Nghe tiếng trống chầu đâm đầu mà chạy

TRẦN ĐĂNG 20/01/2023 09:27

(VHQN) - Người dân Bình Định, nhất là lớp người thuộc thế hệ 5X trở về trước, hầu như ai cũng thuộc câu này: “Nghe tiếng trống chầu đâm đầu mà chạy”. Nghiện tuồng đến mức như thế, kể cũng lạ với người bây giờ.

Nhà hát tuồng Đào Tấn biểu diễn phục vụ nhân dân xã đảo Nhơn Lý - Quy Nhơn. Ảnh: Nguyễn Thúy Hường
Nhà hát tuồng Đào Tấn biểu diễn phục vụ nhân dân xã đảo Nhơn Lý - Quy Nhơn. Ảnh: Nguyễn Thúy Hường

Trong một bài viết của mình cách đây ít lâu, nhà văn Nguyên Ngọc có kể một kỷ niệm về tướng Nguyễn Chánh - nguyên Tư lệnh Khu 5 trong chiến tranh chống Pháp. Theo nhà văn Nguyên Ngọc, đây là vị tướng rất mê tuồng cổ. Ông từng tâm sự rằng, nếu không có chiến tranh, ông sẽ là một diễn viên tuồng chứ không phải là một vị tướng quân.

Có lẽ nhờ vào niềm đam mê này của vị Tư lệnh Quân khu mà ngay trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Pháp, Đoàn tuồng Liên khu 5 đã ra đời vào năm 1952 tại huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định chăng?

Hàng loạt diễn viên tài danh như Nguyễn Nho Túy, Nguyễn Lai, Ngô Thị Liễu, Tống Phước Phổ, Đỗ Ngọc Liên, Võ Sĩ Thừa… đã vừa chiến đấu vừa biểu diễn phục vụ nhân dân và bộ đội. Đoàn tuồng Liên khu 5 chính là tiền thân của Nhà hát tuồng Đào Tấn (Bình Định) sau này.

Kế tục sự nghiệp của một danh nhân lỗi lạc

Đào Tấn (1845 - 1907) quê huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, được xem như “vua tuồng” của nước ta với hơn 30 vở tuồng để đời, dù ở chốn quan trường, ông từng làm đến chức Thượng thư Bộ Hình, Bộ Binh, rồi Bộ Công, quan hàm nhất phẩm và là tổng đốc của nhiều tỉnh trên cả nước.

Nhưng Đào Tấn lưu danh bằng cốt cách thanh liêm của một ông quan biết giữ mình trong thời tao loạn và là một nghệ sĩ dấn thân cho cái đẹp đến phút chót. Việc một đoàn tuồng của “đất tuồng” là Bình Định lấy lên Đào Tấn để đặt cho nhà hát tuồng cũng là điều dễ hiểu.

Có giai thoại kể rằng, lúc Đào Tấn làm Tổng đốc Nam - Ngãi, một số nhà Nho ở Quảng Ngãi vốn có tính “cà khịa” đám quan lại bấy giờ. Họ viết một câu có nội dung: “Hát hay - Học dở”, đợi đêm xuống họ bí mật dán trước cổng công đường. Câu trên của các đồ Nho Quảng Ngãi có ý chê Đào Tấn chỉ được cái “hát hay” còn học thì “dở ẹc”.

Vì năm 23 tuổi, tại khoa thi Đinh Mão (1867), Đào Tấn chỉ đỗ Cử nhân ở trường thi Bình Định dưới triều Tự Đức. Dù văn tài xuất chúng nhưng ông không vượt được kỳ thi Hội tiếp theo. Mãi đến 4 năm sau, năm 1871, khi vua Tự Đức cho soát xét lại những người chưa đỗ đạt, Đào Tấn mới được triệu về kinh thành Huế, sau đó được cất nhắc giữ nhiều trọng trách của triều đình.

Sau khi nghe đám lính lệ bẩm báo và đề xuất giải pháp, Đào Tấn nhẹ nhàng bảo: “Cứ để yên đấy, ta đã có cách”. Thay vì cho người gỡ cái câu trên đây, Đào Tấn lấy bút thêm vào chữ “chính kép Quy Nhơn thiệt” và “làm quan Quảng Ngãi chơi”, để thành một câu đối hoàn chỉnh: “Hát hay chính kép Quy Nhơn thiệt/ Học dở làm quan Quảng Ngãi chơi”. Lớp hậu thế của ông ở đất Bình Định đã kế tục xứng đáng với việc “hát hay” này suốt 70 năm qua.

Quạ mổ da trâu

Chung quanh chuyện “cầm chầu” là bao nhiêu câu ca dao, khen có, chê có mà người đời đã đúc kết trong quá trình thưởng lãm bộ môn nghệ thuật đặc sắc này. Có lẽ nhiều người biết đến câu: “Trên đời có bốn cái ngu/ Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu”. Xin được nói về “cái ngu” thứ tư.

Đã nói đến nhạc cụ là phải do nhạc công chơi nhưng với trống chầu thì khác. Trống chầu không thuộc “biên chế” trên sân khấu mà là ở phía dưới, ngay trước mặt khán giả. Người cầm chầu không phải là nhạc công, anh ta đánh trống chỉ là để khen hoặc chê một câu hát, một điệu bộ, một diễn xuất nào đó của diễn viên, cũng có khi tiếng trống ấy “động viên” một diễn viên nào đấy lỡ nhịp hoặc đuối hơi trong quá trình “ngân rung” một câu trong vở tuồng.

Vì lẽ đó, người cầm chầu phải thực sự am tường về tuồng, sành các “ngón nghề” của diễn viên để khi dùi trống gõ vào mặt trống hoặc tang trống là người diễn viên lẫn khán giả hiểu được ý nghĩa của “cắc” (đánh vào tang trống) hoặc “tùng” (gõ vào mặt trống) là chê hay khen chứ không phải bạ đâu đánh đấy.

Không ít người, là chức sắc trong bộ máy cầm quyền, ưa “diễn” trước đám đông nên giành đánh trống chầu. Do không hiểu tuồng, không đánh giá đúng mực phong cách và tài nghệ biểu diễn của diễn viên nên thi thoảng, anh ta lại gõ “cắc” hoặc “tùng” không đúng thời điểm, khiến khán giả chẳng biết anh ta khen hay chê.

Dân trong nghề gọi cách đánh ấy là đánh “tắc khẩu”, tức bịt miệng người diễn. Những lúc như thế, anh hề đang tham gia buổi diễn bèn “đá đểu” anh cầm chầu bên dưới. Sau vài ba câu pha trò, anh hề mới ngâm: “Tổ cha con quạ trên đầu/ Lâu lâu lại mổ tấm da trâu cái đùng”. Nói như thế, khác gì chửi anh đánh trống chầu ấy “ngu quá”.

Xem tuồng không phải là để biết diễn biến của câu chuyện và số phận của nhân vật vì đa số là tuồng cổ, khán giả đã biết nội dung cả rồi, song họ vẫn mê mệt ngồi xem, chủ yếu là coi dàn đào kép diễn như thế nào. Vì vậy, chỉ cần nghe tiếng trống chầu là ngồi ở nhà vẫn có thể biết “chất lượng” biểu diễn của từng diễn viên.

Trải qua nhiều biến cố của lịch sử và những dịch chuyển trong việc thưởng thức các hình thức nghệ thuật hiện đại nhưng tuồng ở Bình Định vẫn còn đất sống. Tại các điểm sinh hoạt cộng đồng ở các làng chài, đêm đêm những cụ ông cụ bà tay cầm quạt nan phe phẩy dò từng bước chân để đến xem tuồng. Khi nghệ thuật cắm được rễ trong dân là cách để tồn tại lâu bền vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghe tiếng trống chầu đâm đầu mà chạy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO