Giả thiết truy tiền hiền từ ngôn ngữ

HỒ TRUNG TÚ 25/06/2022 07:23

Ở Quảng Nam có một hiện tượng lạ về ngôn ngữ chưa thấy các nhà nghiên cứu nhắc đến. Đó là sự đan xen của hai nhóm từ vựng đặc trưng thay thế nhau từng đôi một.

Làng quê Quảng Nam. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Làng quê Quảng Nam. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Nếu ở các huyện phía bắc sông Thu Bồn nói “mi, tau, mô, tê, răng, rứa, chi, ni”… thì các huyện phía nam cũng cùng với những ngữ nghĩa đó người ta nói “mày, tao, đâu, kia, sao, vậy, gì, này”... Hiện tượng này ta thấy ở hầu hết các huyện.

Nhiều người bảo đây là do nước uống, nhưng không phải. Theo các nhà ngôn ngữ thì đây là những yếu tố dân tộc học khá quan trọng mà nếu nhìn, soi kỹ vào nó ta có thể nhận ra những điều về lịch sử chuyển động của các cộng đồng người, dân tộc khác nhau mà tư liệu lịch sử đã không còn để lại bất cứ dấu vết nào để ta có thể truy xét.

Nơi giao tiếp của phương ngữ

Quảng Nam là nơi giao tiếp của hai phương ngữ: Phương ngữ Khu 4 cũ (Giáo sư ngôn ngữ Hoàng Thị Châu gọi là phương ngữ Trung, kéo dài từ nam Thanh Hóa đến đèo Hải Vân) với Phương ngữ Nam (kéo dài từ Quảng Nam đến tận Cà Mau).

Và bước đầu chúng ta nhận thấy cách sử dụng hai nhóm từ đặc trưng này thể hiện rõ cách nói của phương ngữ Bắc và phương ngữ Trung. Người ở đồng bằng Bắc Bộ nói: mày, tao, đâu, kia, sao, vậy, gì, này... Còn người ở phương ngữ Trung từ Thanh Hóa vào tới Quảng Nam thì nói: mi, tau, mô, tê, răng, rứa, chi, ni.

Đặt câu hỏi thế này là ta có thể rõ được nhiều điều: Tại sao cách nói mi, tau, mô, tê, răng, rứa, chi, ni… là vô cùng ổn định từ Thanh Hóa vào đến bắc Quảng Nam - một vệt dài cả nghìn cây số, nhưng chỉ cần sang sông Thu Bồn, có thể nói chính xác hơn là sang sông Bà Rén, bước chân lên vùng đất Quế Sơn, Thăng Bình, Tam Kỳ, Tiên Phước rồi vào dần đến tận Bình Định và cả miền Nam sau này, đến tận Cà Mau cách nói này biến mất để nhường chỗ cho mày, tao, đâu, kia, sao, vậy, gì, này…?

Thậm chí sự vững bền ở hai nhóm từ này, tức rất khó có thể biến đổi, có thể khiến ta ngạc nhiên. Ở Thừa Thiên Huế, ở một tỉnh thuần mi, tau, mô, tê, răng, rứa, chi, ni… thì có làng Mỹ Lợi (Phú Lộc) người dân ở đây nói giọng gần như giọng Quảng Nam; thế nhưng nếu để ý kỹ thì họ lại thuộc nhóm từ thứ hai tức mày, tao, đâu, kia, sao, vậy, gì, này… tức gần với Quảng Ngãi hơn là Quảng Nam, trong khi hỏi các người già ở làng Mỹ Lợi thì tổ tiên họ không có quan hệ gì với người Quảng Nam hoặc Quảng Ngãi.

Vài cách lý giải   

Nhìn vào nhánh ngữ hệ Môn-Khmer (thuộc ngữ hệ Nam Á) chúng ta nhận ra nhóm từ mi, tau, mô, tê, răng, rứa, chi, ni… được sử dụng từ Thanh Hóa vào đến Thu Bồn là hoàn toàn trùng khớp với các tộc người thuộc ngữ hệ Môn-Khmer.

Và thật vậy, ngôn ngữ các tộc người trong nhóm Việt - Mường ở bảng ngữ hệ Môn-Khmer hầu hết đều có các từ đặc trưng vùng Khu 4 này. Chúng tôi gọi đó là nhóm từ đặc trưng vì nó khá vững bền trên một diện tích rộng, chiều dài gần ngàn cây số và không biến đổi.

Hai trường hợp trong nhóm từ đặc trưng chúng tôi tìm thấy trong từ điển Mường - Việt của các tác giả Nguyễn Văn Khang, Bùi Chỉ, Hoàng Văn Hành (NXB Văn hóa Dân tộc Hà Nội năm 2002).

Thế nhưng, khi bước qua sông Thu Bồn vào năm 1471 (chính xác là từ thời nhà Hồ, Quảng Ngãi đã thuộc Đại Việt nhưng lúc này đây còn là vùng tranh chấp nên chưa tính) thì tiếng Việt, cụ thể là ở nhóm từ đặc trưng này đã thay đổi, họ không nói mi, tau, mô, tê, răng, rứa, chi, ni… mà nói mày, tao, đâu, kia, sao, vậy, gì, này… Tại sao vậy?

Câu trả lời đầu tiên ai cũng có thể nghĩ đến là liệu chăng ở đây có yếu tố ngôn ngữ của người Chăm đã khiến tiếng Việt thay đổi về ngữ điệu, ngữ âm và cả từ vựng? Trong trường hợp này là từ vựng, điều ít xảy ra hơn vì ta thấy lớp từ tiếng Chăm còn lại rất ít trong tiếng Việt hiện đại.

Tiếng Chăm thuộc ngữ hệ Nam Đảo, tiếng Việt như vừa nói, chí ít ở vùng Khu 4 cũ thì thuộc Môn-Khmer. Việc hai ngôn ngữ này va chạm, thay thế nhau đã để lại dấu vết đâu đó trên vùng Quảng Nam chăng?

Thế nhưng tiếng Chăm lại chỉ có một trường hợp duy nhất trùng với tiếng Việt là ni (theo nghĩa này) còn lại với cả hai nhóm từ mi, tau…. hoặc mày, tao… họ đều có cách nói đa âm khác rất xa với các từ chúng ta đang xét. Vậy những từ mày, tao, đâu, kia, sao, vậy, gì, này… ở đâu ra?

Thì ra, vấn đề ở đây không chỉ nằm trong diễn trình lịch sử Nam tiến, tiếp xúc với Chămpa đơn thuần mà muốn hiểu nó chúng ta còn cần phải hiểu đến sự phân kỳ lịch sử Nam tiến ấy nữa. Đơn giản là vì nhóm từ mày, tao, đâu, kia, sao, vậy, gì, này… là hoàn toàn thuộc về phương ngữ Bắc, phương ngữ của đồng bằng Bắc Bộ.

Và như vậy, giả thiết ban đầu đặt ra là, hình như, ở Quảng Nam nhóm người Chăm nào ảnh hưởng, hoặc học tiếng Việt từ người Khu 4 thì nói mi, tau, mô, tê, răng, rứa, chi, ni…  còn nhóm người Chăm nào tiếp xúc hoặc học nói tiếng Việt từ những người ở đồng bằng Bắc Bộ thì nói mày, tao, đâu, kia, sao, vậy, gì, này…  

Thêm công cụ truy tiền hiền làng

Phát triển giả thiết này, dựa trên lịch sử Nam tiến: Vì nhận thấy cách nói mày, tao, đâu, kia, sao, vậy, gì, này… xuất hiện muộn, chủ yếu ở phía nam Thu Bồn rồi ổn định rõ nét dần khi vào đến Quảng Ngãi rồi ổn định một cách nói đến tận Cà Mau, chúng ta có thể nghĩ rằng việc người Quảng Nam phía bắc Thu Bồn nói mi, tau, mô, tê, răng, rứa, chi, ni… là vì từ 1306 (đám cưới Huyền Trân) đến 1471 (Lê Thánh Tông bình Chiêm thắng lợi), việc bình định vùng đất này hoàn toàn thuộc người Thanh - Nghệ.

Và sau 1471 thì người ở các làng xã Bắc Bộ mới vào và người Chăm đã tiếp thu cách nói mày, tao, đâu, kia, sao, vậy, gì, này…  đặc trưng của người châu thổ sông Hồng, và nói rơi vào giai đoạn muộn của phân kỳ Nam tiến cho nên các tỉnh chuyển sang nói tiếng Việt muộn sẽ nói mày tao… thay vì mi tau…

Ở vùng Quảng Nam, các thành phần dân cư đã thay đổi ngôn ngữ của mình để nói tiếng Việt là những người Việt gốc Hoa, gốc Chăm… Trong đó quan trọng nhất là cộng đồng người Chăm cũ ở Quảng Nam từ trước khi đất này thuộc về người Việt và họ dần dần sớm muộn khác nhau đã chuyển sang nói tiếng Việt. Có làng nói tiếng Việt từ thế kỷ 14, 15 nhưng cũng có làng nói tiếng Việt từ thế kỷ 17, 18; thậm chí có làng đến giữa thế kỷ 19 mới chuyển sang nói tiếng Việt.

Chính việc chuyển sang nói tiếng Việt sớm muộn khác nhau này mà ta có những làng nói những giọng khác nhau. Việc một làng không nói mi, tau, mô, tê, răng, rứa, chi, ni… mà nói mày, tao, đâu, kia, sao, vậy, gì, này... là không phải ít. Điển hình nhất là các làng Thanh Quýt, Mã Châu, Phong Lệ... Và ở các làng này di tích Chàm dày đặc.

Tôi đồ chừng rằng các làng này là làng Chàm chuyển sang nói tiếng Việt rất muộn. Thế kỷ 18 họ mới chịu nói tiếng Việt, và quan trọng nhất là họ có điều kiện để tiếp xúc với các người thuộc châu thổ sông Hồng khi mà lũy Trường Dục đã thôi chia cắt Bắc, Nam gần 200 năm.

Quảng Ngãi, Bình Định nói tiếng Việt rõ ràng là muộn hơn Quảng Nam. Phú Yên thì nói tiếng Việt muộn nhất, mãi sau 1621 họ mới thực sự phải nói tiếng Việt. Chính việc nói tiếng Việt sớm muộn khác nhau mà ta có những làng có giọng nói khác nhau, và sử dụng mi, tau, mô, tê, răng, rứa, chi, ni… hay mày, tao, đâu, kia, sao, vậy, gì, này... cho dù chỉ cách nhau con đường làng rất hẹp.

Tóm lại, sự khác nhau của các thổ ngữ ở những làng nhỏ ở Quảng Nam ngoại trừ yếu tố chính là người Chăm nói tiếng Việt sớm muộn khác nhau thì còn vì họ, người Chăm cũ đã tiếp xúc và học nói tiếng Việt từ người vùng Thanh - Nghệ hay người thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ ở các tỉnh như Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên… (các tỉnh có nhiều trong các gia phả Quảng Nam) mà có những thổ ngữ khác nhau.

Ở Quảng Nam có một thực tế là ở các làng tộc nào cũng muốn tiền hiền tộc mình làng mình là người đầu tiên đến khai canh, khai cư và cũng không biết tiền hiền tộc mình là người thuộc tỉnh nào ở phía Bắc. Nay dựa trên các nhóm từ đặc trưng chúng ta sẽ có thêm một công cụ để có thể truy ra tiền hiền tộc mình, làng mình là người thuộc vùng Thanh Nghệ hay các tỉnh thuộc Bắc Bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giả thiết truy tiền hiền từ ngôn ngữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO