Ngày xuân nói chuyện mặt tuồng

TRƯƠNG NGUYÊN NGÃ 23/01/2023 07:36

(VHQN) - Nghệ thuật hát bộ mang tính ước lệ, tượng trưng, và cách điệu cao. Vì vậy khuôn mặt từng nhân vật được diễn viên định hình ngay từ trước khi diễn, bằng kỹ thuật vẽ mặt gọi là “dặm mặt”, “kẻ mặt” hoặc “kéo mặt” để tạo nên “mặt tuồng”.

1.2 Mặt nạ nhân vật tuồng Dương Phàm. Mặt nạ nhân vật tuồng Phàn Định Công. Ảnh: T.B.T
1.2 Mặt nạ nhân vật tuồng Dương Phàm. Mặt nạ nhân vật tuồng Phàn Định Công. Ảnh: T.B.T

Với những bộ môn sân khấu khác, diễn viên trang điểm nhưng cơ bản vẫn giữ nguyên khuôn mặt thật. Ở hát bộ, trừ những nhân vật mang khuôn mặt trắng hoặc nữ nhân, những nhân vật còn lại đều được miêu tả tính cách riêng, tuổi tác, tầng lớp xuất thân… bằng lối vẽ cách điệu trực tiếp lên khuôn mặt. Những đoàn hát bộ ngày trước, hầu hết nghệ sĩ khi vào vai sẽ tự vẽ chân dung nhân vật lên mặt mình trước giờ diễn.

Nhớ có thời tôi tìm hiểu về mặt tuồng để sáng tác mỹ thuật, được nghe nhạc sĩ Trương Đình Quang kể lại: “Ngay từ khi còn nhỏ, mỗi lần có gánh hát bộ về diễn ở rạp Đồng Lạc, Hội An, gần xế chiều là lũ con nít chúng tôi xúm quanh các diễn viên, đứng ngây người ra xem họ tự kẻ mặt.

Mỗi người đều có hộp phấn hóa trang riêng. Họ ngồi đối diện với chiếc gương nhỏ, kẻ rất công phu, từ dặm màu, kéo tròng mặt, đến kẻ từng chi tiết nhỏ, thể hiện khuôn mặt nhân vật. Thông thường họ phải mất từ hai đến ba giờ mới thực hiện xong gương mặt mình sẽ vào vai”.

Lại có bữa ghé thăm Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Vĩnh Huế, tác giả sách “Mặt Tuồng”, ông cho biết, trong các vở diễn, cách kéo mặt được quy ước rất rõ ràng theo từng tuyến nhân vật bằng màu sắc, đường nét. Các vai chính diện, trung can, nghĩa khí dặm mặt đỏ tươi, nhưng giữa họ có sự phân biệt tuổi tác bằng cách kéo tròng mặt.

Nhân vật thuộc tuyến phản diện như Trụ Vương, Võ Hùng Vương cũng dặm mặt màu đỏ, nhưng là màu đỏ bầm. Màu này tượng trưng cho các nhân vật có sức mạnh hơn người, nhưng về sau biến tướng thành những người hung ác. Theo quy ước, người xem cũng có thể nhận biết hầu hết nhân vật dặm mặt màu đỏ có nguồn gốc xuất thân từ miền biển.

Mặt nạ nhân vật tuồng Lý Ngư Tinh. Mặt nạ nhân vật tuồng Mạnh Lương. Mặt nạ nhân vật tuồng Mao Ất.
Mặt nạ nhân vật tuồng Lý Ngư Tinh. Mặt nạ nhân vật tuồng Mạnh Lương. Mặt nạ nhân vật tuồng Mao Ất.

Nhân vật có khuôn mặt màu xám hoặc đen thể hiện những vai võ tướng trung can nghĩa khí, như Tiêu Tán, Khương Linh Tá, Châu Xương, Trịnh Ân… Ngược lại, những tướng phản thần như Tạ Lôi Phong, Tạ Kim Hùng, Dương Phàm, Cáp Tô Văn… thì kẻ lông mày chim én, trên lông mày kẻ thêm hai đường đỏ hoặc chấm đỏ.

Những khuôn mặt rằn, da xám hoặc xanh xám như Tạ Lôi Nhược, Tạ Hồ Giao, Tiết Cương… thường tượng trưng cho tướng có xuất thân từ miền núi, tướng của quốc gia kình địch hoặc phản tặc.

Đặc biệt, có nhân vật nữ là Đào Tam Xuân, nguyên là dũng tướng trung thành của triều đình. Nhưng khi nhận được tin phu quân của mình là Trịnh Ân bị Tống Thái Tổ xử trảm, bà nổi giận kéo quân về triều ca làm loạn, trả thù cho chồng mình.

Do vậy, để thể hiện tính cách vừa trung thần, vừa phản tặc của Đào Tam Xuân nên khuôn mặt của nhân vật này được dặm thành hai mảng nửa hồng, nửa xanh chia đôi khuôn mặt.

Những nhân vật yêu tinh ma quái như Thạch Hồ Tinh, Nựu Đầu, Dư Triệu cũng đều tuân theo các quy ước chung về màu sắc, nhưng phong cách kéo mặt lại có những biến đổi về tròng mặt và đường kẻ miệng. Xuất thân của Lý Ngư Tinh là con cá lý ngư thì miệng được kẻ theo kiểu miệng cá. Dư Triệu, Dư Hồng kẻ miệng giống miệng chim. Hồ Ly Tinh thì miệng được kẻ giống miệng cáo.

Các nhân vật nịnh hót, xu thời, tiểu nhân, cường hào ác bá đều được vẽ mặt dựa vào đường nét mô tả trong các sách nhân tướng học mà cách điệu và tối giản hóa, như loạt nhân vật có gương mặt lưỡi cày của Mao Ất, Thích Ma, Thạch Xu. Hay các gương mặt sâu róm của Trùm Sò, yêu đạo như Xích My Lão Tổ… đều được phân biệt rõ ràng.

Trải qua những biến động, thay đổi của thời gian và xã hội, nghệ thuật hát bộ ngày càng co hẹp dần. Nhằm lưu giữ tài sản văn hóa phi vật thể của tiền nhân để lại, các nhà hát tuồng ngày nay thường hay đặt làm các “mặt nạ tuồng”, vẽ chân dung nhân vật lên mặt nạ được làm từ giấy bồi, gốm sứ, hoặc gần đây là composite để trưng bày, nhằm giới thiệu nghệ thuật hát bộ đến với công chúng.

Đến thời du lịch, du khách ngoại quốc rất thích thú đặt mua mặt nạ tuồng về làm kỷ niệm. Đáp ứng nhu cầu này, nhiều cơ sở sản xuất hàng loạt để phục vụ du khách. Đáng tiếc, do thiếu kiến thức về “mặt tuồng” nên hầu hết sản phẩm mang râu ông nọ cắm cằm bà kia, làm mất đi nguyên nghĩa của mặt tuồng.

Hát bộ không chỉ là nghệ thuật cổ truyền, mà tự thân những trích đoạn tuồng có thể đứng độc lập như một tác phẩm đa phương tiện đương đại. Cách kéo mặt trong hát bộ đã bao gồm cả nghệ thuật vẽ trên cơ thể (Body Art) và nghệ thuật ý niệm (Conceptual Art).

Hát bộ còn sử dụng nghệ thuật sắp đặt (Installation Art) - một xu hướng nghệ thuật đa hình thái, nghệ sĩ bằng phương pháp ước lệ hoặc cường điệu có thể dùng mọi chất liệu, đồ vật để chuyển tải thông điệp.

Đôi khi người nghệ sĩ cũng kết hợp nghệ thuật sắp đặt với nghệ thuật trình diễn (Performance Art). Đây là xu hướng nghệ thuật đương đại, ở đó trên nền nhạc (hoặc âm thanh) được định hình sẵn, nghệ sĩ dùng những động tác thể hình mang tính cách điệu hoặc cường điệu, tự thân hòa vào nền nhạc để chuyển tải thông điệp đến với công chúng thưởng ngoạn bằng hình ảnh diễn xuất thay cho ngôn từ. Tất cả điều này đều được thể hiện đầy đủ trong hát bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngày xuân nói chuyện mặt tuồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO