Neo lại với tuồng

NGỌC KẾT 17/01/2023 08:47

(VHQN) - Như dòng sông Thu miệt mài mang nước về với biển, những con tim say đắm với tuồng trong gia đình tuồng Diệu Thông vẫn cháy bỏng một giấc mơ với ánh đèn sân khấu tuồng và lộng lẫy xiêm y.

Ông Nguyễn Ngọc Hoàng làm trang phục tuồng. Ảnh: N.K
Ông Nguyễn Ngọc Hoàng làm trang phục tuồng. Ảnh: N.K

 Ký ức hiện về trên đường kim, sợi chỉ…

Trong căn phòng nhỏ chưa đầy 10m2 ở TP.Đà Nẵng, ông Nguyễn Ngọc Hoàng, người con trai thứ trong gia đình tuồng Diệu Thông (tức Đoàn nghệ thuật tuồng Sông Thu, huyện Duy Xuyên bây giờ) bày biện những vật liệu, dụng cụ… dùng trong thiết kế, may vá, thêu thùa trang phục diễn tuồng không chuyên và đồ lễ, trang phục ông tổng. Hơn 60 tuổi, ông Hoàng đã có gần 30 năm gắn bó với đường kim, sợi chỉ để làm nên những bộ trang phục lộng lẫy trên sân khấu tuồng không chuyên xứ Quảng.

Tôi hình dung lại bóng dáng của ông ngoại tôi, ba mẹ tôi trên sân khấu tuồng. Họ vẫn ở đó, luôn sống động trong tâm trí tôi.

(Ông Nguyễn Ngọc Hoàng)

Ngay từ thơ bé, Nguyễn Ngọc Hoàng đã có duyên với nghề này khi hằng ngày ngồi bên cạnh để chờ ông ngoại nuôi của mình - ông Phó Sơn, nghệ nhân trang phục tuồng cổ - sai vặt, khi xe sợi chỉ, lúc xỏ đường kim...

Hình ảnh một lão ông khắc khổ gập mình bên tấm vải rộng, xung quanh là hạt cườm, mã não, râu ria… mỗi lần làm trang phục tuồng đã ăn sâu vào tâm hồn Nguyễn Ngọc Hoàng những ấn tượng đầu tiên về nghề. Sau này, mỗi lần gánh tuồng của ba mẹ là ông bà Ngọc Sơn và Diệu Thông đi diễn ở đâu, ông Hoàng đều được đi theo.

Ông Hoàng bảo: “Tôi dường như được sinh ra ở trên sân khấu tuồng”. Bao nhiêu động tác tuồng, sắc màu trang phục, râu ria, áo mũ, roi ngựa, kiếm cung… cứ va đập vào tâm trí cậu bé Hoàng để rồi từng bước lần lượt 7 anh em trong gia đình được lên sân khấu. Người đóng quân hầu, kẻ làm quân bắt ngựa, đứa kéo phông màn… cứ thế lưu diễn qua hết miền quê này sang vùng đất nọ của xứ Quảng.

Sau này khi nghệ sĩ Ngọc Sơn mất, ông Nguyễn Ngọc Hoàng là người đảm nhiệm vai Đổng Trác của ba ông để lại. Những năm tháng ấy, đại gia đình ông được sống với tuồng, sống nhờ tuồng.

Hình ảnh các diễn viên Đoàn tuồng Sông Thu trong trang phục do ông Hoàng thiết kế.
Hình ảnh các diễn viên Đoàn tuồng Sông Thu trong trang phục do ông Hoàng thiết kế.

Bây giờ, mỗi lần ngồi lại với đường kim, sợi chỉ để làm trang phục tuồng, ký ức ông Hoàng như hiện về cái thời vàng son của tuồng ngày xưa ấy. “Đôi khi tôi ngồi lỳ trong căn phòng này cả ngày, lặng lẽ, miệt mài từng đường kim mũi chỉ, hình dung lại bóng dáng của ông ngoại tôi, ba mẹ tôi trên sân khấu tuồng. Họ vẫn ở đó, luôn sống động trong tâm trí tôi. Nhờ vậy mà mê, mà theo đuổi cái nghiệp này” - ông Hoàng thổ lộ.

Giấc mơ lộng lẫy xiêm y…

Có duyên với công việc phục trang tuồng từ nhỏ, lại ôm ấp bao nhiêu ký ức những tháng năm phiêu bạt với tuồng, nhưng mãi đến khi Đoàn tuồng Sông Thu thành lập vào năm 1997, ông Hoàng mới chính thức trở thành người thực hiện trang phục cho diễn viên - hầu hết là anh em ruột trong gia đình mình.

Thiết kế trang phục cho tuồng, trước hết phải am hiểu về tuồng, hiểu từng vai diễn, tính cách nhân vật, để có thể làm từ trang phục của vai quân bắt ngựa cho đến trang phục những vai lớn của tuồng như Lữ Bố, Đổng Trác, Điêu Thuyền…

 

Phục trang cho tuồng phong trào không đòi hỏi cầu kỳ, chi tiết và độ chuẩn bác học cần có như trong phục trang tuồng cổ mà lúc còn sống ông ngoại nuôi ông Hoàng vẫn làm, song phải đảm bào những yếu tố quan trọng, như phải sặc sỡ.

Trang phục nhất thiết phải được đính kim tuyến lung linh sắc màu và thêu trổ rồng phượng (với các bậc vua chúa, quyền quý). Với nhân vật là “quan văn, quan võ” thì phải một bên tay ống rộng, bên còn lại là tay ống bó biểu thị cho “văn võ song toàn”, hay như các vai phản diện thì màu sắc phải đen. Rồi trên trang phục phải có nút chạm viền tinh xảo, để đạt được sự lộng lẫy trên sân khấu.

Ông Hoàng nói, hồi ông ngoại anh, sợi chỉ phải xe bằng tay, kim cương (giả), hạt cườm phải lẫy từng hạt một, tỉ mẩn và chi tiết. Bây giờ hiện đại rồi, chỉ có sẵn, hạt cườm, kim cương (giả) nhiều khi đã được kết thành mảng nên tiện hơn cho người làm nghề này.

 

Gần ba năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Đoàn tuồng Sông Thu không có một suất diễn nào, anh chị em trong gia đình như Thu Trang, Thu Thu, Thu Trinh… xoay sang nghề làm ông tổng; anh Ngọc Việt, chị Thu Phụng, Ngọc Hùng làm đủ thứ nghề để mưu sinh. Riêng ông Hoàng, nhờ có nghề phục trang nên biến hóa đủ cách sang làm áo quần ông tổng, làm vàng mã, đồ lễ hay vẽ mặt nạ…

Ông Hoàng nói: “Giờ chỉ cảm nhận cái không khí của sân khấu, những lộng lẫy xiêm y qua mỗi khắc thời gian ngồi chăm chút từng đường thêu, kết nối những hạt cườm, tỉa tót từng bộ ria… cũng có cái để mà được neo lại với tuồng...”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Neo lại với tuồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO