Kỷ niệm với những người bạn Nhật

TRƯƠNG NGUYÊN NGÃ 26/08/2022 07:37

Sau hai năm phải ngưng vì dịch bệnh, cuối tuần này, “Những ngày giao lưu văn hóa Việt - Nhật” lần thứ 18 lại được tổ chức tại Hội An. Nhớ lại những năm đầu mọi chuyện còn mới lạ, mọi người còn bỡ ngỡ, bởi trước đó đâu có ai hình dung được lễ hội Việt - Nhật nó như thế nào.

Thi đẩy gậy, một trò chơi dân gian Nhật Bản (Ảnh chụp trong giao lưu 2007). Ảnh: T.B.T.
Thi đẩy gậy, một trò chơi dân gian Nhật Bản (Ảnh chụp trong giao lưu 2007). Ảnh: T.B.T.

Năm nào tổ chức lễ hội Việt - Nhật, trước ngày khai mạc một tuần lễ, các bạn người Nhật đã có mặt tại Hội An. Họ mang theo chương trình lẫn đạo cụ của mình sang, kết hợp tổ chức cùng với các chương trình nghệ thuật của Việt Nam.

Vừa làm vừa học, nhờ các bạn Nhật đã có kinh nghiệm hướng dẫn tận tình, nên người Hội An cũng dễ tiếp thu và thực hiện. Đến lúc đó, nhiều người mới biết được thế nào là kịch No, thế nào là múa Bon, sự khác nhau giữa nghệ thuật trà đạo Nhật Bản và Trung Hoa, có thể phân biệt được sự khác nhau giữa áo Yakuta và Kimono…

Thời đó, chương trình được dàn trải khắp thành phố. Từ cuộc mạn đàm chuyên đề về âm nhạc dân tộc của GS. Trần Văn Khê, đến chương trình biểu diễn kịch No của các nghệ sĩ gạo cội Nhật Bản.

Từ triển lãm mỹ thuật của các họa sĩ nổi tiếng trong nước như Bùi Tiến Tuấn, Trần Duy, phối hợp với trình diễn không gian trà đạo Nhật Bản, đến giao lưu các trò chơi dân gian của hai nước… Tất cả tinh hoa văn hóa các vùng miền Việt Nam đều có mặt tại Hội An, để giao lưu với các chương trình văn hóa Nhật Bản.

Có năm, tôi được mời tham gia hỗ trợ cho hội thi “Đẩy gậy”, một trò chơi dân gian của người Nhật, được tổ chức ở góc đường Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Thái Học. Trang phục và đạo cụ được mang đến từ Nhật. Nhiều bạn trẻ người Nhật, Hội An và du khách bốn phương cùng tham gia thi đấu.

Mọi người gắng sức tranh tài làm không gian trò chơi vô cùng hoạt náo. Cuối cùng có hai cô gái, một Nhật và một Hội An vào đến vòng chung kết. Cô gái người Nhật cho dù đã gắng hết sức mình nhưng cũng phải nhường giải cho cô gái người Hội An, nghe đâu là võ sinh của một võ đường nổi tiếng tại đây.

Năm đó, đình Cẩm Phô được chọn làm không gian giao lưu mỹ thuật Nhật Bản và Hội An. Trung tâm Văn hóa - thể thao Hội An đề nghị tôi dẫn lớp mỹ thuật thiếu nhi Hội An đến giao lưu, học hỏi nghệ thuật xếp giấy (Origami), đồng thời cùng các em tham dự chương trình vẽ tranh tập thể.

Phải ghi nhận một điều là các bạn Nhật làm việc rất dễ thương và chuyên nghiệp, cho dù là những việc nhỏ nhất. Thiếu nhi Hội An được các bạn hướng dẫn rất tận tình và dễ hiểu, nên hầu hết tiếp thu và thực hiện mẫu hình rất nhanh.

Sau đó, chúng tôi hướng dẫn các em cùng vẽ chung một tấm tranh lớn bằng màu nước, và tiếp tục thực hiện một tấm tranh xé dán (Collage), với chủ đề “Tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản”.

 Lại nhớ có lần giao lưu, tôi cùng ông bạn Toshiaki (một họa sĩ người Nhật sang Hội An với đoàn biểu diễn) cùng lang thang đi vẽ quanh phố. Ông bạn vẽ cảnh phố và thiếu nữ bằng màu nước thật đẹp.

Toshiaki tâm sự, ông thích nhất là hình ảnh những thiếu nữ Việt Nam mặc áo dài, đội nón lá đi ngang qua phố. Vừa vẽ chúng tôi vừa trò chuyện với nhau về thơ Haiku, một loại hình thơ Nhật Bản, khởi thủy mang nội dung trào phúng, nhưng trong quá trình phát triển dần dần mang sắc thái thơ thiền.

Tức cảnh sinh tình, tôi làm nhanh một bài thơ theo thể Haiku: “Ngõ xưa vàng hoa nắng/ Gã họa sĩ Phù Tang lang thang/ Áo dài bay cuối phố”, rồi viết lên tấm tranh tôi đang ký họa trên phố để tặng bạn. Toshiaki mừng rỡ và cảm động.

Sau khi nghe tôi dịch bài thơ sang tiếng Anh, Toshiaki cho biết đang có một cuộc thi thơ Haiku chủ đề “Tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản”. Đồng thời anh gợi ý tôi nên gửi bài thơ đến tham dự cuộc thi. Đến lúc đó tôi mới biết đang có cuộc thi sáng tác thơ Haiku tại Hội An. Tôi gửi bài thơ đến ban tổ chức để tham dự cuộc thi, rồi quên bẵng.

Mươi ngày sau, tôi nhận được cuộc gọi của nhà thơ Phan Chín từ Tam Kỳ. Là thành viên của ban giám khảo cuộc thi, anh cho biết sau khi ráp phách anh mới biết tôi là tác giả của bài thơ nhận được giải 3 trong hội thi thơ Haiku được tổ chức tại Hội An. Đêm nhận giải mưa mù trời đất, một kỷ niệm vui và đáng nhớ của một gã họa sĩ lại nhận được giải thơ.

Mới đó mà đã tròn 20 năm kể từ lần tổ chức giao lưu văn hóa Việt - Nhật đầu tiên tại Hội An (2003). Những chương trình về sau được các bạn trẻ thể hiện ngày càng sinh động, hoành tráng hơn và chuyên nghiệp hơn. Hy vọng sau hai năm tạm ngưng vì dịch bệnh, trong những ngày tới tại Hội An, chương trình giao lưu lần thứ 18 này sẽ tiếp tục là chiếc cầu nối chặt tình hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỷ niệm với những người bạn Nhật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO