Khoan hòa một tiếng chuông

HỨA XUYÊN HUỲNH 19/03/2023 04:44

(VHQN) - Nếu thiện nam tín nữ gửi gắm nỗi xao động vào trong tiếng chuông tỉnh thức của chùa làng, thì ngược lại, mái chùa làng ẩn dưới tàng cây xanh cũng đang nương náu niềm tin yêu của dân làng...

Một ngôi chùa ở doi đất hợp lưu đầu nguồn sông Vu Gia. Ảnh: MỤC ĐỒNG
Một ngôi chùa ở doi đất hợp lưu đầu nguồn sông Vu Gia. Ảnh: MỤC ĐỒNG

“Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Câu thành ngữ quen thuộc xác tín mối quan hệ rất gắn bó giữa chùa với làng và Bụt cũng như Trời đã trở thành biểu tượng thiêng liêng, lâu đời trong tâm thức dân quê.

Bên trong cửa tam quan, nhìn ra…

Không phải làng nào cũng có chùa. Trong công trình “Văn hóa làng ở Việt Nam”, GS. Vũ Ngọc Khánh nhận định rằng, tuy không có chùa, dân làng nào cũng tin Phật và họ thường đi trẩy hội chùa ở nơi xa hoặc đến lễ ở những chùa gần nhất… Vậy nên, từ bên trong chánh điện, có lẽ giới tu sĩ đã sớm nhìn thấy ánh mắt và bước chân của dân làng hướng về phía chùa làng.

Những lúc như thế, luôn có một sự chờ đợi: Chờ những bước chân quen thuộc tìm tới, thoáng dừng lại, rồi bước qua cửa tam quan vào bên trong khuôn viên. Có thể khách phương xa thấy lạ, còn dân làng quá quen với kiểu thức tam quan của chùa làng.

Ngoại vi chùa làng luôn có đoạn thành xây, có cửa tam quan, bên trên cửa tam quan có cơi lầu, bên trong lầu có tượng Hộ pháp. Vào sâu bên trong lại thấy vườn chùa có trồng cau và chuối hai bên…

Tiền cảnh chùa Cổ Lâm, nơi chí sĩ Trần Cao Vân từng ẩn tu. Ảnh: H.X.H
Tiền cảnh chùa Cổ Lâm, nơi chí sĩ Trần Cao Vân từng ẩn tu. Ảnh: H.X.H

Theo khảo sát của GS. Vũ Ngọc Khánh, chùa làng cũng thờ Phật nhưng không chỉ có Phật. Có chùa thờ cả Trời, như chùa Kinh Thiên ở Quảng Bình. Có chùa thờ vị thần có công lớn với Lạc Long Quân, như chùa Hoa Long (Phú Thọ). Chùa Vân Tiên ở Yên Tử (Quảng Ninh) thuộc Thiền phái Trúc Lâm thậm chí thờ cả đạo sĩ An Kỳ Sinh. Nhiều ngôi chùa thờ “tiền Phật hậu thần” và ngược lại…

GS. Vũ Ngọc Khánh cho rằng, dân làng thường không quan tâm đến những điều mà nhà nghiên cứu vừa “phân biệt”, phật tử ở làng ít người biết thế nào là Thiền tông, Tịnh độ tông…; ngay cả quan niệm nhân duyên, bát chính cũng mơ hồ. Ông cho rằng, Phật giáo ở làng thực sự đã dân gian hóa ở cả bề mặt và bề sâu.

Không gian tĩnh lặng của những ngôi chùa, nhất là ở những ngôi chùa làng heo hút, thường là điểm đến của nhiều chúng sinh. Trong những khúc quanh lịch sử, vẫn thấy có những con người từng trải thời bạo liệt tìm đến chùa làng ẩn náu, tĩnh trí suy niệm.

Bình luận về sức sống riêng của Phật giáo sau bao thăng trầm, GS. Vũ Ngọc Khánh đã viện dẫn chính chùa làng để minh chứng: “Những phong trào chiến đấu chống ngoại xâm qua các thế kỷ, thường có cơ sở ở các chùa làng. Chùa làng cũng là nơi cất giấu tài liệu, che chở cán bộ hoặc là nơi cách mạng phát động, ra quân” (Văn hóa làng ở Việt Nam, NXB Văn hóa thông tin - 2011, trang 67).

Viết đến đây, chúng ta nhớ đến nhà yêu nước trứ danh xứ Quảng, vị lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Duy Tân, người từng lấy pháp danh Như Ý: cụ Trần Cao Vân. Gần 20 năm trước, chúng tôi có dịp viếng chùa Cổ Lâm (Đại Lộc), nơi cụ Trần Cao Vân từng tu tập.

Tấm bia đá dựng trước chùa giới thiệu về di tích lịch sử cấp tỉnh ghi: “…Ngoài không gian tĩnh mịch, êm đềm, chùa Cổ Lâm còn là nơi có phong cảnh đẹp, phù hợp làm nơi ẩn dật của khách ưu thời, mẫn thế. Từ năm 1888 đến năm 1891, chí sĩ yêu nước Trần Cao Vân mượn hình thức một nhà sư để che mắt kẻ thù đã đến đây hoạt động. Ông chuyên tâm khảo cứu “Trung thiên dịch” và quy tụ nhiều nhà yêu nước trong và ngoài tỉnh để mưu cầu việc giải phóng dân tộc”…

Thời điểm ẩn tu cũng như tương truyền về chuyện chí sĩ Trần Cao Vân chuyên tâm khảo cứu “Trung thiên dịch” tại chùa Cổ Lâm, hiện còn có những ghi nhận khác, nhưng sự hiện diện của chùa Cổ Lâm là điểm dừng thú vị trong cuộc đời vị chí sĩ lẫm liệt.

Một chữ “hòa”

Thực ra, chùa làng từ lâu trở thành “của chung” của làng. Người ở chùa làng cũng thường là nửa tăng nửa tục. Gọi là “chùa” thờ Phật, nhưng thực tế ở chùa làng, người dân thờ thêm các vị thần khác.

Điểm đặc biệt “làm nên phong cách chùa làng” này, được tỳ kheo Thích Hải Ấn và phật tử Hà Xuân Liêm đề cập trong công trình “Lịch sử Phật giáo xứ Huế”. Chưa hết, theo các tác giả, duyên khởi để lập nên các chùa làng thường là các bậc danh thần, lương tướng hoặc văn nho trong làng khởi xướng. Để rồi sau đó, dân làng đồng lòng chung góp tịnh tài, nhân lực, vật lực để xây dựng. Chùa tồn tại, được sự đóng góp hằng sản hằng tâm của các tín đồ…

Cũng chính do những người “nửa tăng nửa tục” lo phần việc chăm sóc cây cối trong vườn chùa để hương khói ngày rằm, mùng một và thỉnh chuông chiều, chuông sớm. Vậy nên, không chỉ nếp sống ở làng đã “quyện” vào sinh hoạt của chùa làng, mà ngay những người lo Phật sự ấy cũng đã là một với cộng đồng, không ai muốn tách biệt.

Trên dặm dài Nam tiến của lịch sử, đôi quang gánh của di dân còn trĩu nặng tâm linh. Các tác giả công trình “Lịch sử Phật giáo xứ Huế” có cơ sở để cho rằng, thoạt đầu di dân có nguồn gốc Kinh Bắc khi Nam tiến vào 2 châu Ô, Rí đã “mang theo” tín ngưỡng Phật giáo của mình đến cõi đất mới để làm ăn, khai phá đất đai, tụ họp thành làng xã. Họ biến quan niệm “đất vua, chùa làng” thành thực tế.

“Cho nên khi đã có “cây đa giếng nước đầu làng” thì trong làng phải có đình làng, chùa làng. Đình làng thờ Thần, chùa làng thờ Phật. Hai yếu tố văn hóa tâm linh không thể tách rời trong dân tộc Việt” (Lịch sử Phật giáo xứ Huế, NXB Văn hóa Sài Gòn - 2006, trang 687).

Mảnh đất ấy làm nảy nở niềm tin, còn niềm tin làm nảy nở lối ứng xử thường ngày. Gần gũi làm sao những cách tiếp thu của dân gian, khi xung quanh tượng Phật còn có ông Vô Lo, ông Nhịn Ăn, ông Nhịn Mặc, ông Phật Cười, ông Phật Say… Hẳn vì thế, tiếng chuông chùa làng khoan hòa vẫn luôn được người làng đón đợi.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khoan hòa một tiếng chuông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO