Đưa bảo tàng đến công chúng

BẢO LÂM 24/03/2021 10:30

Đưa bảo tàng gần gũi với công chúng, để bảo tàng trở thành nơi thu hút khách tham quan… là mục tiêu đã và đang được Bảo tàng Quảng Nam nỗ lực thực hiện.

Học sinh các trường học trên địa bàn tỉnh tham quan Bảo tàng Quảng Nam. Ảnh: C.N
Học sinh các trường học trên địa bàn tỉnh tham quan Bảo tàng Quảng Nam. Ảnh: C.N

Địa chỉ văn hóa

Bảo tàng Quảng Nam (281 Phan Bội Châu, TP.Tam Kỳ) tọa lạc trên khuôn viên rộng hơn 2ha, với 2.700m2 trưng bày bên trong và 4.500m2 trưng bày ngoài trời. Đây là một trong những công trình văn hóa tiêu biểu, nơi lưu giữ tinh hoa xứ Quảng. Bảo tàng Quảng Nam đang lưu giữ hơn 30 nghìn hiện vật; trong đó trưng bày, giới thiệu hơn 3 nghìn hiện vật có giá trị về văn hóa vùng đất Quảng Nam qua các thời kỳ.

Tham quan Bảo tàng Quảng Nam cùng gia đình cuối tuần trước, chị Phan Thị Tờ (Quế Xuân 2, Quế Sơn) cho hay: “Khi có dịp đến Tam Kỳ, tôi thường tham quan Bảo tàng Quảng Nam. So với ngày đầu mới đưa vào hoạt động, hiện vật ngày càng phong phú, cả khuôn viên bên ngoài cũng bắt mắt. Mỗi khu vực trưng bày hiện vật về cụm chủ đề và chú thích cụ thể nên tôi dễ dàng tìm hiểu. Cây xanh, bồn hoa, thảm cỏ… trong khuôn viên bảo tàng được chăm chút cũng tạo hứng thú cho khách tham quan”.

Một hướng dẫn viên Bảo tàng Quảng Nam thông tin, Bảo tàng Quảng Nam hiện lưu giữ và trưng bày các bộ sưu tập hiện vật rất giá trị, tiêu biểu như các bộ sưu tập: mẩu vật về tài nguyên, khoáng sản; hiện vật di cốt người cổ có niên đại hơn 5 nghìn năm, mai táng theo hình thức chôn bó gối được tìm thấy tại Bàu Dũ (thôn Phú Trung, Tam Xuân 1, Núi Thành); những mộ chum và đồ tùy táng của nền văn hóa Sa Huỳnh; bộ sưu tập hiện vật phong phú về văn hóa Champa, trong đó có bảo vật quốc gia đầu tượng thần Siva, thế kỷ thứ 10, chất liệu bằng vàng ròng, là 1 trong 2 đầu tượng vàng cực kỳ quý hiếm hiện có ở Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay.

Hay như phiên bản Bảo vật quốc gia Ekamukhalinga được tìm thấy ở khu đền tháp Mỹ Sơn; bộ sưu tập những hiện vật đặc trưng về đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của các dân tộc thiểu số ở miền núi Quảng Nam; bộ sưu tập về công cụ lao động, sản xuất và các hiện vật, tư liệu về đời sống văn hóa tinh thần, nghệ thuật sân khấu, lễ hội của người Việt từ thời di dân, lập ấp, khẩn hoang đến ngày nay, nổi bật với những hình ảnh, hiện vật thuộc thời kỳ đấu tranh cứu nước… của người Quảng Nam.

Đa dạng hoạt động

Lượng khách tham quan Bảo tàng Quảng Nam sau gần 2 năm đơn vị mở cửa phục vụ chưa nhiều. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều hoạt động chững lại. Ông Phan Ngọc Bích - Phó Giám đốc Bảo tàng Quảng Nam cho hay, làm thế nào để đưa bảo tàng gần gũi với công chúng luôn là nỗi băn khoăn lớn nhất của những người làm công tác bảo tàng.

“Muốn bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ hiện vật, mà còn thu hút công chúng, trở thành địa chỉ văn hóa hấp dẫn, đòi hỏi bảo tàng phải tổ chức nhiều hoạt động sáng tạo, thú vị và đơn vị đang nỗ lực thực hiện điều này” - ông Phan Ngọc Bích nói.

Hướng tới mục tiêu giáo dục, Bảo tàng Quảng Nam đã gửi thư mời các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức cho học sinh tham quan, khám phá địa chỉ văn hóa này. Đơn vị dự kiến tham mưu Sở VH-TT&DL phối hợp Sở GD-ĐT về đề án giáo dục thông qua hoạt động tham quan, học tập tại bảo tàng.

Bà Nguyễn Thị Hồng Sanh - cán bộ quản lý Trường Mầm non Ngôi Nhà Nhỏ (Tam Kỳ) chia sẻ, nhà trường cho học trò tham quan bảo tàng với mong muốn góp phần giúp trẻ phát triển toàn diện về kỹ năng, nhận thức.

“Mặc dù nhỏ tuổi nhưng thực chất các cháu có khả năng tiếp nhận thông tin. Đây là nền tảng để học sinh quan tâm về những gì từng tiếp xúc, nghe và nhìn thấy xung quanh. Chưa kể, tham quan bảo tàng hoặc cùng đi với tập thể, trẻ có cơ hội tương tác với nhiều người, hiểu được những quy tắc và tuân theo quy định khi đến một địa điểm nào đó” - bà Hồng Sanh nói.

Hay như Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Tam Kỳ) tổ chức cho hơn 1 nghìn học sinh tham quan Bảo tàng Quảng Nam thành nhiều đợt. Kết thúc hoạt động, mỗi học sinh sẽ viết cảm nhận về chuyến đi.

Ông Phan Ngọc Bích cho biết thêm, để đưa bảo tàng gần gũi  hơn với công chúng, đơn vị đã đặt những pano quảng bá cỡ lớn tại một số điểm có nhiều khách tham quan như Mỹ Sơn, Vinpearl Land Nam Hội An, Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng; sắp tới đặt tại một số nơi trong và ngoài tỉnh.

Cùng với đó, ứng dụng công nghệ thông tin để số hóa hiện vật bảo tàng bằng mã QR (một số bảo tàng đã dùng điện toán đám mây). Hiện nay bảo tàng mới dùng song ngữ Việt - Anh trong chú thích hiện vật, tiến tới sẽ dùng thêm 2 ngoại ngữ nữa là tiếng Trung và tiếng Hàn để tạo điều kiện cho khách đến tham quan. Khách nước ngoài có thể không cần đi theo trình tự của hướng dẫn viên mà có thể tự do nghiên cứu, khám phá nội dung mình cần quan tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đưa bảo tàng đến công chúng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO