Nghệ nhân ưu tú Lê Phú Hải: Lớp tuồng này có còn mai sau?

XUÂN HIỀN 21/01/2023 07:44

(VHQN) - Giữa cơ man mặt nạ, phục trang, đạo cụ, Lê Phú Hải (sinh năm 1950) say sưa kể chuyện, say sưa hát và... mải miết buồn. Ông là nghệ nhân ưu tú đầu tiên được công nhận ở lĩnh vực trình diễn nghệ thuật tuồng của Quảng Nam.

 

Tuồng là đời nên tuồng quyến rũ

“Vì sao mà tuồng quyến rũ ghê gớm đến thế? - “Là vì chữ mô bộ nấy. Hay suy ra, tình mô bộ nấy. Cảnh mô bộ nấy. Lúc mô bộ nấy. Lúc, ấy là khoảnh khắc, là thời gian. Chữ là lời, là vai, là tình, là cảnh, trong từng khoảnh khắc sống, là hồn của kịch bản. Mà kịch bản vốn kết tinh từ đời, là tinh chất của đời. Lại có thể suy ra, đời mô bộ nấy.

Tuồng nói đến sự đời, nói đến những ngõ ngách người đời trăn trở. Tuồng sáng tạo hàng ngàn nhân vật trung nịnh, gian thần, vua quan, thứ dân, cung tần, thái giám, người chân thực bị oan trái, người ngay thẳng bị gièm pha, người cùng khổ bị đọa đày, người anh hùng tiết nghĩa, người chung thủy chịu hy sinh.

Tuồng là đời nên tuồng quyến rũ. Tuồng, không chỉ là kịch bản mà còn là vai diễn. Vai diễn hay lại quyến rũ người đời...” - một mạch cảm xúc từ những người trọng tuổi đáng kính mà tôi ghi lại được, về cái sức hút mãnh liệt của tuồng.

Lê Phú Hải nói, đó cũng chính là những cơn cớ mà ông cảm được nhưng chữ nghĩa thì không tài nào diễn tả hết. Nên mới có một Lê Phú Hải không học hành bài bản, một tay nghệ sĩ chơi ngang bám riết lấy tuồng như nghiệp dĩ.

Vùng Nam Diêu (Thanh Hà, Hội An) - nơi từng phát tiết  gánh tuồng từ trước giải phóng, với những đào những kép làm rung động bao người. Những thanh niên ngày ấy giờ đã già lão, nhưng chuyện kể về gánh tuồng quê xứ vẫn rõ mồn một trong từng chi tiết.

Nghệ nhân ưu tú Lê Phú Hải truyền vai tuồng cho lớp thế hệ sau. Ảnh: X.H
Nghệ nhân ưu tú Lê Phú Hải truyền vai tuồng cho lớp thế hệ sau. Ảnh: X.H

Lê Phú Hải ngày ấy theo cha hằng đêm, để mãi sau này, khi cuộc mưu sinh không còn đeo đẳng, Đoàn tuồng Cẩm Hà lại trống kèn cờ quạt - đầu tiên là để giữ lấy những buồn vui, khơi gợi hồi ức của vùng đất mê tuồng.

“Khỏi phải nói tôi sung sướng hãnh diện thế nào trong mỗi đêm diễn ở làng mình. Những năm 2002, Nguyễn Xuân Giá, Nguyễn Văn Tú, Ánh Hồng rồi Ánh Hoa, Phú Hải... anh em dìu nhau để bà con Hội An lại nghe tuồng làng mình” - Lê Phú Hải kể. 

Nên duyên giữa   sân khấu

Mặc nhiên được chọn để vào vai trung tướng, Lê Phú Hải nói, cho đến giờ, ông vẫn mê lớp tuồng của nhân vật Đổng Kim Lân (tuồng Sơn Hậu). Cũng lời ấy, tiếng ấy, trong câu tuồng ấy, nhưng Đổng Kim Lân do Lê Phú Hải làm kép, lại khác thần thái họ Đổng do NSND Trần Đình Sanh thủ vai.

Vẫn rạch ròi từng ngón ra bộ của lớp tuồng trứ danh, vẫn làn hơi uy phong khi cất lên “nghiến răng cười ha hả trời ơi”, nhưng sắc thái tâm trạng của người dũng tướng, ngữ khí của làn hơi, khí sắc bộ điệu của Lê Phú Hải lại gần với đời sống dân gian hơn.

Những chiếc mặt nạ tuồng.
Những chiếc mặt nạ tuồng.

Bởi vì nghệ nhân này phát tiết từ những đêm diễn ở làng. Những gánh tuồng mà các nghệ sĩ Ngô Thị Liễu, Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai ở làng An Quán đêm nọ xuống Hội An vẫn như in trong đầu. Để mới có một Lê Phú Hải sống chết đi theo, lặn lội từng làng xóm gồng gánh mặc cả cho sự tồn vong của Đội tuồng phố Hội. 

Vì yêu tuồng, Lê Phú Hải nên duyên cùng cô đào Ánh Hoa - là con gái nghệ sĩ tuồng Ngọc Huệ. Ánh Hoa từng là diễn viên Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, cho đến ngày gặp Lê Phú Hải. Bà về Hội An.

Hai người say mê và đóng “tuồng cặp” cùng nhau, cùng trong một lớp tuồng. Bước lên sân khấu thì lòng tựa hồ có ngọn lửa đang ngùn ngụt trong tim, mê man sống cùng nhân vật, cho đến khi trút bỏ lớp xiêm y lộng lẫy, phấn son trùng trùng. Chính điều đó đã xe duyên để 2 con người cùng yêu tuồng tìm đến, tựa vai nhau mà giữ cho câu hát bộ cho tiếng trống chầu thưa nhặt mỗi đêm...

Tuồng của mai sau

Đêm trăng tròn hằng tháng, chiếu tuồng được soạn sửa ở góc phố Bạch Đằng (Hội An). Nơi đèn đường dọi vàng làm ánh sáng, 8 người làm nên một đêm hát bội cho khách vãng lai thưởng thức. Trong đó, vợ chồng Lê Phú Hải và Ánh Hoa trực tiếp ca, ra bộ và diễn tấu.  Những “đêm phố cổ” suốt nhiều năm liền, người ta còn thấy có cả trẻ con.

Năm 2015, Lê Phú Hải nói, anh và vợ mình bắt đầu những lớp “truyền vai tuồng cổ” cho các em thiếu nhi. Lớp có 14 em thì có cả cô con gái Lê Hồ Hoàng Yến của họ. Năm ấy Yến mới 12 tuổi. Cô gái nhỏ đóng những vai ấu nhi ngày nào giờ đã là sinh viên của Trường Đại học Văn hóa TP.Hồ Chí Minh, chuyên ngành quản lý tuồng, bài chòi và âm nhạc truyền thống. Như dòng sông vẫn chảy không gián đoạn, Lê Hồ Hoàng Yến trở thành người truyền thừa của vợ chồng nghệ sĩ chân đất Phú Hải - Ánh Hoa, cũng là cô học trò duy nhất của lớp học tuồng ngày nào còn đeo bám bộ môn này. 

Câu lạc bộ tuồng Hội An do Nghệ nhân ưu tú Lê Phú Hải làm chủ nhiệm, giờ còn 8 thành viên. Họ ở các vùng lân cận của Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên..., để có dịp là tụ họp luyện ca. Người trẻ nhất, đã chạm ngưỡng 70.

“Tuồng đang chùng chình lắm. Ngay cả Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, số đêm sáng đèn cũng đếm từng bữa; thì nói chi đến những đoàn văn nghệ quần chúng ở làng như chúng tôi” - Lê Phú Hải nói. Mong muốn lớn nhất của nghệ nhân này là tìm người đeo đuổi, là có thêm nhiều hơn lớp học truyền vai, thêm nhiều hơn không gian diễn tấu dù chỉ mang tính giới thiệu. 

Ở vùng đất di sản, cứ đâu có hội, Lê Phú Hải lại muốn có đất cho một trích tuồng. Để giữ cho mai sau, còn người muốn nghe trống chiến trống chầu, còn tuồng để khóc cười theo bộ điệu, làn hơi...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghệ nhân ưu tú Lê Phú Hải: Lớp tuồng này có còn mai sau?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO