Độc hành trên từng bản vẽ

HỨA XUYÊN HUỲNH 15/03/2015 10:03

Nguyễn Thượng Hỷ được biết đến nhiều hơn kể từ sau chuyến sang Nhật Bản nhận tặng thưởng quốc tế về kiến trúc gỗ Daifumi, nhưng hình như anh chưa chịu dừng lại.

Tự dựng nhà để… bảo tồn

Giữa tháng 1.2015, GS Yukata Shigeeda đưa vợ con đến thăm họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ đã kinh ngạc trước ngôi nhà lá mái dựng ở ngoại vi Mỹ Sơn. Khi biết học trò cũ tự dựng ngôi nhà tranh tre này sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm từ nhà lá mái, ông thán phục: “Đôi khi chúng ta không tìm được cách để bảo tồn kiến trúc cổ, thì vẫn có thể… tự dựng nhà để bảo tồn”.

Năm 1995, Nguyễn Thượng Hỷ sang Nhật Bản học 3 tháng về khảo cổ ở Viện Nghiên cứu bảo tồn Nara. GS Shigeeda, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Nhật Bản, đang giảng dạy kiến trúc tại Đại học Nihon chính là người tìm kiếm học bổng và trực tiếp dạy họa sĩ Hỷ về bảo tồn, dù thầy chỉ nhỉnh hơn trò 1 tuổi. Hồi tháng 10.2014, khi anh Hỷ trở lại Nhật Bản nhận tặng thưởng mang tên người thợ gỗ danh tiếng Fumio Tananka của xứ sở hoa anh đào, họ có cuộc hội ngộ ngắn ngủi vì GS Shigeeda bận sang Campuchia giảng dạy. Vài tháng sau, đến lượt thầy trẻ đi tìm trò già. Theo cha sang Việt Nam lần này, cô bé Nhật 2 tuổi mà họa sĩ Hỷ từng gặp tại nhà GS Shigeeda ngày nào giờ đã vụt lớn, xinh đẹp. Nhưng người ngạc nhiên hơn cả chính là GS Shigeeda. “Chỉ có mày mới làm theo cách này”, ông khen đáo khen để Nguyễn Thượng Hỷ về công trình nhà lá mái.

Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ tại ngôi nhà lá mái của anh dựng gần Mỹ Sơn.Ảnh: H.X.H
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ tại ngôi nhà lá mái của anh dựng gần Mỹ Sơn.Ảnh: H.X.H

Kết quả nghiên cứu về nhà lá mái - kiến trúc nhà ở tại đảo Lý Sơn cùng với những đề xuất bảo tồn kiến trúc sinh thái, môi trường, về ý nghĩa văn hóa… đã giúp Nguyễn Thượng Hỷ trở thành tác giả duy nhất ở khu vực miền Trung đoạt giải tại cuộc thi về kiến trúc cổ truyền Việt Nam do Viện Kiến trúc quy hoạch đô thị và nông thôn tổ chức hồi năm 2010. Mọi người vẫn còn nhớ những bài báo anh viết về “dấu vết” giặc Tàu Ô trên những công trình nhà lá mái Lý Sơn ấy. Riêng anh, sau khi xin nghỉ hưu sớm (khi đang là trưởng phòng nghiệp vụ của Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam) đã thiết kế, thuê thợ tre Điện Bàn đục đẽo các cấu kiện tre, huy động thợ trong vùng thi công lợp mái và tự tay nhồi đất sét để trát lên vách. Kiến thức tích lũy được từ hàng chục năm khảo tả, nghiên cứu nhà cổ truyền dọc miền Trung giúp anh tự tin dựng ngôi nhà chỉ với chi phí chưa đến 100 triệu đồng. Phiên bản nhà lá mái của thế kỷ 21 ấy đã gây chú ý trong giới kiến trúc. Và anh được yêu cầu bổ sung hình ảnh về mặt cắt, mặt bằng… gửi Hội Kiến trúc sư Việt Nam để tham gia giải thưởng kiến trúc…

Người ham đi

Như vận vào người một chữ “đi”, ngót 33 năm làm việc ở bảo tàng hay trung tâm bảo tồn di tích tỉnh là những chuyến điền dã nối tiếp nhau của Nguyễn Thượng Hỷ. “Tôi dành dụm tiền để mua máy ảnh, mua phim, mượn xe máy của bạn bè rồi đổ xăng chạy. Thường là một mình đo vẽ. Chỗ nào gặp người quen thì nhờ họ kéo giùm thước”- anh nhớ lại. Bỏ tiền túi ra mà đi, rảnh rỗi dăm bảy ngày là vọt. Giờ ngồi nhớ lại, anh nhận thấy các chuyến đi thường bị thôi thúc từ 3 thứ: ưa thích đo vẽ, sợ mất di tích và có duyên với nhà cổ. Người giữ kỷ lục “đeo bám” nhà cổ như Nguyễn Thượng Hỷ đã không thể nhớ hết những vùng đất mà anh từng đặt chân đến. Ở Quảng Nam, anh đo vẽ khoảng 350 nhà cổ, riêng nhà cụ Nguyễn Huỳnh Anh ở làng cổ Lộc Yên lui tới 15 lần. Ở Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên mỗi nơi chừng 10 nhà. Phía bắc như Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh thì ít hơn một chút…

Bản vẽ về nhà lá mái ở đảo Lý Sơn.
Bản vẽ về nhà lá mái ở đảo Lý Sơn.
“Đốt” 100 cuộn phim trên con tàu đắm
Nguyễn Thượng Hỷ còn có duyên với con tàu đắm ngoài khơi Cù Lao Chàm, và anh đã “đốt” 100 cuốn phim khi tham gia dự án trục vớt cổ vật. Giai đoạn 1998-2000, mỗi năm Nguyễn Thượng Hỷ ở trên “công trường” tàu đắm khoảng 3 tháng để vẽ hoa văn gốm sứ hoặc chụp ảnh các cổ vật đẹp. Khi một vị tiến sĩ khảo cổ học Việt Nam giữ cương vị đồng trưởng ban khai quật tàu đắm Cù Lao Chàm không thể theo sát hiện trường (vì say sóng), Nguyễn Thượng Hỷ được cử thay thế để tham gia ký vào biên bản làm việc hàng ngày. Suốt nhiều năm kể từ khi dự án này khép lại, anh thường gửi cho Báo Quảng Nam với những thông tin, hình ảnh, bản vẽ độc quyền và hấp dẫn về gốm sứ Chu Đậu – Hải Dương trục vớt từ lòng biển.

Ký ức từ những đợt điền dã dày đặc trong quá khứ hoặc được lưu giữ nơi những bản vẽ, hoặc chuyển hóa vào những bản tham luận đầy tâm huyết về nhà ở cổ truyền ký tên tác giả Nguyễn Thượng Hỷ. Nhưng các chuyến đi sắp tới mới chứa đựng nhiều cảm xúc, về những khoảng trống cần lấp đầy. “Còn quá nhiều vùng mình chưa đi. Như khu vực giáp ranh Bình Định - Quảng Ngãi, nghe nói có nhiều kiến trúc hay lắm. Như Sa Đéc, Đồng Tháp, Cà Mau tôi đang muốn đến để xem dấu ấn kiến trúc của người Kh’mer có ảnh hưởng gì đến không gian hiện tại hay không. Tháng trước, tôi đã đo mấy ngôi nhà cổ truyền của người Mường, nhưng chừ tôi muốn đi xa hơn. Như đến Hà Giang để xem nhà trình tường, một kiểu nhà vách đất của người Hà Nhì”. Nguyễn Thượng Hỷ còn liệt kê những ngôi đình vùng Quảng Nam - Đà Nẵng mà anh đã đo vẽ, những ngôi chùa di tích quốc gia mà anh một mình lặn lội tìm đến, và đã đến lúc  dành thời gian cho các kiến trúc tôn giáo, những nhà thờ cổ. “Vì nhà cổ truyền ở Việt Nam mình phong phú lắm!” - anh nói.

Đầu tháng 2.2015, Nguyễn Thượng Hỷ bắt đầu lộ trình “nhân bản” nhà lá mái ở Nam Trung Bộ. Một chủ đầu tư tên Trung sau khi lặn lội đến Mỹ Sơn xem kiểu nhà tranh của anh đã lập tức đặt hàng làm hơn 40 ngôi nhà tương tự để dựng trong khu resort rộng đến 5ha tại Nha Trang. Chỉ vài ngày trước đó, anh còn đang say sưa trình bày 2 bản tham luận về nhà lá mái Phú Yên, về dấu ấn phường thợ mộc Bình Định tại hội thảo kiến trúc Nam Trung Bộ tại Phú Yên, do Hội Kiến trúc Việt Nam và Trường Đại học Xây dựng miền Trung tổ chức. Họa sĩ Hỷ liệt kê các ngôi nhà lá mái ở các xã Xuân Lộc, Xuân Bình (huyện Sông Cầu) mà duy nhất nhà cụ Trần Hiệp còn nguyên mái lợp lá dừa. “Khó khăn của những người làm công tác bảo tồn thường gặp phải là không tìm được tiếng nói chung với chủ sở hữu di tích. Và có một thực tế, từ Quảng Trị đến Bình Định, những mái tranh như thế đã bị phá bỏ”, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ đặt vấn đề tại hội thảo và nhận được phản hồi tích cực từ lãnh đạo tỉnh Bình Định về kế hoạch bảo tồn kiểu nhà sinh thái quý giá.

Sực nhớ đêm tôi ngủ lại ngôi nhà lá mái của anh Hỷ ở Mỹ Sơn, nhìn mái tranh tự nhiên buột miệng bảo thèm một trận mưa để thử nghe tiếng nước nhỏ tí tách xuống hồ nước nhỏ xây viền quanh nhà. Rồi trời đổ mưa thật, như chiều lòng người. Những âm thanh xôn xao đó càng tôn thêm vẻ tĩnh lặng của ngôi nhà tranh trong khu vườn rộng. Nhưng chủ nhân của nó thì đâu có chịu ngồi yên, vẫn lang thang đây đó để lên tiếng về những di tích đang lâm cảnh đìu hiu…

HỨA XUYÊN HUỲNH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Độc hành trên từng bản vẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO