“May áo” cho sách

CHÂU NỮ |

Có thể nói, bìa sách là bộ mặt của tác phẩm, bìa sách đem lại hiệu ứng thị giác tốt sẽ thu hút người đọc, nên việc thiết kế bìa sách được tác giả cũng như họa sĩ trình bày đặc biệt quan tâm.

Bìa sách đẹp cũng góp phần thúc đẩy văn hóa đọc. Ảnh: C.N
Bìa sách đẹp cũng góp phần thúc đẩy văn hóa đọc. Ảnh: C.N

“May áo” cho sách

Các họa sĩ Nguyễn Dũng, Võ Như Diệu, Phan Chín (QRT), Duy Ninh, Huỳnh Lê Nhật Tấn, nhà thơ Đỗ Thượng Thế… và mới đây là nhà thơ Phạm Tấn Dũng là các họa sĩ được nhiều tác giả Quảng Nam - Đà Nẵng gửi gắm nhờ thiết kế bìa sách cho đứa con tinh thần của mình.

Tại cuộc triển lãm bìa sách đầu tiên trên cả nước vào năm 2022, nhà thiết kế, nhà giáo Lê Huy Văn cho rằng, bìa sách là những tác phẩm nghệ thuật thầm lặng phục vụ nhu cầu đọc của con người. Bìa sách vừa là bao bì bảo vệ, vừa là bộ mặt của tác phẩm. Bìa sách hé mở và giới thiệu cho người xem nội dung cuốn sách, là người dẫn đường đưa người đọc đến với sách… Còn họa sĩ Ngô Xuân Khôi cho rằng, bìa sách vừa quảng cáo vừa giới thiệu nội dung cuốn sách.

Họa sĩ Duy Ninh (Đà Nẵng) thiết kế khá nhiều bìa sách. Anh gửi bộ tác phẩm tham gia và đoạt giải triển lãm nghệ thuật bìa sách Việt Nam lần đầu tiên được Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức vào năm 2022 như: “Phan Châu Trinh toàn tập”, “Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập”, “Người Quảng Nam” (Lê Minh Quốc), “Bẻ đôi củ khoai mà bàn việc lớn”, “Thằng nớ con nhà ai” (Trương Điện Thắng), “Có 500 năm như thế” (Hồ Trung Tú)… Cộng tác với các nhà xuất bản, họa sĩ Duy Ninh thiết kế nhiều bìa sách của các tác giả ngoài nước như: “Sau cơn động đất” (Murakami Haruki - Nhật Bản), “Những con bệnh khó chiều” (Marcel Reich-Ranicki - Đức)… Chia sẻ kinh nghiệm vẽ bìa sách khi hợp tác với NXB Giáo dục, họa sĩ Duy Ninh cho rằng, không chỉ các thể loại sách khác, mà ngay cả sách giáo khoa, cũng rất cần nâng cao chất lượng mỹ thuật để có nhiều đầu sách hay, tập sách đẹp, mang tính giáo dục cao. “Ấn phẩm đẹp phải mang đậm dấu ấn của sự tìm tòi, sáng tạo, trong xử lý bố cục, hình ảnh, màu sắc…, gây được ấn tượng cho người xem. Từ kỹ năng và tâm huyết của một họa sĩ đồ họa, thì một biểu tượng, một con chữ, hay chỉ là một vệt màu thật đơn giản cũng có thể tạo nên một bìa mẫu đẹp” - họa sĩ Duy Ninh nói.

Trước đây đa số họa sĩ vẽ tay. Khi công nghệ phát triển, họa sĩ chủ yếu thiết kế bìa sách bằng công cụ máy tính hoặc vừa vẽ tay, vừa vẽ máy.

Chọn mặt gửi… tác phẩm

Là họa sĩ không chuyên, nhưng khi nào bạn bè cần hoặc nhờ vẽ bìa sách là nhà thơ, giáo viên mỹ thuật Đỗ Thượng Thế luôn sẵn sàng thực hiện với tất cả tâm huyết và đầy trách nhiệm. Gần 20 năm qua, anh đã thiết kế rất nhiều bìa sách cho bạn bè, người quen. Đỗ Thượng Thế kể, dù là bản thảo thơ chưa đầy trăm trang hay bản thảo tiểu thuyết dày hàng trăm trang, anh đều đọc kỹ, tìm nội dung đặc trưng, nắm “cái thần” tác phẩm trước khi bắt tay vào thiết kế bìa. Vừa đọc, anh vừa phác thảo ý tưởng trước khi vẽ trên giấy, rồi sau đó vẽ lại trên máy. Sau khi thiết kế xong, anh đọc lại nội dung sách một lần nữa, xem nội dung có “khớp” với bìa đã thiết kế hay không rồi mới chuyển cho tác giả sách. Đáng nói là mỗi tác phẩm, anh chỉ vẽ phương án duy nhất, không bao giờ anh vẽ hai phương án.

Tuy không phải họa sĩ chuyên nghiệp nhưng nhờ học ngành sư phạm mỹ thuật nên Đỗ Thế Thượng nắm bắt được yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật của việc thiết kế đồ họa. Anh đặc biệt hứng thú với những bản thảo thơ có xu hướng đổi mới, bứt phá nên thường “xuất thần” khi vẽ bìa cho kiểu bản thảo này. Hiện anh đang nghiền ngẫm tác phẩm “Ba người đi ngược thời gian” của nhà văn Nguyễn Tam Mỹ để nắm bắt cái thần, cái hồn của tác phẩm và phác thảo bìa...

Được bạn bè giới thiệu, tác giả Hồ Loan nhờ nhà thơ Đỗ Thượng Thế vẽ bìa cho tác phẩm đầu tay “Như giọt chuông ngân” của mình. Chị Hồ Loan kể, anh Thế rất hiểu ý đồ tác giả, bắt đúng “nhịp thở” của truyện, bìa sách rất phù hợp nội dung tác phẩm nên nhận bìa sách anh thiết kế, chị rất hài lòng và không góp ý, chỉnh sửa bất cứ chi tiết nào.