Lễ hội ăn trâu của người Ca Dong

NGUYỄN BÌNH 15/12/2022 09:40

Tháng 11 âm lịch hằng năm, thu hoạch xong mùa màng, theo phong tục truyền thống, người Ca Dong tổ chức lễ hội ăn trâu (đâm trâu) khi ăn tết mùa.

Quang cảnh nhảy múa, hát dân ca quanh cây nêu và trâu hiến tế của người Cadong tại xã vùng cao Trà Bui (Bắc Trà My) trong lễ hội ăn trâu huê. Ảnh: N.Bình
Quang cảnh nhảy múa, hát dân ca quanh cây nêu và trâu hiến tế của người Cadong tại xã vùng cao Trà Bui (Bắc Trà My) trong lễ hội ăn trâu huê. Ảnh: N.Bình

Theo các vị cao niên người Ca Dong, trước khi ăn tết mùa, người Ca Dong đều cúng xin phép thần linh. Trường hợp thần linh không cho phép ăn tết mùa đơn thuần mà đòi hỏi phải ăn trâu thì gia chủ đó phải thực hiện. Ăn trâu thì có ăn trâu huê (Ká Ka Pư Rac) và ăn trâu lá (Ká Ka Pư La). Gia chủ có điều kiện thì thực hiện nghi lễ ăn trâu ngay trong mùa vụ năm đó, ngược lại thì khấn vái, xin được khất lại ở vụ mùa năm tới.

Nghi lễ ăn trâu lá và hội tiệc diễn ra trong một ngày. Cây nêu, lễ vật, rượu cần, thịt, cơm mới, cơm lam… được chuẩn bị trước khoảng một tuần. Sáng sớm, gia chủ cúng xin thần linh đưa con trâu hiến tế buộc vào cây nêu; cùng dân làng nhảy múa, đánh trống chiêng, hát dân ca rồi xin phép được đâm trâu, chọn người mổ trâu, lấy thịt chế biến món ăn thiết đãi dân làng và khách quý.

Còn ăn trâu huê có quy mô lớn hơn, nghi lễ và hội tiệc trước đây kéo dài tới 12 ngày, đêm; gần đây, thường diễn ra trong 4 ngày, 3 đêm; thời gian chuẩn bị trước cả tháng. Gia chủ cùng dân làng lên núi cao chọn cây chò đẹp để làm cây nêu với nhiều công đoạn chạm khắc, trang trí cầu kỳ và công phu.

Vật phẩm, ẩm thực cúng tế, đãi khách gồm hàng chục ché rượu cần, hàng trăm bánh gói lá dong, ống nếp nướng, thịt thú rừng, cơm mới... Ngày thứ nhất, thường là chuẩn bị lần cuối, hoàn thiện cây nêu trước khi dựng, đồng thời chuẩn bị lễ vật và ẩm thực. Ngày thứ hai thì cúng dựng cây nêu và xin phép đâm trâu.

Thời giờ đâm trâu do chủ làng quyết định trong buổi chiều ngày thứ ba. Xong các nghi thức đâm trâu, trâu được xẻ thịt chế biến để đãi dân làng và khách quý ăn tiệc. Đồng thời chia một ít da, thịt cho các hộ trong làng mang về ăn lấy may. Qua ngày hôm sau, gia chủ hạ cây nêu để lấy gà, rượu, bánh, trầu cau… được gắn lên trước đó, rồi dựng cây nêu lại.

Trong nghi lễ ăn trâu, dân làng Ca Dong đều bận trang phục truyền thống, cùng nhảy múa, đánh trống chiêng, hát các làn điệu dân ca của dân tộc mình. Theo Nghệ nhân ưu tú - già làng Ca Dong Hồ Văn Dinh, tại thôn 3 xã Trà Bui (Bắc Trà My), ăn trâu là lễ hội truyền đời, có giá trị về mặt tinh thần.

Từ lễ hội này, trang phục, các điệu múa, làn điệu dân ca, cách đánh trống chiêng, cây nêu với nghệ thuật điêu khắc, trang trí độc đáo, riêng biệt của người Ca Dong được lưu giữ và truyền lại cho đời sau, đồng thời còn là dịp để sum vầy, gắn kết cộng đồng.

Theo ông Hồ Thanh Sơn - Phó Trưởng phòng Dân tộc huyện Bắc Trà My, dù ăn trâu lá hay trâu huê thì cũng đều tốn kém nhiều về kinh tế. Người thân, dân làng chỉ giúp công, còn gia chủ thì lo toàn bộ. Gần đây, riêng mua trâu hiến tế ít nhất cũng tốn vài chục triệu đồng.

Đã có không ít gia đình người Ca Dong vì tập tục phải tổ chức ăn trâu nhưng sau đó trở nên khốn khó, lâm nợ bởi quá tốn tiền mua trâu tế, lễ vật… Theo ông Sơn, Phòng Dân tộc huyện cùng các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động cộng đồng người Ca Dong không tổ chức nhiều nghi lễ này nhằm tránh lãng phí và phản cảm.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lễ hội ăn trâu của người Ca Dong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO