Giỗ chạp ngày cuối đông

TRƯƠNG NGUYÊN NGÃ 27/12/2022 10:04

(VHQN) - Tuổi thơ tôi, lễ chạp mả là ngày tôi ngại về nhà thờ tộc nhất. Trong trí óc non nớt của đứa bé 6 tuổi, nhà thờ tộc Trương Đôn Hậu của tôi là thế giới bí ẩn, thiêng liêng và hoành tráng, dễ gây hoang mang. Thêm nỗi lo ngại nữa, trong gia tộc tôi những ngày chạp mả mới thực sự là ngày “Tứ đại đồng đường”, tộc nhân về rất đông, lên đến hàng trăm người. 

Quang cảnh một buổi chạp mả tại nhà thờ tộc Trương Đôn Hậu ở Hội An. Ảnh: NG.NGÃ
Quang cảnh một buổi chạp mả tại nhà thờ tộc Trương Đôn Hậu ở Hội An. Ảnh: NG.NGÃ

Tôi được ba tôi dạy bảo cẩn thận rằng phải chào hỏi, thưa gửi với người lớn mình gặp khi về nhà thờ tộc. Nếu không, khó mà yên thân với ba tôi khi trở về nhà, nhẹ thì những lời thuyết giảng về lễ nghĩa trong gia đình, nặng phải quỳ gối hàng giờ dưới nền đất.

Tôi chỉ thực sự hiểu rõ về ý nghĩa của ngày chạp mả khi được 17 tuổi. Tháng Chạp năm đó, ông nội tôi cho người gọi đến, bảo tôi sắp xếp thời gian cùng bác Tấn, một người bác bên ngoại, đi giẫy mả ông bà.

Sẵn dịp, ông giảng giải cho tôi hiểu về ngày chạp mả. Đến lúc đó tôi mới biết rõ, đạo lý sống của dân tộc Việt xoay quanh bốn chữ “Uống nước nhớ nguồn”, trước có tổ tiên, ông bà, sau mới có chúng ta và con cháu. Phận con cháu phải tri ân, giữ đạo hiếu với cha mẹ, ông bà, tưởng nhớ những người đã khuất.

Việc giỗ chạp, con cháu chỉ lo cúng giỗ hàng năm lên đến đời ông cố. Các đời trên nữa đều được thỉnh về thờ cúng chung tại nhà thờ tộc. Định lệ hàng năm sẽ giỗ chung vào ngày chạp mả và ngày tế thu, có nơi còn gọi là “xuân thu nhị kỳ”.

Người Việt quan niệm con người ta “Sống cái nhà, chết cái mồ”. Mồ mả ông bà được xem như nhà riêng của những người đã khuất. Con cháu quanh năm mải lo làm ăn, có người phải tha phương cầu thực, không có điều kiện để chăm sóc mồ mả. Nên định lệ hàng năm, trước lễ chạp mả con cháu trong tộc sắp xếp thời gian để cùng đi giẫy mả.

Được nghe ông nội tôi kể lại, ngày trước gia tộc tôi hoặc các gia tộc lớn trong phố đều có nuôi người ăn kẻ ở trong nhà, ngay từ đầu tháng Chạp đều cử người lo đi giẫy mả, tộc nhân không phải làm, chỉ đến dự lễ chạp mả. Về sau, kinh tế khó khăn nên các gia đình phải chia nhau tự làm.

Lễ cúng chạp mả cuối năm được người dân xứ Quảng tổ chức trang trọng nhằm tri ân, tưởng nhớ đến người đã khuất. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Lễ cúng chạp mả cuối năm được người dân xứ Quảng tổ chức trang trọng nhằm tri ân, tưởng nhớ đến người đã khuất. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Đến ngày hẹn, tôi cùng bác Tấn chở nhau trên chiếc xe đạp lọc cọc đi giẫy mả ngoài rừng. Ngày trước, rừng là tên gọi theo thói quen của người Hội An cho vùng ngoại ô phía đông bắc, cây cối chủ yếu là dương liễu và bạch đàn.

Ra đến mộ, chúng tôi chia nhau đi nhổ cỏ, chùi sạch bia, rồi quét vôi những ngôi mộ đã xây. Có những mộ chưa được xây, lâu ngày mưa gió bị sụt nấm mồ, chúng tôi phải dùng cuốc vun nấm cho cao lên lại, kẻo sợ bị lạc mộ.

Kể vậy chứ cũng mất năm bảy ngày mới xong công việc. Đó là thời tiết thuận lợi, chứ có nhiều năm mưa gió bão bùng cả tháng Chạp, làm được một buổi lại phải nghỉ mất vài ngày. Có năm đến cận tết mới xong công việc.

Đâu đó xong xuôi, nếu trời khô ráo chúng tôi tiếp tục dùng sơn đỏ đồ bia mộ. Gặp năm mưa gió liên tục, phải chờ tới tiết Thanh minh mới chia nhau đi đồ bia theo phong tục của người Hoa trong phố. Tiết Thanh minh trời nắng, mặt bia khô ráo dễ đồ hơn nhưng bị cái dang nắng chói chang cả ngày, có khi bị say nắng ngất ngây.

Nói đến đồ bia lại nhớ một chuyện cũng khá thú vị. Chẳng là thuở đó kinh tế khó khăn, không dễ gì có tiền mua cây cọ lông để đồ bia. Bác Tấn vót một đầu đũa tre cho nhỏ lại vừa với kẽ chữ đục trên bia, đập dập đầu cho sớ tre tưa, dùng thay bút lông chấm sơn đỏ để đồ chữ trên bia.

Cách làm này tốn thời gian kinh khủng, đòi hỏi người đồ bia phải kiên nhẫn và khéo tay, chữ mới sắc nét được, cả ngày chỉ đồ được một cái bia mộ. Làm được bữa đầu, qua hôm sau tôi buộc lông gà vào đầu đũa tre đã vót, chấm sơn đồ vào kẽ chữ đục chìm, mặc cho sơn lem ra trên mặt bia, rồi chuyển sang đồ bia khác.

Xong hết một loạt bia, mặt sơn đã khô, tôi dùng giấy nhám rà trên mặt bia, tẩy những vết sơn lem ra ngoài rồi lau sạch. Chữ hiện ra bén ngọt, ngày làm được bốn năm cái, ai thấy cũng khen. Đến khi thị trường có loại sơn lon dùng để xịt, lại nhanh hơn nữa. Xịt sơn trực tiếp vào mặt bia, chờ sơn khô đánh giấy nhám là xong. Công việc đồ bia trước kia làm hàng tuần, bây giờ làm chỉ non một ngày là xong, lại đẹp.

Về sau, khi dự lễ chạp mả ở các nhà thờ tộc bên ngoại tôi mới được biết thêm, không có ngày chính thức chung để làm lễ chạp mả trong các tộc họ. Hầu hết phụ thuộc thời gian làm ăn sinh sống của tộc nhân mà định ngày riêng làm lễ chạp mả.

Phần đông các tộc họ đều chọn ngày giỗ của một vị tiền bối đã khuất trong tộc có thời gian trùng vào cuối tháng 11 hoặc tháng Chạp để định ngày chạp mả cho tiện việc tham dự của con cháu. Đây là dịp con cháu nội ngoại trong tộc gặp nhau để biết mặt họ hàng, thân thuộc trong gia tộc.

Ngẫm lại, các cụ ngày xưa định đặt lễ nghi, dùng chuyện tâm linh để dạy dỗ con cháu, đồng thời kết nối tình thân trong gia tộc, quả thực tính toán và suy nghĩ của các cụ không chỉ là chuyện cúng lễ.

Đêm qua gió bấc lại về. Lại chuẩn bị hẹn mấy anh em trong tộc tụ về cùng đi giẫy mả, đồ bia.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giỗ chạp ngày cuối đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO