Ngày xuân phiếm luận về hoa đào

NGUYÊN CẨN 03/02/2016 10:31

Nhắc đến mùa xuân Việt Nam, nhất là ở các tỉnh miền phía Bắc hay thành  phố cao nguyên Đà Lạt, là người ta nhắc đến hoa đào như một biểu tượng. Một cành đào trong nhà luôn mang trọn vẹn ý nghĩa mùa xuân. Những bài hát như “Ai lên xứ hoa đào” của nhạc sĩ Hoàng Nguyên hay “Mùa hoa anh đào” của nhạc sĩ Thanh Sơn vẫn thường được hát vào dịp tết. Đối với văn hóa dân gian Việt Nam, hình ảnh hoa đào được gắn với những cô gái trẻ, mảnh mai, và yếu đuối, thể hiện qua thành ngữ “liễu yếu đào tơ” hoặc lời ca dao “Em như hoa mận hoa đào/ Cái gì là nghĩa tương giao hỡi chàng?”.

Theo truyền thuyết, ngày xưa ở phía đông núi Sóc Sơn có một cây hoa đào cổ thụ, cành lá sum sê khác thường, bóng râm che phủ cả một vùng rộng. Trên cây đào khổng lồ ấy có hai vị thần tên là Trà và Uất Lũy trú ngụ, che chở cho dân chúng khắp vùng. Quỷ dữ, ma quái nếu bén mảng đến đây đều bị hai vị thần này trừng phạt. Ma quỷ khiếp sợ hai vị thần nên sợ luôn cả cây đào.

Hoa đào ngày xuân. (Ảnh có tính minh họa)
Hoa đào ngày xuân. (Ảnh có tính minh họa)

Đến những ngày cuối năm, hai vị thần Trà và Uất Lũy phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Vậy nên mấy ngày tết, hai thần vắng mặt ở trần gian. Để tránh ma quỷ hoành hành, người dân đã đi hái những cành đào về cắm trong lọ.

Từ đó, mỗi dịp tết đến người dân đều cố gắng cắm một cành hoa đào trong nhà mình để trừ tà. Với mỗi gia đình miền Bắc, màu hồng phai hay thắm của những cành đào không bao giờ thiếu khi Tết đến. Thông thường, việc cắm đào thường không được nhiều gia đình chú trọng.

Tình cờ, cuối năm 2015 vừa rồi, chúng tôi gặp Hòa thượng Thích Phụng Sơn từ Mỹ về, trong một buổi trò chuyện về “Phật giáo và nghệ thuật”. Thầy nói rằng mình đã dành 3 năm học về hoa đào ở Nhật Bản mà theo thầy nói mới đạt trình độ sơ cấp! Nhưng có những điều thầy lưu ý đến sự khác biệt trong quan điểm và cách thực hành theo nhà Phật và nhất là theo người Nhật, cách chưng và quan niệm về hoa đào rất khác so với người Việt.

Về ý nghĩa, thầy giảng rằng chúng ta thích ngắm đóa hoa vì nó tỏa ra sự màu nhiệm của dòng sống: Mọi đóa hoa tự nó vốn thanh tịnh, rỗng lặng, tỏa chiếu, trong sáng và tươi mát. Trong các cuộc lễ ở chùa, người ta thường dâng hoa cúng Phật. Ban đầu bình hoa được cắm theo nguyên tắc cân xứng: Nhiều cành hoa có độ dài bằng nhau, cùng màu sắc và ở vị trí đối xứng nhau… Một nhánh hoa màu vàng bên phải thì có một nhánh hoa màu vàng bên trái, một nhánh hoa màu đỏ phía trước thì có một nhánh hoa màu đỏ phía sau. Từ đó nghệ thuật chưng hoa tiến một bước dài để trở thành Hoa Ðạo cùng với Thiền Phật giáo, Trà Ðạo, Võ Ðạo tạo thành nền tảng vững chắc của nền văn hóa Nhật Bản.

Nhiều trường ở Nhật dạy chưng hoa chú trọng nhiều đến sự giản dị, tự nhiên và tính cách sáng tạo của nghệ thuật này. Các hoa lá chưng trong bình phô bày nét đẹp thiên nhiên biểu lộ trong dòng sống trôi chảy.

Khi chưng một bình hoa, chúng ta lựa ba cành chính và những cành phụ. Trong một bình hoa thường có 3 cành chính là Thiên (Dương), Ðịa (Âm) và Nhân (Con người), hàm ý chúng ta làm việc gì cũng phải thuận theo âm dương để hòa hợp  cùng vũ trụ. Ba cành hoa Thiên, Ðịa và Nhân biểu lộ sự hòa hợp tuyệt đối đó. Ba cành hoa cắm không cân xứng nơi bình hoa biểu lộ sự hợp nhất của mọi sự đối nghịch trong vũ trụ và nơi mỗi chúng ta: vừa là rỗng rang tuyệt đối mà lại vừa tràn đầy vô cùng, vừa là đầy sức sống vừa là buông xả không dính mắc, vừa là chuyển động mà lại là yên tĩnh, hay nói theo tinh thần Bát Nhã, màu sắc hòa hợp, hình dáng xinh tươi của mỗi đóa hoa, mỗi cành lá, hiện hữu rực rỡ trong cái vắng lặng bao la.

 Như vậy cách chưng hoa hay chơi hoa của mỗi nơi mỗi khác, mang nhiều sắc thái khác nhau, hoặc nghiêng về ngũ hành, hoặc nghiêng về thiền học. Tựu trung, con người tương tác với hoa trong mối quan hệ Thiên Địa Nhân và hướng về cái đẹp thuần khiết của thiên nhiên, trong một cánh hoa với tất cả sự trân trọng. Hiểu như thế mới là sống hợp với đạo - đạo của chính mình.

 Chừng ấy màu sắc hay phương hướng không còn quan trọng nữa vì hướng nào màu hoa nào cũng ánh lên niềm hạnh phúc vì Đóa hoa Tâm mình kia mới thực là nơi hội tụ những suy tưởng và niềm vui của mùa xuân.  Ngắm nhìn hoa với tâm tĩnh lặng, với lòng an vui giúp cho chúng ta tiếp xúc được, với sự màu nhiệm của cuộc đời. Một thế giới bình yên, an vui,  nồng ấm và hạnh phúc. Đấy mới thực là “Nhân diện đào hoa tương ánh hồng!”.

NGUYÊN CẨN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngày xuân phiếm luận về hoa đào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO