Người giữ hội làng

LÊ QUÂN 12/03/2022 08:00

(VHQN) - Tương truyền hội làng Thu Bồn đã diễn ra chừng ba trăm năm từ ngày đất này giêng hai là hội. Và giờ đây ông Thái Văn Lịch vẫn miệt mài gìn giữ “báu vật” của làng, qua bể dâu, qua thời cuộc...

Cụ ông Thái Văn Lịch giữ sắc phong vẹn toàn qua bao cuộc bể dâu. Ảnh: X.H
Cụ ông Thái Văn Lịch giữ sắc phong vẹn toàn qua bao cuộc bể dâu. Ảnh: X.H

Năm nay, Lệ Bà Thu Bồn giao cụ ông Thái Văn Lịch làm cố vấn cho ban tế lễ. Bước qua tuổi 92, nhưng người đàn ông này đủ mẫn tiệp để từng đoạn một đưa người đối diện vào cuộc hồi tưởng của miền lễ hội này. 

Năm 2001, sắc phong Bà Thu Bồn được cung thỉnh từ Huế về Quảng Nam, sau bao bận người làng tổ chức Lệ Bà bằng ký ức của những người già. Phải nhắc lại câu chuyện lễ lệ Bà vào những năm đầu của thế kỷ 20, khi ấy, hội làng đã là một trong những lễ hội lớn nhất vùng sông nước Thu Bồn.

“Hội của những tín hữu” sớm được thành lập, gồm những người có học, các vị bô lão, những người khá giả, các vị hương lão trong làng. Họ trùng tu ngôi miếu Bà, thay lại mái ngói và sửa sang bờ tường, làm một cái ngai mạ vàng, một bàn thờ gọi là Long Đình, bộ lễ bộ, nơi để lễ vật dâng cúng, mô phỏng lại sắc phong của triều đình...

Lễ hội Bà Thu Bồn giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tín ngưỡng dân gian, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cộng đồng dân cư sống dọc theo hai bên bờ sông Thu Bồn, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa tâm linh ở Quảng Nam.

Toàn bộ hoạt động tại lễ hội Bà Thu Bồn gắn liền với các di tích còn hiện hữu như: Lễ rước sắc, gắn liền với sắc phong “36 chức” do triều đình nhà Nguyễn ban tặng.

Lễ rước nước gắn liền với giếng Bà; vườn thuốc của Bà và sự hiển linh cứu nhân độ thế của Bà được mô phỏng qua việc bố trí gian “thuốc Bà”, “nước Bà” tại lễ hội. Nghi thức thả hoa đăng mô tả lại cảnh trầm mình xuống sông của Bà khi thất thủ, cũng là nghi lễ tiễn Bà về xuôi (lăng Bà ở Duy Tân, Duy Xuyên).

Phần hội cũng được tổ chức nhiều hoạt động đan xen trong phần lễ nhưng hoạt động mang tính thường niên là hát tuồng để phục vụ người dân vì đây là loại hình nghệ thuật dân gian cũng có từ rất lâu đời, và đua thuyền trên sông Thu Bồn là hoạt động gắn liền với phong tục, tập quán của đại bộ phân nhân dân sống dọc hai bên bờ sông Thu Bồn.

(Theo hồ sơ công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Bà Thu Bồn)

Ở làng Thu Bồn Đông (Duy Tân, Duy Xuyên), hầu như từ trẻ nhỏ đến người già, nhắc tên cụ Thái Văn Lịch là gợi lên sự kính trọng, và hàm cả sự biết ơn. Bởi có ông cụ, hội của làng mới bền bỉ, đủ lớp lang qua bao nhiêu dâu bể. Con người ấy đi qua 2 cuộc chiến với nhiều huân huy chương, dãi dầu nắng mưa, về già vẫn nguyện làm việc có ích cho quê hương.

Hơn 20 năm được lựa chọn là người thủ sắc, cứ mỗi độ gần đến ngày hội làng, cụ lại trầm ngâm hàng giờ ngồi nhớ lại những huyền tích. Sắc phong được trang trọng lưu giữ tại nhà cụ Lịch từ đầu những năm 2000 đến nay, như phần nào đó, đặt trọng trách giữ gìn vốn quý của làng lên cụ ông. 

Ghi chép từ những nhà nghiên cứu văn hóa để đưa Lễ hội Bà Thu Bồn trở thành Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, rằng người thủ sắc “Trên một phương diện nào đó, cũng có thể coi ngài thủ sắc là bậc khoa bảng trưởng lão của làng, văn hay chữ tốt, thâm Nho, và chỉ đứng sau ngài thủ bộ/hương bộ - người chu toàn mọi việc văn bản, giấy tờ của làng xã truyền thống.

Là người do hội đồng hương chức trong làng chọn cử, theo nhiệm kỳ 3 năm, qua nhiều tiêu chí khắt khe và quan trọng hơn, người đảm đương được trọng trách này còn phải là người đã từng trải qua một nhiệm kỳ làm hương chức trong bộ máy xã thôn truyền thống.

Hơn nữa, tư gia của vị thủ sắc phải là nhà ngói khang trang, là nơi cất giữ sắc phong của Bà được trang nghiêm, long trọng và đặc biệt, có điều kiện để tránh ẩm mốc, mưa gió bão bùng, nhất là nguy cơ hỏa hoạn dễ thường có thể xảy ra trong xã hội nông thôn miền Trung truyền thống”. 

Ngày Lệ Bà, cụ Thái Văn Lịch khăn áo chỉnh tề, thắp mấy nén nhang trên bàn thờ sắc phong vua triều Nguyễn ban cho Bà Thu Bồn, kính cẩn rước dâng sắc phong đến lăng Bà, rồi lại đợi đến tàn hội, “rước sắc phong” về lại nhà mình. Bao nhiêu năm trôi qua, sắc của làng được trang trọng đặt ở bàn thờ cạnh bàn gia tiên.

“Tôi vẫn nhắc con cháu, đây là nguồn cội, là tự hào của dân làng mình. Có sao đi nữa thì sắc phong Bà phải luôn được coi như một báu vật” - cụ Lịch nói.

Từng giữ nhiều trọng trách ở chính quyền địa phương, cụ Thái Văn Lịch vẫn xác quyết rằng, lệ làng là điều thiêng liêng mà những người sống cả đời ở làng phải luôn trân trọng.

Nhiều năm qua, cụ vừa là người thủ sắc, vừa là người chánh tế. Như một pho sử sống của làng dọc triền sông, cụ Lịch đã góp phần không nhỏ trong câu chuyện đưa lễ hội Bà Thu Bồn của vùng sông nước xứ này được công nhận di sản.

Từng chi tiết của một cuộc hội từ thuở còn bé thơ cho đến ngày cụ ông cầm trên tay sắc phong vua ban để dâng, được kể lại như chính những tri thức dân gian làm dày dặn cuộc hội sau này. 

Bây giờ, ở những ngày hội làng đang rộn ràng phía trước, cụ Thái Văn Lịch vẫn đau đáu về chuyện người sẽ kế thừa những lớp già như ông. Chính cụ Lịch cùng bạn đồng niên đã từng bước phục hồi hội làng ngay sau ngày giải phóng, với tâm ý chỉ mong cháu con biết lấy nguồn cội, truyền thống quê mình. Nhưng những lớp người này rồi sẽ thành thiên cổ, ai là người dựng lại những cuộc vui cho làng, bằng chính tâm thành và tri thức? 

Hằng ngày, người vẫn đi về phía lăng Bà, mượn tín ngưỡng mà vin thành lòng tin. Ở góc sân, thoảng mùi hương của đồng đất ven sông gặp nắng ngọt tháng Giêng, chan chứa điều lành...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người giữ hội làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO