tân - người con của làng Phong Hồ đang sinh sống tại TP.Hồ Chí Minh đã đầu tư kinh phí nâng cấp, xây thành bao quanh, trồng dừa, trồng trúc để bảo vệ và tạo cảnh quan giếng cổ, quá trình xây dựng vẫn giữ nguyên trạng cấu trúc xa xưa của giếng”.

Ông Trần Văn Bá - một cán bộ địa phương cho biết, trước đây có đoàn khảo sát di tích của tỉnh đến khảo sát và xác định giếng này của người Chămpa xây dựng cách đây vài trăm năm, đáy giếng có ván sàn bằng gỗ quý, vì vậy lúc vắt giếng, bà con trong làng chỉ sục bùn, múc nước để bảo vệ di tích.

Đối với người làng Phong Hồ, giếng Chăm là nơi lưu giữ bao kỷ niệm buồn vui của nhiều thế hệ. Chiều hè, bọn trẻ ngồi quanh miệng giếng chuyện trò. Mùa gặt hái, bà con nông dân ngồi đón ngọn gió nồm mát rượi vơi đi nỗi nhọc nhằn. Sớm mai, các thôn nữ giặt giũ chuyện trò râm ran bên giếng cổ.

Những năm chiến tranh, giếng Chăm không những phục vụ cho người dân trong làng mà còn cung cấp nguồn nước mát lành cho người dân các làng phụ cận như Cẩm Sa, Bình Ninh, xã Điện Nam (cũ) đến tạm trú ở làng Phong Hồ. Nhân dân làng Phong Hồ xem giếng cổ là tài sản quý của quê hương.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Độc đáo giếng Chăm làng Phong Hồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO