Lễ hội mùa xuân ở huyện Duy Xuyên: Làm giàu các thành tố văn hóa dân gian

VÂN LY 02/02/2023 06:42

Trong các lễ hội truyền thống, các thành tố văn hóa dân gian được phát huy, đồng thời bổ sung các thành tố văn hóa mới đã làm phong phú nội dung các lễ hội, tạo sự cuốn hút du khách tham quan.

Lễ rước sắc trong lễ hội Bà Thu Bồn. Ảnh: V.T
Lễ rước sắc trong lễ hội Bà Thu Bồn. Ảnh: V.T

1. Theo TS.Trần Đình Hằng - Trưởng Phân viện Nghiên cứu văn hóa - nghệ thuật Việt Nam miền Trung tại Huế, vào năm 2009, ông cùng với các cộng sự của phân viện đã giúp đỡ UBND huyện Duy Xuyên phục chế sắc phong Bà Thu Bồn cùng với lễ sắc. Việc này giúp phục hồi và đảm bảo yếu tố gốc rất quan trọng của lễ hội - tín ngưỡng dân gian này.

Thời gian qua, lễ hội Bà Thu Bồn được tổ chức với quy mô lớn, và thông qua lễ hội, một số loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian dần được phục hồi và phát huy như hát tuồng và bài chòi.

Thời gian đầu, chính quyền xã Duy Tân đã mời các nghệ nhân, diễn viên của Trung tâm Văn hóa - thể thao Hội An lên biểu diễn tại lễ hội, sau đó gửi các thành viên của đội bài chòi xã xuống Hội An học hỏi kinh nghiệm và tập luyện.

Qua thời gian được bồi dưỡng, tập huấn, Đội bài chòi xã Duy Tân đã thường xuyên tổ chức các hội bài chòi dân gian được người dân và du khách dự lễ hội hào hứng đón nhận.

Cùng với đó, Đoàn tuồng Sông Thu của huyện Duy Xuyên cũng được mời tham gia biểu diễn. Trong bối cảnh loại hình nghệ thuật tuồng đang “thiếu đất diễn” thì lễ hội là cơ hội tốt để duy trì và quảng bá loại hình nghệ thuật đặc sắc này.

Lễ hội Bà Thu Bồn còn được bổ sung các thành tố văn hóa nghệ thuật mới khác như biểu diễn các loại hình nghệ thuật Chăm như múa apsara, thổi kèn saranai, trống parannưng do Đội nghệ thuật của Ban Quản lý di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn biểu diễn phục vụ người dân và du khách tham quan.

Tùy theo điều kiện của từng năm, các hội, đoàn thể, câu lạc bộ còn tổ chức các hội thi khác như phụ nữ tài năng duyên dáng, nhà nông đua tài, giao lưu giữa các câu lạc bộ thơ, nhạc, đua thuyền, viết thư pháp... với nhiều thức đa dạng, phong phú.

2. Lễ hội Dinh Bà Chiêm Sơn (thôn Chiêm Sơn, xã Duy Trinh, Duy Xuyên) được tổ chức vào ngày ngày 12 tháng Giêng âm lịch.

Phần lễ được tổ chức trang trọng với rước sắc phong còn phần hội diễn ra với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn như hô hát bài chòi, biễu diễn nghệ thuật tuồng, hội thi cờ tướng, bóng chuyền, đua thuyền hay nấu cơm, làm bánh và đặc biệt là hội thi nghé duyên dáng, khỏe đẹp, cày hay do các mục đồng của làng Chiêm Sơn thực hiện.

Các trò chơi trong phần hội vừa có tính kế thừa trò chơi dân gian truyền thống, vừa có cải biên những trò chơi mới, phù hợp tính cộng đồng…

Ngoài ra, còn có hội chợ ẩm thực với nhiều món ăn dân dã là đặc sản của địa phương như: mỳ Quảng, ốc bưu hấp, hến trộn, bánh xèo, bánh đúc, rượu tằm, bánh ít, bánh tày... hấp dẫn thực khách thưởng lãm.

Đây là những món ăn được chế biến từ các loại nông sản, thực phẩm do dân làng làm ra. Và đặc biệt trong dịp này, người dân làng Chiêm Sơn tranh thủ quảng bá sản phẩm làng nghề đến với du khách tham dự lễ hội.

Hội thi nghé duyên dáng, nghé khỏe trong lễ hội Dinh Bà Chiêm Sơn. Ảnh: V.T
Hội thi nghé duyên dáng, nghé khỏe trong lễ hội Dinh Bà Chiêm Sơn. Ảnh: V.T

Phần hội thi nghé duyên dáng tạo nên nét đặc sắc của lễ hội này. Sau buổi tế lễ, tất cả mục đồng của làng Chiêm Sơn đưa nghé vào khe suối để tắm, chuẩn bị cho hội thi nghé vào buổi chiều.

Đây thực sự là ngày hội của các mục đồng, ai nấy đều ra sức chăm chút cho những chú nghé của mình, trên sừng, trên cổ của mỗi chú nghé đều có những vòng hoa dại, hay một con cúi bằng rơm, một bông hoa dâm bụt hay một chiếc nơ…

Ban giám khảo gồm 6 thành viên đại diện cho 6 xóm của làng. Sau hồi trống lệnh vang lên, buổi thi nghé khỏe được bắt đầu. Từng chú mục đồng dắt chú nghé của mình băng trên những đường cày…

Ban giám khảo sẽ chọn những chú nghé cày khỏe, cày được nhiều nhất và có đường cày thẳng tắp để trao giải, và người chủ của chú nghé sẽ được trẻ mục đồng kiệu về làng.

3. Lễ hội Bà Thu Bồn hay Lệ Bà Chiêm Sơn là những loại hình sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng, được lưu truyền từ đời này sang đời khác và trở thành nét văn hóa đặc trưng bổn địa.

Thông qua các lễ hội đầu xuân này tạo nên giềng mối gắn kết trong cộng đồng, mọi người cùng giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú.

Bà Huỳnh Thị Tuyết (cán bộ Phòng VH-TT Duy Xuyên) chia sẻ, việc bảo tồn và làm giàu các giá trị của lễ hội ở Duy Xuyên là một quá trình xuyên suốt nhằm đáp ứng nhu cầu của đời sống đương đại.

Vì vậy, việc đổi mới một số nội dung sinh hoạt của các lễ hội Bà Thu Bồn hay Lệ Bà Chiêm Sơn là vô cùng cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhằm đảm bảo phần lễ giữ được tính trang nghiêm, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của các tầng lớp nhân dân, và phần hội với các nội dung mới phù hợp như các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc.

Những hoạt động này không chỉ thỏa mãn nhu cầu đời sống tâm linh, vui chơi giải trí, hưởng thụ văn hóa của người dân mà còn gắn chặt sự cố kết cộng đồng, làm cho mỗi người thêm yêu quê hương xứ sở.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lễ hội mùa xuân ở huyện Duy Xuyên: Làm giàu các thành tố văn hóa dân gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO