Giữ nếp xưa qua những ngôi nhà cổ

LÊ VĂN VINH 19/05/2022 06:03

(VHQN) - Xóm Làng là tên gọi một xóm nhỏ ở thôn An Thiện thuộc xã Tam Nghĩa (Núi Thành), nơi còn lưu giữ nhiều ngôi nhà cổ. Đây là công trình độc đáo của những thợ mộc tài hoa làng Kim Bồng và Vân Hà xưa.

Nhà thờ tộc Nguyễn Đắc làng An Thiện.
Nhà thờ tộc Nguyễn Đắc làng An Thiện.

Xã Tam Nghĩa trước đây là xã Kỳ Liên gồm có các thôn An Tân (nay là khối 4 thị trấn Núi Thành), Long Bình, Tịch Tây, Long Phú, An Thiện, Hòa Mỹ và 4 khu dồn (do Mỹ dồn vào năm 1965 để xây dựng Căn cứ Chu Lai là Hòa Vân, Thanh Trà, Đông Yên và Định Phước).

Sau năm 1975 đất nước thống nhất, qua nhiều lần thay đổi hiện nay xã Tam Nghĩa có 7 thôn: Hòa Đông, Hòa Mỹ, An Long, Thanh Trà, Định Phước, Tịch Tây và thôn Long Bình. Một trong những thôn được hình thành sớm nhất ở xã Tam Nghĩa có lẽ là thôn An Thiện, An Long ngày nay.

Khoảng đầu thế kỷ 17, thôn có nhiều xóm nhỏ: xóm Làng, xóm Cát, xóm Mới, xóm Hóc. Riêng xóm Làng nơi có nhà Tiền hiền của làng vẫn còn đó dấu vết xưa như đình làng An Thiện, rừng già An Thiện, đặc biệt là 5 ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi.

Ngược dòng thời gian

Hai ngôi nhà cổ nhất đó là ngôi nhà thờ tộc Nguyễn Đắc xây dựng vào năm 1921 và ngôi nhà ông Nguyễn Xuân An xây vào năm 1939. Ban đầu các ngôi nhà đều xây dựng theo kết cấu nhà xưa khung gỗ, tường đá xanh với chất kết dính bằng vôi mật, mái ngói âm dương mang dáng dấp nhà cổ Huế, gồm 3 gian 2 chái, hai gian nghỉ và một gian thờ.

Nhà trụ vững bởi 20 cột mít tròn to, bóng nhẵn. Thêm vào đó là hệ thống rường, cột. Xà thượng, xà hạ đều liên kết với nhau, kể cả rường, rui, mè, kèo, trính, huỳnh tử với những nét chạm trổ tinh xảo, tỉ mỉ.

Qua nhiều lần tu sửa, thay mới, ít nhiều có sự pha tạp so với nguyên bản nhưng vẫn giữ đặc trưng của một ngôi nhà cổ. Đường nét hoa văn chạm trổ lên nước sáng bóng nhờ bàn tay chăm chút của gia chủ.

Ngôi nhà ông Nguyễn Xuân An đang ở được UBND tỉnh xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh vào năm 2005. Khác với bốn ngôi nhà còn lại, mặt tiền ngôi nhà được thiết kế theo kiểu nhà cổ miền Tây Nam Bộ. Kiến trúc nhà được pha trộn giữa kiến trúc Đông - Tây, thể hiện giao thoa văn hóa Việt - Pháp, bên trong thuần Việt thì bên ngoài mang dáng dấp phương Tây.

Ngồi trên trường kỷ trong ngôi nhà mát lạnh, ông An nhớ lại, vào năm 1938 có người ở đàng ngoài trên đường di cư vào Nam chở theo một bộ sườn nhà, khi cập bến An Hòa (Tam Hải, Núi Thành) có ý định bán nguyên căn nhà này.

Biết chuyện, ông Nguyễn Đắc Tuy (ông nội ông An) bỏ tiền mua chở về bến sông Bến Ván (dưới chân cầu An Tân, khối 4 thị trấn Núi Thành ngày nay) rồi gọi con cháu, bà con trong tộc khuân vác về làng An Thiện dựng lại sau đó một năm.

“Theo lời cha tôi, ngoài bộ sườn nhà hiện nay ngày đó người bán ngỏ lời bán kèm theo ván thưng phên (tường) và gỗ lát nền toàn bằng gỗ kiền kiền nhưng ông nội tôi không đủ thời gian để huy động tiền” - ông An chia sẻ thêm.

Dù xây cất sau khu nhà thờ nhưng do cây gỗ nhà này đã có trước đó hàng trăm năm nên qua khảo sát, thẩm định của các nhà nghiên cứu đã công nhận ngôi nhà đủ điều kiện và tiêu chuẩn để đề nghị Nhà nước công nhận kiến trúc nhà cổ. Điều đáng chú ý là cả 5 ngôi nhà cổ ở xóm Làng - An Thiện đều có một chủ đó là ông Nguyễn Đắc Tuy (ông nội của các chủ nhà hiện nay).

Tương lai cho một điểm đến

Nhà cổ làng An Thiện không hoành tráng, đồ sộ, độc đáo như nhiều làng cổ khác ở làng quê Việt Nam như làng cổ Đại Lâm - Hà Nội, làng cổ Lộc Yên - Tiên Phước, song các ngôi nhà cổ nơi đây vẫn toát lên nét chung nhất về kiến trúc nhà cổ Việt và mang một sắc thái riêng, minh chứng cho kiến trúc nhà cổ một thời đã du nhập và lưu lại xứ này.

Nhà ông Nguyễn Quang Long được trùng tu vào năm 2021, bên trong còn rất nhiều hoa văn chạm trổ tinh xảo.
Nhà ông Nguyễn Quang Long được trùng tu vào năm 2021, bên trong còn rất nhiều hoa văn chạm trổ tinh xảo.

Ông Nguyễn Quang Long (68 tuổi - chủ nhân của một trong 5 ngôi nhà cổ), chia sẻ: “ Ngoài ngôi nhà thờ tộc, mỗi người con đã được ông nội (ông Tuy) để lại một ngôi nhà xưa. Vì thế con cháu có trách nhiệm gìn giữ, tu bổ hằng năm. Giữa cuộc sống hiện đại hôm nay, những kiến trúc nghệ thuật cổ đã và đang dần mất nên chúng tôi cố gắng gìn giữ gia sản, hồn cốt của ông bà, tổ tiên để lại”.

Giữa bốn bề bao phủ bởi màu xanh cây lá, phía trước là đồng lúa, phía sau là lưng đồi, lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng là các căn nhà cổ. Nếu ai đó thích hoài cổ thì xin về làng An Thiện để được nhìn và lắng nghe chuyện xưa của làng quê Việt qua những nếp nhà rêu phong cổ kính.

Đồng thời bạn sẽ có cơ hội chinh phục đỉnh núi Con Heo sau làng. Ở đây du khách tha hồ chiêm ngưỡng ngôi chùa Hang (bằng đá) nép mình giữa lưng chừng núi. Bên trong chùa có một giếng nước từ thuở xa xưa đến nay chưa bao giờ cạn. 

Và thật thú vị khi được xuôi dòng sông Đình vào buổi chiều, lướt qua cánh rừng dừa nước Tịch Tây rộng mênh mông để kịp về đắm chìm trong làn nước trong xanh và ngắm cảnh hoàng hôn trên biển Rạn. Khép lại một ngày rong chơi, khám phá ở một vùng quê còn lắm điều thi vị.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giữ nếp xưa qua những ngôi nhà cổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO