Nghĩa trủng làng Đại Lợi

HOÀNG LIÊN 24/02/2023 09:27

Hàng trăm năm qua, dân làng Đại Lợi (nay là thôn An Lợi Tây, xã Đại Nghĩa, Đại Lộc) vẫn luôn giữ mỹ tục đẹp của làng với tục cúng tế nghĩa trủng, giẫy mã trủng. Nhiều người con của làng còn đứng ra vận động nguồn lực trùng tu, xây mới khu mộ trủng, bày tỏ lòng thành kính đối với người xưa đã nằm xuống đất này.

Lễ cúng tế nghĩa trủng làng Đại Lợi. Ảnh: H.LIÊN
Lễ cúng tế nghĩa trủng làng Đại Lợi. Ảnh: H.LIÊN

Mỹ tục của làng

Trên đất Đại Lợi cũ có hàng trăm ngôi mộ không người khói hương, dân gian ở đây gọi đó là những ngôi mộ trủng và những khoảnh đất trống khu mộ này được dân làng gọi là nghĩa trủng. Theo nhiều vị cao niên, mộ trủng có từ lâu đời.

Cho tới nay, vẫn rất ít tài liệu đề cập, song dân gian kể rằng, hàng trăm ngôi mộ trủng ban đầu ở khoảnh đất lớn đầu làng Đại Lợi cũ, nay là hội trường thôn. Về sau, số mộ này được di dời vào quả đồi thuộc dãy núi Sơn Gà. Cũng có hàng trăm ngôi mộ vô chủ khác nằm rải rác trên núi Kính, phần lớn xiêu mồ lạc nấm.

Tương truyền, những mộ trủng phần lớn liên quan đến các nghĩa sĩ tham gia các trận đánh chống Pháp. Nghĩa trủng còn là nơi chôn cất những người chết sông, chết suối, chết đói dạt đến làng, được nhân dân chôn cất tử tế. Phần lớn mộ trủng không có nấm, nhiều ngôi mộ chỉ là ụ đất nhỏ và dân làng lấy tảng đá, cục đá lớn để trên mộ làm dấu vết.

Tục lệ của làng từ bao đời truyền lại, hằng năm, cứ tới 23 tháng Chạp, dân làng đóng góp cúng tế nghĩa trủng tại hội trường thôn, nơi mảnh đất xưa kia là nghĩa địa chung của làng và cũng đi giẫy mả trủng, thắp hương cho người mất trên dãy núi Sơn Gà.

Tập tục đẹp này được cư dân nhiều đời ở làng Đại Lợi tiếp nối, gìn giữ và phát huy, thể hiện đạo lý nhân văn của cộng đồng, niềm thành kính trước các nghĩa sĩ vị nước vong thân...

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh (người làng Đại Lợi cũ, nay là thôn An Lợi Tây), lễ cúng tế nghĩa trủng được dân làng hưởng ứng mạnh mẽ, lễ tế được tổ chức theo hình thức cổ lễ, có chánh bái, tả bái và hữu bái.

Cứ 23 tháng Chạp hằng năm, dân làng góp tiền vào để cúng tế nghĩa trủng và sau đó là phần tiệc làng. Đây là việc chung của làng nên ai cũng nhớ, cũng hưởng ứng và đây cũng là trách nhiệm chung của cộng đồng, làng xã...

Nhiều ngôi mộ tại nghĩa trủng Đại Lợi (nay là thôn An Lợi Tây, xã Đại Nghĩa) đã được xây mới. Ảnh: H.LIÊN
Nhiều ngôi mộ tại nghĩa trủng Đại Lợi (nay là thôn An Lợi Tây, xã Đại Nghĩa) đã được xây mới. Ảnh: H.LIÊN

Theo “Địa chí Đại Nghĩa” của tác giả Vu Gia - Huỳnh Ngọc Trảng, lễ nghĩa trủng thường gắn liền với lễ tế kỳ yên, diễn ra trước lễ kỳ yên một ngày. Dân làng tụ tập kéo nhau đi giẫy mả hoang, cúng tế tại miếu âm linh hoặc tại sân đình nếu không có miếu âm linh.

Có nơi, tự điền (người canh tác trên điền thổ công, đất chung của làng) lấy phần lợi tức từ đất hương hỏa để lo. Và tế nghĩa trủng là cổ lệ tồn tại đến ngày nay. Ngoài chánh bái, bồi bái, hai người phân hiến luôn đứng hai bên tả hữu hương án, tiếp nhận các thứ lễ vật (đồ hiến tế) do học trò lễ, lễ sanh dâng lên để đặt trên án thờ. Riêng, có nơi lại tế nghĩa trủng vào cuối tháng Chạp như làng Đại Lợi (nay là thôn An Lợi Tây, Đại Nghĩa)...

Xây mới nghĩa trủng làng

Người dân làng Đại Lợi xót xa khi chứng kiến hàng trăm ngôi mộ vô chủ, có rất nhiều ngôi mộ trủng nằm trên con đường vận chuyển, khai thác lâm khoáng sản, xe chở đất đá, vật liệu chèn qua những ngôi mộ.

Lo lắng một ngày không xa hàng trăm ngôi mộ sẽ rơi vào cảnh xiêu mồ lạc nấm, ông Phạm Quốc Danh cùng với một số người con có tâm huyết của làng ngồi bàn bạc, phát tâm vận động nhân dân, con cháu xa quê, mạnh thường quân để trùng tu, xây mới những ngôi mộ cũ.

Ông Phạm Quốc Danh tâm sự: “Nỗi lo lắng mai này, khi những thế hệ lớn tuổi khuất núi thì con cháu đời sau sẽ khó lòng nhớ ngày giỗ chạp để về viếng hương, giẫy mả trủng. Cần thiết phải trùng tu, xây mới lại nghĩa địa chung của làng bởi phần lớn đã rơi vào cảnh xiêu mồ lạc nấm. Nghĩ vậy, chúng tôi bắt tay vẽ kế hoạch, ra sức vận động tới đâu làm tới đó, dù ban đầu gặp sự phản đối của một số người”.

Đáng mừng là dù thời gian vận động khá ngắn nhưng ban vận động của làng đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành với sức người, sức của, hình thành khu nghĩa địa chung khang trang với tổng chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng (tiền mặt, ngày công đóng góp).

Thấy ý nghĩa của việc làm này, nhiều mạnh thường quân đã đề nghị hỗ trợ trùng tu. Mỗi hộ dân làng đóng góp tối thiểu 50 nghìn đồng. Nhờ vậy 54 ngôi mộ được xây dựng khang trang vào cuối năm 2022 và ngày khánh thành, ai nấy vui mừng, phấn khởi.

Được biết, ngoài 54 ngôi mộ trủng đã được trùng tu, xây mới, khu nghĩa trủng vẫn còn 76 ngôi mộ hoang tàn cần được trùng tu, xây mới ở giai đoạn 2. Riêng trên núi Kính còn rất nhiều mộ không tên tuổi, không xác định được thời nào, lại nằm ngoài sức lực vận động của làng.

“Trước mắt, chúng tôi chỉ vận động kinh phí trùng tu, xây mới thêm 76 ngôi mộ còn lại ở dãy Sơn Gà. Dự kiến cuối năm nay, chúng tôi sẽ gác lại việc nhà, đóng góp tiền bạc, ngày công và tiếp tục ra sức vận động để tiếp tục trùng tu, xây mới dãy mả trủng còn lại. Việc xây dựng một nghĩa địa chung khang trang, sạch đẹp là để nhân dân và con cháu đời sau tiện nhang khói, viếng hương, chăm sóc. Đây cũng là dịp để gìn giữ và phát huy tập tục tốt đẹp, đầy tính nhân văn của cộng đồng dân cư” - ông Danh tâm sự.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghĩa trủng làng Đại Lợi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO