Lắng nghe tiếng nói cộng đồng miền núi

LÊ QUÂN 26/09/2021 06:09

Yêu cầu có chiến lược và kế hoạch bài bản trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của vùng đồng bào các dân tộc thiểu số vừa được Bộ VH-TT&DL gửi đến các địa phương.

Bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào miền núi cần tham vấn ý kiến và tôn trọng sự quyết định của cộng đồng sở tại. Ảnh: A.L.N
Bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào miền núi cần tham vấn ý kiến và tôn trọng sự quyết định của cộng đồng sở tại. Ảnh: A.L.N

Theo đó, thực hiện Nghị quyết số 24 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, Bộ VH-TT&DL đã có kế hoạch cụ thể yêu cầu các địa phương ưu tiên đầu tư, huy động các nguồn lực để cấp thiết bảo tồn văn hóa truyền thống miền núi.

Thực trạng

Đại diện Sở VH-TT&DL cho biết, có rất nhiều “báo động” về tình trạng mai một, thậm chí mất mát của cộng đồng các dân tộc thiểu số miền núi hiện nay.

“Đầu tiên là chữ viết và tiếng nói, hiện đứng trước nguy cơ ngày càng bị thu hẹp, khi một bộ phận thanh thiếu niên không biết hoặc ít nói tiếng nói của dân tộc mình. Thực trạng đó làm cho sợi dây kết nối văn hóa truyền thống của các dân tộc có nguy cơ đứt gãy.

Ở chữ viết, nhiều địa phương đã quan tâm xây dựng bộ chữ viết dân tộc Ca Dong, Bh’nong, Cơ Tu. Một số huyện như Tây Giang, Đông Giang, Phước Sơn… đã triển khai việc dạy và học tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số trong cán bộ, công chức tại địa phương, hoặc sử dụng chữ viết trong một số lĩnh vực của đời sống.

Tuy nhiên việc dạy và học chữ đối với học sinh là người dân tộc thiểu số chưa thực sự có kết quả. Thực trạng đó dẫn đến nguy cơ con em và bản thân cộng đồng các dân tộc thiểu số quên dần chữ viết của dân tộc mình” - đại diện Sở VH-TT&DL chia sẻ.

Bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào miền núi cần tham vấn ý kiến và tôn trọng sự quyết định của cộng đồng sở tại. Ảnh: A.L.N
Bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào miền núi cần tham vấn ý kiến và tôn trọng sự quyết định của cộng đồng sở tại. Ảnh: A.L.N

Riêng nhà làng truyền thống được xem là thiết chế văn hóa quan trọng và tiêu biểu nhất, là linh hồn của cộng đồng làng thì thời gian qua, Quảng Nam đã triển khai có hiệu quả việc hỗ trợ xây dựng các thiết chế này.

Theo đó, ngoài kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia (hỗ trợ từ 70 - 200 triệu đồng/nhà để xây dựng mới hoặc sửa chữa), mỗi huyện hỗ trợ thêm hàng trăm triệu đồng và vận động sự đóng góp của cộng đồng.

Thế nhưng, nhiều thôn hiện không có nhà làng truyền thống, hoặc nhà làng truyền thống đã xuống cấp, hư hỏng. Theo báo cáo của UBND các huyện vùng cao, hiện có 78/263 thôn không có nhà làng truyền thống, 67 nhà làng truyền thống hiện có tại các thôn bị hư hỏng.

Ngoài các giá trị văn hóa vật thể, cộng đồng miền núi còn sở hữu kho tàng di sản văn hóa phi vật thể quý báu, làm nên bản sắc của đồng bào. Nhưng cơ chế chính sách hỗ trợ, động viên các nghệ nhân - người nắm giữ tri thức về di sản để thực hiện trao truyền di sản trong cộng đồng hiện vẫn chưa được thực hiện.

Nghệ nhân dệt thổ cẩm Bling Thị Treng (huyện Đông Giang) được UBND tỉnh công nhận cho biết, các loại trang phục truyền thống của đồng bào mình đã có nhiều biến đổi. Và người theo nghề như chị cũng không còn mấy người.

Một con số khác, 220/263 thôn không còn trống chiêng thuộc sở hữu của cộng đồng. Các thôn nếu có chủ yếu thuộc sở hữu của các hộ gia đình... tiếp tục cho thấy những mất mát ngày một rõ ràng của bản sắc văn hóa miền núi Quảng Nam.

Vai trò cộng đồng

Nhận diện nguyên nhân của tình trạng mai một văn hóa truyền thống của cộng đồng vùng cao, khá nhiều nhà nghiên cứu văn hóa trong những cuộc luận bàn, hội thảo tại Quảng Nam đều cho rằng có một số chính sách, dự án được triển khai trên địa bàn các huyện miền núi, vùng dân tộc, bên cạnh những hiệu quả đem lại đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, là những tác động đến việc bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc.

Đơn cử: việc di dân, tái định cư để xây dựng các công trình thủy điện; các chương trình hỗ trợ xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng… Chưa kể, việc bảo tồn nhiều khi chưa xuất phát từ cộng đồng, vì cộng đồng, chưa phát huy vai trò chủ thể văn hóa của cộng đồng nên dẫn đến việc chính quyền làm thay người dân trong công tác bảo tồn.

Dẫn chứng từ chủ trương xây dựng nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, trong nhiều trường hợp, việc xây dựng không được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng về không gian cảnh quan, kiến trúc, bài trí bên trong nhằm phù hợp với truyền thống văn hóa mỗi dân tộc, khiến không ít nhà văn hóa không được người dân hưởng ứng hay lui tới để tổ chức các hoạt động.

Hồi tháng 7 năm nay, Tỉnh ủy Quảng Nam ban hành Nghị quyết số 11 về phát triển sự nghiệp văn hóa, thể dục thể thao tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Trong đó, nhiệm vụ đặt ra đối với bản sắc văn hóa miền núi là cần “có cơ chế, chính sách bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số miền núi gắn với xây dựng các sản phẩm văn hóa phục vụ phát triển du lịch. Có cơ chế đầu tư xây dựng, sửa chữa nhà làng truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số miền núi”.

Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, sở đã xây dựng đề án khá chi tiết “Hỗ trợ bảo tồn, phát huy một số loại hình văn hóa các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Quảng Nam gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2022 - 2026”.

Nguyên tắc hỗ trợ của đề án được xác lập khá cụ thể, khi yêu cầu việc bảo tồn, phát huy, tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số miền núi phù hợp với điều kiện thực tế từng địa bàn, từng dân tộc.

Các hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số miền núi khi triển khai phải có sự tham gia, giám sát của cộng đồng, tôn trọng cộng đồng và lấy cộng đồng các dân tộc làm chủ thể.

Ngoài ra, các nghệ nhân và cộng đồng trực tiếp đề xuất và tham gia quá trình chế tác các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật như trống, chiêng... đảm bảo phù hợp với mỗi cộng đồng.

Hẳn, khi đã xác lập được nguyên tắc và tuân thủ tiếng nói từ mỗi cộng đồng làng, thì việc giữ lấy những giá trị văn hóa xưa cũ của đồng bào cũng sẽ thuận lợi hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lắng nghe tiếng nói cộng đồng miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO