Lễ hội Văn hóa các dân tộc huyện Bắc Trà My - năm 2022: Khơi dậy niềm tự hào về vùng đất “cao sơn ngọc quế”

NG.ĐOAN - ALĂNG NGƯỚC - H.ĐẠO - D.HẰNG 22/08/2022 22:06

(QNO) - Tối nay 22.8, tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa huyện Bắc Trà My, UBND huyện Bắc Trà My đã khai mạc Lễ hội Văn hóa các dân tộc huyện Bắc Trà My - năm 2022 với chủ đề “Âm vang đại ngàn”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng tham dự khai mạc lễ hội. Ảnh: A.N
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng tham dự khai mạc lễ hội. Ảnh: A.N

Tham dự có lễ hội có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn; Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Chín; cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, các huyện, thành phố và nhân dân các dân tộc huyện Bắc Trà My.

Lễ hội Văn hóa các dân tộc huyện Bắc Trà My là sự kiện hưởng ứng Năm du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022. Đồng thời là dịp để đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện được giao lưu văn hóa, trình diễn nghệ thuật đặc sắc của dân tộc mình; tạo sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nhằm tạo ra các sản phẩm đặc trưng nhằm quảng bá và thu hút khách tham quan, tạo tiền đề để phát triển du lịch địa phương.

Đêm khai mạc thu hút sự tham dự của lãnh đạo tỉnh và người dân địa phương. Ảnh: A.N
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và người dân địa phương tham dự đêm khai mạc. Ảnh: A.N

Đến với lễ hội, du khách hòa mình trải nghiệm không gian văn hóa đa sắc màu của các dân tộc trên địa bàn huyện. Chiêm ngưỡng những nét đẹp văn hóa vật thể và phi vật thể, trải nghiệm nếp sống văn hóa thường ngày của các dân tộc.

Nếm vị ngon ẩm thực miền núi, hòa mình vào âm vang tiếng cồng, tiếng chiêng giữa đại ngàn và hòa quyện vào hương thơm ngạt ngào của Quế Trà My - loài cây đã làm nên thương hiệu và địa danh “cao sơn ngọc quế”.

Các diễn viên tham gia biểu diễn tiết mục đặc sắc. Ảnh: A.N
Diễn viên của các dân tộc sinh sống tại Bắc Trà My tham gia biểu diễn tiết mục đặc sắc. Ảnh: A.N

Hội tụ bản sắc 

Phát biểu khai mạc lễ hội, ông Thái Hoàng Vũ - Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, trên địa bàn huyện Bắc Trà My có 27 thành phần dân tộc cùng sinh sống như Kinh, Co, Xê Đăng, Ca Dong, Mơ Nông, Mường, Nùng… Vì vậy đã tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu với những giá trị văn hóa vừa phong phú, đa dạng vừa đặc sắc, độc đáo, mang đậm dấu ấn đất và người Bắc Trà My.

Những điệu múa truyền thống được trình diễn, tạo nên dấu ấn đặc biệt trong lòng du khách và người dân địa phương. Ảnh: A.N
Những điệu múa truyền thống được trình diễn, tạo nên dấu ấn đặc biệt trong lòng du khách và người dân địa phương. Ảnh: A.N

Tính đa dạng và độc đáo thể hiện ở những bộ trang phục - trang sức; những kho tàng văn học dân gian; những làn điệu dân ca; nghi lễ truyền thống như múa cồng chiêng, múa ca đáo, đấu chiêng đôi, lễ cầu mưa, lễ cúng lúa mới, cúng máng nước, cúng rừng… Và trong số đó, nghi lễ dựng cây nêu và bộ Gu của người Co đã được Bộ VHTT&DL công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào năm 2015.

Nét đẹp văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện còn thể hiện qua môi trường sống coi trọng núi rừng, yêu rừng, không bạc đãi rừng, xem môi trường rừng là lẽ sống, là đạo đức, là văn hóa. Ngoài ra còn được thể hiện qua những món ăn như cơm lam, cơm gạo đỏ, măng rừng, rượu đoác, rượu cần...

Đông đảo người dân với sắc phục truyền thống tham gia lễ hội. Ảnh: A.N
Phụ nữ Bắc Trà My tring sắc phục truyền thống tham gia lễ hội. Ảnh: A.N

“Những bản sắc văn hóa truyền thống đó được người dân duy trì, gìn giữ trong từng nếp sống sinh hoạt hàng ngày, nhiều hủ tục đã dần được loại bỏ và nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp đã và đang trở thành những sản phẩm văn hóa - du lịch độc đáo, góp phần giảm nghèo, tạo sự phát triển bền vững xã hội tại địa phương” - ông Vũ chia sẻ.

Thời gian qua, hiểu được vai trò, giá trị của văn hóa các dân tộc trong sự phát triển chung của nền văn hóa Việt Nam, UBND huyện Bắc Trà My đã triển khai nhiều hoạt động để khôi phục và phát triển văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Có thể kể đến như việc xây dựng các nhà truyền thống; xây dựng làng văn hóa Cao Sơn, làng du lịch Xơ Rơ, làng nghề truyền thống Quế Trà My.

Tiết mục nghệ thuật “hương sắc cao sơn ngọc quế“. Ảnh: A.N
Tiết mục nghệ thuật “Hương sắc cao sơn ngọc quế“. Ảnh: A.N

Hay truyền dạy, khôi phục nghề đan lát truyền thống; phát triển các đội cồng chiêng tại cộng đồng làng, đội cồng chiêng tại các trường học; sưu tầm âm nhạc truyền thống và truyện cổ dân gian; phục dựng các nghi lễ cầu mưa, nghi lễ dựng cây nêu; tổ chức và tham gia các lễ hội văn hóa các dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp tỉnh, các sự kiện văn hóa trong và ngoài tỉnh.

“Những hoạt động trên đã phần nào khơi dậy niềm tự hào và tạo động lực cho người dân trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình” - ông Vũ phát biểu.

Các thiếu nữ vùng cao Bắc Trà My mời quan khách thưởng thức hương vị rượu hương quế. Ảnh: A.N
Các thiếu nữ vùng cao Bắc Trà My mời quan khách thưởng thức hương vị rượu hương quế độc đáo. Ảnh: A.N

Tạo động lực giữ gìn và phát huy 

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng – Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh bày tỏ: Bắc Trà My - vùng đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, là nơi hội tụ của nhiều dân tộc anh em chung sống.

Trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại  xâm, nơi đây đã được Khu ủy 5 và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 chọn làm căn cứ đứng chân để chỉ đạo phong trào cách mạng trên chiến trường Khu 5 và đã được quân và dân huyện nhà đùm bọc, cưu mang và sát cánh với bộ đội, cùng với quân và dân Khu 5 làm nên những chiến công oanh liệt, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: A.N
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng phát biểu tại lễ khai mạc. Ảnh: A.N

Theo đồng chí Lê Văn Dũng, là huyện miền núi cao của tỉnh còn khó khăn, nhưng với truyền thống đoàn kết, quyết tâm cao, chủ động, sáng tạo… Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc huyện nhà luôn phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, một lòng, một dạ theo Đảng, theo Bác Hồ, nỗ lực phấn đấu giành được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.

“Đời sống của bà con nhân dân các dân tộc trong huyện có nhiều đổi thay đáng kể. Bộ mặt nông thôn, miền núi ngày càng đổi mới và phát triển; vai trò của các già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng được phát huy.

Đặc biệt, trong thời gian qua, huyện Bắc Trà My đã có nhiều nỗ lực trong công tác khôi phục, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện, đây là nền tảng vững chắc, là động lực quan trọng để Bắc Trà My phát triển nhanh, toàn diện, bền vững trong thời gian đến” - đồng chí Lê Văn Dũng đánh giá.

Các chương trình nghệ thuật đặc sắc được lồng ghép xuyên suốt đêm khai mạc. Ảnh: A.N
Các chương trình nghệ thuật đặc sắc được lồng ghép xuyên suốt đêm khai mạc. Ảnh: A.N

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Lê Văn Dũng ghi nhận, biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, quân và dân huyện nhà đạt được trong thời gian qua.

Đồng thời cho rằng, Lễ hội Văn hóa các dân tộc huyện Bắc Trà My - năm 2022 ngoài mục đích hưởng ứng sự kiện Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam 2022, đây cũng là một trong những hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc huyện nhà.

Những vòng người được “vẽ” bởi cộng đồng Bắc Trà My tại lễ hội. Ảnh: A.N
Những vòng người được “vẽ” bởi cộng đồng Bắc Trà My tại lễ hội. Ảnh: A.N

Thời gian qua các cấp, các ngành và nhân dân trong huyện đã hồ hởi, phấn khởi, tích cực chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tổ chức lễ hội. Bởi lễ hội lần này không chỉ dừng lại ở hoạt động Lễ hội Cồng chiêng theo kế hoạch tỉnh giao mà còn mở rộng về quy mô thành Lễ hội Văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện - năm 2022 với những chuỗi hoạt động đặc sắc.

Thông qua lễ hội còn là dịp để nhân dân các dân tộc huyện nhà tôn vinh, giới thiệu nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình đến đông đảo nhân dân trong và ngoài huyện, góp phần quảng bá, tạo điểm nhấn cho sự kiện Năm Du lịch quốc gia 2022 “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”, xúc tiến du lịch, đầu tư trong thời gian đến

Trước khi diễn ra lễ khai mạc, hàng trăm nghệ nhân các dân tộc cùng rước vật thiêng và biểu diễn sắc màu truyền thống quanh đường phố Trà My. Ảnh: A.N
Trước khi diễn ra lễ khai mạc, hàng trăm nghệ nhân các dân tộc cùng rước vật thiêng và biểu diễn sắc màu truyền thống quanh đường phố Trà My. Ảnh: A.N

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng đề nghị, sau lễ hội này, huyện Bắc Trà My tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động để khôi phục và phát triển văn hóa các dân tộc trên địa bàn, khơi dậy niềm tự hào và tạo động lực cho nhân dân trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

[VIDEO] - Khai mạc Lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Bắc Trà My - năm 2022

Lễ hội Lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Bắc Trà My - năm 2022 được tổ chức trong 2 ngày 22 - 23.8 với các hoạt động chính như nghi thức rước vật thiêng và diễu hành đường phố, thi cồng chiêng “Âm vang đại ngàn”, “Hương sắc vùng ngọc quế”; triển lãm ảnh “Bắc Trà My - điểm hẹn vùng ngọc quế”. Ngoài ra, còn tái hiện không gian sinh hoạt và các trò chơi dân gian; trình diễn cồng chiêng - tiếp nối truyền thống cho thế hệ trẻ, chế biến và trưng bày các món ăn đặc trưng của địa phương, giới thiệu sản phẩm Quế Trà My và sản phẩm đặc trưng của địa phương...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Lễ hội Văn hóa các dân tộc huyện Bắc Trà My - năm 2022: Khơi dậy niềm tự hào về vùng đất “cao sơn ngọc quế”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO