Những ngôi chùa di sản

HÀ SẤU 19/03/2023 04:43

(VHQN) - Chùa Cầu, Chùa Ông, Chùa Chúc Thánh (Hội An) là những di tích niên đại hàng trăm năm tuổi, chứa đựng những câu chuyện lịch sử gắn liền với tiến trình phát triển của đô thị cổ này.

Chùa Cầu được xem là biểu tượng của Hội An. Ảnh: H.S
Chùa Cầu được xem là biểu tượng của Hội An. Ảnh: H.S

Các đền, chùa, miếu mạo có đóng góp đáng kể trong quá trình định hình văn hóa Hội An. Đó cũng có thể xem là chỉ dấu cho nguồn lực văn hóa và vốn liếng văn hóa Hội An lắng đọng theo thời gian.

Chùa Cầu

Là chùa nhưng Chùa Cầu không thờ Phật. Công trình này ban đầu được tạo lập để thông thương đi lại. Qua các tư liệu để lại, “cầu” và “chùa” được xây dựng cách nhau khoảng hơn nửa thế kỷ song khó phát hiện dấu hiệu không trùng khớp trong từng cấu kiện của tổng thể Chùa Cầu.

Chùa thờ tượng Bắc Đế Trấn Vũ nhằm cầu mong sự bình an, ổn định về địa thế, phong thổ của Hội An. Căn cứ vào văn bia tại Chùa Cầu và những nguồn tư liệu khác thì di tích này được xây dựng vào cuối thế kỷ 16 - đầu thế kỷ 17. Chùa Cầu đã được trùng tu, sửa chữa 7 lần vào các năm 1653, 1763, 1817, 1865, 1915, 1917 và 1986. 

Trong Chùa Cầu thờ hai cặp tượng chó và khỉ. Có ý kiến cho rằng đó là cách ghi niên đại theo kiểu người Nhật. Lại có nhận định đó là những tô tem mà người Nhật sùng bái, tôn thờ. Trên cửa Chùa Cầu có gắn bức hoành gỗ được làm từ năm 1719, chạm nổi 3 chữ “Lai Viễn Kiều”, bên trái có châu ấn của chúa Nguyễn Phúc Chu. Theo giới nghiên cứu, chỉ riêng lối kiến trúc với hai chủ thể “chùa” và “cầu” gắn với nhau thành một thể thống nhất đã là điều độc đáo trong kho tàng kiến trúc Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay, di tích này do những thương nhân Nhật Bản đề xuất xây dựng và đầu tư vốn nhưng chỉ có những người thợ Việt Nam thiết kế, thi công và sáng tạo thì mới có không gian tương thích như vậy.

Nếu là người Hoa thiết kế thì với tư duy kiến trúc của họ quy mô công trình này sẽ rất lớn. Còn nếu là người Nhật thiết kế thì Chùa Cầu sẽ rất cao. Công trình này tiêu biểu cho việc giao thoa văn hóa, thể hiện nhân sinh quan, thế giới quan của cư dân bản địa. 

Tài nguyên sinh thái và di sản văn hóa ở Hội An có sự bổ trợ hài hòa rất độc đáo cho nhau. Nước ta có nhiều cầu ngói khác, nhưng chỉ Chùa Cầu nằm ngay giữa lòng đô thị. Chùa Cầu là một minh chứng cho vẻ đẹp không trùng lắp của đô thị di sản. 

Dòng người dâng lễ, cầu an tại chùa Ông trong dịp Tết Nguyên tiêu. Ảnh: H.S
Dòng người dâng lễ, cầu an tại chùa Ông trong dịp Tết Nguyên tiêu. Ảnh: H.S

Chùa Ông

Gắn liền với quá trình di cư sau đó định cư của người Hoa tại Hội An, chùa Ông (miếu Quan Công) tọa lạc trên đường Trần Phú hiện là điểm đến của cộng đồng và du khách dịp lễ lạt, nhất là trong lễ hội Tết Nguyên tiêu hằng năm.

Chùa Ông được khởi công xây dựng lần đầu tiên vào năm 1653. Theo Đại Nam nhất thống chí: “Miếu Quan Công ở phố Hội An, huyện Diên Phước do người làng Minh Hương xây dựng thờ Quan Thánh đế quân, quy chế lộng lẫy…”.

Chùa Ông đã được tu sửa nhiều lần vào các năm 1753, 1783, 1827, 1864, 1904, 1966 nhưng nhìn chung di tích vẫn còn giữ được nguyên trạng. Đã có một thời kỳ dài trước đây chùa Ông được coi là trung tâm tín ngưỡng ở Hội An.  

Kết cấu và trang trí của chùa Ông là điển hình của các miếu đền, chùa cổ ở Hội An. Di tích này có mặt bằng theo kiểu chữ quốc do nhiều nếp nhà hợp lại mà thành.

Theo giới nghiên cứu, chùa Ông là một trong 9 loại hình di tích cổ thuộc đô thị cổ Hội An có giá trị về nhiều mặt, nhất là về kết cấu kiến trúc. Mặc dù di tích này mang hình thức và kiểu thức của người Trung Quốc nhưng nhìn chung về kết cấu trang trí là một công trình đặc sắc, đặc biệt là do thợ làng Kim Bồng làm nên.

Chùa Ông còn chứa đựng nhiều thông tin giá trị về mặt dân tộc học, xã hội học… Hệ thống hoành phi câu đối với nội dung chứa đựng triết lý nhân sinh có giá trị văn hóa, không những giúp cho việc giáo dục định hình lối sống con người trong xã hội xưa mà cũng tương thích trong xây dựng nếp sống, con người mới ngày nay.

Chùa Chúc Thánh nhìn từ trên cao.Ảnh: H.S
Chùa Chúc Thánh nhìn từ trên cao.Ảnh: H.S

Chùa Chúc Thánh

Cũng hình thành vào thời kỳ hưng thịnh của thương cảng Hội An, tổ đình Chúc Thánh là một trong những ngôi chùa lâu đời bậc nhất của đô thị cổ này. Theo lý lịch di tích do Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An lập, nhà sư Lương Thế Ân là tổ khai sơn chùa Chúc Thánh.

Cái tên Chúc Thánh mang ý nghĩa chúc cho thánh thượng tốt lành, qua đó muốn thể hiện tình cảm của mình đối với các chúa Nguyễn trong việc đãi Phật giáo nói chung và nhà sư nói riêng.

Chùa Chúc Thánh (tọa lạc trên đường Tôn Đức Thắng) khai sơn vào khoảng cuối thế kỷ 17, lúc khởi phát là một thảo am tranh tre đơn giản, dần dần được các thế hệ đệ tử mở rộng và phát triển quy mô kiến trúc bề thế như hiện nay.

Vãn cảnh chùa, dễ dàng nhận ra sự kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc trong và ngoài nước, giữa truyền thống với hiện đại. Trong khuôn viên chùa có nhiều tháp mộ của các vị sư trụ trì qua các thế hệ, trong đó nổi bật nhất có lẽ là bảo tháp của tổ sư Minh Hải.

Theo người dân địa phương, dù cách Khu phố cổ Hội An chỉ vài cây số nhưng khoảng ba chục năm về trước, chùa Chúc Thánh vẫn là một nơi khá hẻo lánh, xung quanh lưa thưa những cánh rừng dương liễu và lối đi vào xuyên qua những triền cát. 

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, Hội An là nơi khai sinh ra dòng tu Lâm Tế - Chúc Thánh của Phật giáo Đàng Trong, từ đó lan tỏa đi nhiều nơi và cả ở nước ngoài. Đây là một trong những dòng tu lớn của Phật giáo Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những ngôi chùa di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO