Nối dài giai điệu trăm năm

LÊ QUÂN 18/09/2022 08:27

Những ngày khắp các vùng xứ Quảng làm lễ hội, những người yêu mê trống chiến trống chầu lại thấy lòng mình lấp lánh vui. Giai điệu từ hàng trăm năm trước, lại được nối dài bởi người hôm nay...

Trích đoạn tuồng “Nghêu sò ốc hến” vừa được giải nhất tại Liên hoàn nghệ thuật tuồng quần chúng và dân ca Quảng Nam năm 2022. Ảnh: M.T
Trích đoạn tuồng “Nghêu sò ốc hến” vừa được giải nhất tại Liên hoàn nghệ thuật tuồng quần chúng và dân ca Quảng Nam năm 2022. Ảnh: M.T

Nghe chuyện sử tuồng

Với những giá trị độc đáo, nghệ thuật tuồng của Quảng Nam có đủ đầy lai lịch để trở thành di sản văn hóa phi vật thể dày dặn của vùng đất. Năm 2015, khi tuồng đồ xứ Quảng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, những người hoạt động nghệ thuật trong lĩnh vực này mừng vui khôn xiết.

Bởi vốn quý, tinh túy của dân tộc, cũng đồng thời là ký ức của chính vùng đất quê xứ mình được công nhận. TS.Trần Thị Minh Thu - Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, đất Quảng ngay từ trong lịch sử xa xưa, đã quá thú vị khi với riêng tuồng cổ đã cho thấy một hành trình phát triển chứa đựng nhiều giá trị và trải qua nhiều biến đổi, thách thức.

“Cuối thế kỷ 18, Quảng Nam đã có phong trào tuồng sôi nổi để đến đầu thế kỷ19, dòng tuồng Đàng Bộ gắn với cái nôi của tuồng Quảng Nam là gánh hát tuồng làng Đức Giáo và Khánh Thọ. Từ 2 trung tâm tuồng này, nghệ thuật tuồng lan rộng ra các vùng khác.

Sau này, Quảng Nam còn hình thành thêm một dòng tuồng nữa là dòng tuồng Đàng Nước tập trung ở Hội An, Vĩnh Điện, Bàu Toa với những cải cách trong biểu diễn. Đến những năm 20 của thế kỷ 20, xuất hiện thêm dòng tuồng thứ ba là dòng tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh gắn với rạp hát Vĩnh Điện do Nguyễn Hiển Dĩnh thành lập” - TS.Trần Thị Minh Thu chia sẻ.

Nhà nghiên cứu Hoàng Châu Ký từng khái quát rằng, dòng tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã tiếp thu bao tinh hoa của dòng tuồng Đàng Bộ, kết hợp những cải cách của dòng tuồng Đàng Nước, từ đó dần dần nâng cao, phát triển lên thành nghệ thuật tuồng Quảng Nam mang sắc thái riêng biệt là thực và đẹp.

Và Quảng Nam, ngay từ trăm năm trước, cũng là vùng đất đầu tiên hình thành hai hướng hoạt động riêng biệt của tuồng cổ là chuyên nghiệp và nghiệp dư. TS.Trần Thị Minh Thu cho rằng, có lẽ khởi nguyên từ việc di dân trong lịch sử, khi nhà Nguyễn xây dựng kinh thành, lấy làng Đức Giáo (tại Phú Xuân) - vốn là vùng đất nổi tiếng với nghề hát tuồng tại kinh đô, khiến dân cư tại đây phải di chuyển vào Quảng Nam và định cư tại làng Khánh Đức. Vì là dân ngụ cư, nên dân Đức Giáo đành lấy hát tuồng làm nghề chính để làm kế sinh nhai.

Trong khi gánh tuồng Khánh Thọ thường diễn vào dịp tế lễ thì ngược lại, gánh tuồng Khánh Đức lại đi diễn khắp nơi và thường xuyên. Chính vì mang tính chuyên nghiệp sớm, nên tuồng Quảng Nam có điều kiện phát triển mạnh.

Cùng với nhiều tài năng lớn của ngành tuồng, Quảng Nam cũng là nơi đầu tiên xuất hiện mô hình hoạt động khép kín rạp hát - đoàn biểu diễn - trường dạy nghề dưới hình thức dân lập thông qua gánh hát của cụ Nguyễn Hiển Dĩnh. Điều này, có lẽ còn nguyên giá trị khi nhìn vào công tác đào tạo diễn viên, vận hành đơn vị nghệ thuật truyền thống của hiện tại...

Bảo tồn di sản

Trong số hơn 100 diễn viên tham gia Liên hoan Nghệ thuật tuồng quần chúng và dân ca toàn tỉnh vừa tổ chức mới đây, thì chỉ có 1/3 trong số này tham gia diễn tuồng. Một cuộc hội ngộ quy mô lớn toàn tỉnh, nhưng chỉ có 8 địa phương tham gia. Và chỉ có 2 huyện Quế Sơn và Duy Xuyên còn bền bỉ mang tuồng lên sân khấu.

Xem tuồng là một lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp văn hóa thì sẽ có cách để phục hưng loại hình này. Ảnh: X.H
Xem tuồng là một lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp văn hóa thì sẽ có cách để phục hưng loại hình này. Ảnh: X.H

Đại diện Trung tâm VH-TT huyện Quế Sơn cho biết, địa phương này năm nào cũng tổ chức Liên hoan nghệ thuật tuồng và dân ca cho người dân địa bàn mình. Quế Sơn vừa là cái nôi của tuồng đồ xứ Quảng, cũng đồng thời là vùng đất mà món ăn tinh thần được ưa chuộng là giai điệu của tiếng trống chiến trống chầu.

Những vở diễn tuồng cổ từ “Tam Hạ Nam Đường”, “Đào Phi Phụng”, “Kiều Nguyệt Nga cống hồ”; “Sơn Hậu”, “Lê Lai đổi áo”, “Lã Bố hý Điêu Thuyền”... vẫn còn trong hình dung của lớp người lớn lên từ vùng đất dưới chân núi Chúa này. Nên không mấy ngạc nhiên, khi định danh văn hóa cho vùng Quế Sơn và Duy Xuyên, người ta vẫn nhắc đầy tự hào là đất của tuồng đồ.

Những người còn giữ ký ức ngày cũ về những lần theo các gánh tuồng xưa đi khắp mọi vùng quê sẽ còn giữ được lòng mê mải trước cái điệu bộ đầy ẩn ý của từng “kép”, từng “đào” - cũng là của từng người nông dân đang sống trọn ở không gian của làng. Gốc của tuồng từ những ngôi làng nên tuồng, dĩ nhiên, mạch sống vẫn luôn bền bỉ.

Làng, như nhà văn Nguyên Ngọc, “là cái “gen”, là nơi giữ cái “gen” của văn hóa Việt, để cho nó có thể biến hóa muôn vẻ mà ta vẫn là ta, là ta đặc sắc hơn, phong phú hơn, mạnh hơn”. Vẫn luôn có một sức hút lạ lùng ở sân khấu của làng, mỗi khi bên tai vẳng lên tiếng trống chiến, trống chầu. Có lẽ, khi văn hóa truyền thống của dân tộc phục hưng, thì sức mạnh dân tộc, hình như cũng sẽ thành “sóng triều dâng”…

Tuồng vẫn bám rễ trong môi trường dân gian. Nhưng lớp người diễn được tuồng và bền bỉ với từng hành trình giữ tuồng, đã già đi theo ngày tháng. Người say tuồng cũng từng ngày thành lớp người có tuổi.

Trong biên độ bảo tồn, một loại hình di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia phải được hoạch định đường hướng bảo tồn và phục hưng. Nhưng với tuồng đồ xứ Quảng, từ ngày được định danh là di sản đến nay, câu chuyện này vẫn còn bỏ ngỏ. Vẫn khấp khởi vui khi đôi lúc trong các cuộc hội được xem những trích đoạn tuồng cổ. Nhưng câu chuyện bảo tồn và phục dựng một di sản cần nhiều hơn những cuộc trình diễn như vậy.

Quỹ hỗ trợ, bảo vệ và phát triển nghệ thuật tuồng khi tuồng được định danh di sản vẫn còn nằm trong kế hoạch. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, phát triển nghệ thuật tuồng với tư cách là một sản phẩm du lịch văn hóa hay thậm chí, nghệ thuật tuồng cũng thuộc lĩnh vực công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Từ điểm nhìn này, sẽ bắt đầu cho các câu chuyện phục hưng nghệ thuật tuồng, như cái cách mà các quốc gia có ngành công nghiệp văn hóa phát triển đang làm...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nối dài giai điệu trăm năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO