Giải mã phật viện Quán Thế Âm Đồng Dương: Nhìn từ cấu trúc của mạn-đà-la Mật tông

TRẦN KỲ PHƯƠNG - NGUYỄN TÚ ANH 26/03/2023 07:07

Việc giải mã Phật viện Đồng Dương là một mạn-đà-la mang lại ánh sáng mới soi chiếu vào những hoạt động sôi nổi của Phật giáo tại vương quốc Chămpa, trong thời kỳ phát triển rực rỡ của những trào lưu Phật giáo tại châu Á.

Tháp Trung tâm hay Tháp sáng hiện chỉ còn mảng tường phía tây.
Tháp Trung tâm hay Tháp sáng hiện chỉ còn mảng tường phía tây.

Phế tích Đồng Dương được nhìn nhận là tổ hợp đền - tháp Phật giáo quan trọng bậc nhất của vương quốc Chămpa. Đây là Phật viện Quán Thế Âm Laksmindra, xây dựng vào năm 875 dựa theo minh văn của vua Jaya Indravarman phát hiện tại di tích.

Phế tích này đã được Henri Parmentier và Charles Carpeaux khai quật khảo cổ học từ tháng 7 - 11/1902 và những bản vẽ kiến trúc có giá trị khoa học cao dựa trên những kết quả của cuộc khai quật này đã được Parmentier thực hiện. Công trình của ông là nguồn kiến thức căn bản nhất về Đồng Dương cũng như về nghệ thuật Phật giáo Chămpa.

Phật viện Quán Thế Âm Đồng Dương thế kỷ 9 - 10

Đồng Dương đã bị phá hủy gần như hoàn toàn trong chiến tranh, hiện chỉ còn sót lại mảng tường phía tây và một phần khung cửa đá của tháp Trung tâm mà người dân địa phương gọi là “Tháp sáng”. Không gian kiến trúc có chiều dài khoảng 1.300m.

Trong đó, Khu I bao gồm đền, tháp chính cấu thành một mạn-đà-la bằng điêu khắc hay kiến trúc, gọi là kiết-ma mạn-đà-la (karma-mandala). Khu II là tiền đình là nơi tổ chức nghi lễ quan trọng nhất của Mật tông là Lễ Quán đỉnh. Khu III là sảnh đường lớn nơi giảng đạo và một cột đà-la-ni bằng gạch tên là “Xuân Sơn” dựng gần “Ao vuông” là hồ sen lớn nằm về phía đông di tích.

Cùng với minh văn Đồng Dương, những tượng chính được tìm thấy tại đây cũng góp phần chủ yếu để xác định tính chất tín ngưỡng đặc thù của Phật viện này. Hiện chỉ có ba pho tượng Phật lớn được phát hiện ngay tại phế tích, gồm: một tượng Phật đứng bằng đồng, một tượng Phật ngồi trên ngai với hai chân song song đặt vuông góc mặt đất bằng sa thạch và một tượng Phật ngồi thủ “trí huệ ấn” cũng bằng sa thạch.

Tam bộ và tam tượng Tối thắng tôn

Bia An Thái nay thuộc xã Bình An (huyện Thăng Bình) có niên đại 902, ký hiệu C. 138, là cơ sở để đối chiếu và định danh cho tượng ba vị Phật chính của Đồng Dương.

Trước hết, Mật tông Chămpa nhấn mạnh một hệ thống thờ tam vị Tối thắng tôn (Jina) tức là Phật hay Như Lai, gồm Phật Thích Ca, Phật A di đà và Đại nhật Như Lai. Các ngài đã gia trì ba tối thắng xứ là Kim Cang giới, Liên Hoa giới và Pháp Luân giới để thể hiện thể tánh Không, Đại Không và Siêu việt Không.

Sơ đồ so sánh ba tối thắng xứ trong bia An Thái với Tam bộ (trikula) trong Thai tạng giới mạn-đà-la của Kim cang thừa, được diễn giải như sau: Kim Cang bộ là Kim Cang giới được gia trì bởi Thích ca; Liên Hoa bộ là Liên Hoa giới được gia trì bởi A di đà; Phật bộ là Pháp Luân giới được gia trì bởi Đại nhật.

Trong Kim Cang thừa có hai mạn-đà-la chính gọi là "Kim Thai lưỡng bộ" được thiết lập để thực hành nghi thức Lễ Quán đỉnh đó là Thai tạng giới mạn-đà-la và Kim Cang giới mạn-đà-la.

Tương hợp với Thai tạng giới thiên về “Tam bộ”, Kim cang giới thiên về “Ngũ bộ”, trong đó bao gồm Phật bộ do Đại nhật làm bộ chủ, Kim Cang bộ do Bất động làm bộ chủ, Bảo bộ do Bảo sanh làm bộ chủ, Liên Hoa bộ do A di đà làm bộ chủ và Nghiệp bộ do Bất không Thành tựu làm bộ chủ. Thai tạng giới mạn-đà-la, tượng trưng cho Đại Bi; còn Kim Cang giới mạn-đà-la, tượng trưng cho Đại Trí là hai bánh xe vận chuyển cỗ xe Đại thừa.

Tam bộ của Thai tạng giới mạn-đà-la Đồng Dương

Đối chiếu với bản vẽ của Parmentier, sự phân bố đền, tháp của Đồng Dương có thể so sánh với nội hàm của một Thai tạng giới mạn-đà-la, Tam bộ của mạn-đà-la này đã được các kiến trúc sư Chămpa thiết kế theo một bố cục giản lược hơn cho phù hợp với cấu trúc của Phật viện Quán Thế Âm Laksmindra.

Tượng Thích ca bằng đồng (Bảo tàng Lịch sử TP.Hồ Chí Minh).
Tượng Thích ca bằng đồng (Bảo tàng Lịch sử TP.Hồ Chí Minh).

Phật bộ, gồm ba ngôi đền lớn ở trung tâm, thuộc hàng dọc, xét theo trục tây - đông. Phật đường chính nơi thờ tượng Thích ca; Tháp trung tâm nơi thờ tượng A di đà đặt chính giữa, cả hai thuộc Khu I nằm về phía tây di tích và Giảng đường lớn nơi thờ tượng Đại nhật thuộc Khu III nằm về phía đông di tích.

Liên Hoa bộ, thuộc hàng ngang trên trục bắc - nam, gồm Quán Âm viện là tháp Bắc nằm về phía bắc Phật đường chính, thể hiện Đại Bi. Trong viện này, đức Quán Thế Âm là viện chủ. Mặc dầu cho đến nay chưa tìm thấy tượng nào của Quán Thế Âm tại Khu I, tuy nhiên pho tượng đồng kiệt tác của Lục Độ mẫu hay Syama Tara, phát hiện tại Đồng Dương năm 1978, là minh chứng sinh động cho sự hiện hữu của ngài trong viện này.

Kim Cang bộ, thuộc hàng ngang trên trục bắc - nam, gồm Kim Cang Thủ viện là tháp Nam nằm về phía nam Phật đường chính, thể hiện Đại Trí. Trong Kim Cang Thủ viện, ngài Kim Cang Thủ là viện chủ, danh hiệu của ngài được xưng tụng trong minh văn An Thái.

Và những mối liên hệ

Cách bài trí của Phật viện Đồng Dương là cơ sở để xét về Tam thân Phật (trikaya). Bao gồm: Pháp thân Phật là Đại nhật; Thọ dụng thân Phật hay Báo thân Phật là A di đà và Ứng hóa thân Phật là Thích Ca hay đức Phật lịch sử.

Kiến trúc của Đồng Dương được thiết kế theo nội dung của Thai tạng giới mạn-đà-la, tức là bao gồm cả Quán Thế Âm mạn-đà-la hay Đại bi mạn-đà-la. Vì vậy A di đà ngự ở trung tâm mạn-đà-la; Đại nhật ngự ở phương đông và Thích Ca hay Bất động ngự ở phương tây.

Mật chú nổi tiếng xưng tụng Bồ tát Quán Thế Âm là “Oṃ Maṇipadme Hūṃ”, bao hàm đủ “tam mật” là Thân, Khẩu, Ý. Theo đó, Đại nhật chủ về Thân mật, chủng tự là “Oṃ” thuộc âm đầu; A di đà chủ về Khẩu mật, chủng tự là “Āḥ” thuộc âm giữa và Bất động hay Thích ca chủ về Ý mật, chủng tự là “Hūṃ” thuộc âm cuối.

Vì thế, “Maṇipadme” tương đương với chủng tự “Āḥ” của A di đà ở trung tâm của cõi Tịnh độ. Có thể luận rằng, tam tượng Phật của mạn-đà-la Đồng Dương, nơi Bồ tát Quán Thế Âm Laksmindra là thần chủ, được bài trí thứ tự theo tinh thần của mật chú “Oṃ Maṇipadme Hūṃ”, như sau: “Oṃ” hay Đại nhật, phương Đông; “Maṇipadme” hay A di đà, phương trung tâm; “Hūṃ” hay Thích ca/Bất động, phương Tây.

Thiết kế của Phật viện Đồng Dương dù đã được giản lược nhưng vẫn thể hiện được những nội dung chính của Thai tạng giới mạn-đà-la dựa theo hướng dẫn trong những kinh văn nòng cốt của Mật tông.

Vào thế kỷ 8-10, Kim cang giới mạn-đà-la và Thai tạng giới mạn-đà-la, hay Kim thai lưỡng bộ, được thiết lập phối hợp để thực hành các nghi thức Lễ Quán đỉnh tại Trung Hoa, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng như tại Đông Nam Á. Như vậy, sự phối hợp Kim Thai lưỡng bộ là một hiện tượng phổ biến tại các quốc gia Phật giáo ở châu Á được thực hiện bởi sự hướng dẫn trực tiếp của chư tổ và được sự bảo trợ của hoàng gia sở tại.

Tạm kết

Vào thế kỷ 8 những vị tổ như Kim Cang Trí, Bất Không Trí và Trí Huệ đã từ Nam Ấn đến Đông Nam Á và Trung Hoa để truyền dạy Mật tông và cũng từ đây các ngài đã trở lại Nam Ấn nhiều lần để tiếp tục thỉnh kinh.

Cùng thời với sự phát triển các tuyến hàng hải nối kết giữa Nam Á và Đông Á, cảng - thị Chămpa đã cung cấp những trạm lưu trú lý tưởng, tiếp tế thực phẩm và nước ngọt cũng như các mặt hàng lâm thổ sản cao cấp cho các hải đoàn. Ngoài ra, Mật tông cũng đã đóng một vai trò tích cực trong việc thiết lập những mối liên kết chính trị và thương mại chặt chẽ giữa những địa phương của vùng Đông Nam Á.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giải mã phật viện Quán Thế Âm Đồng Dương: Nhìn từ cấu trúc của mạn-đà-la Mật tông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO