Phía ngàn, chờ nhịp chiêng vui...

ALĂNG NGƯỚC 03/06/2022 09:54

Liên hoan “Âm vang cồng chiêng” huyện Nam Giang lần thứ V (dự kiến diễn ra vào cuối tháng 6) hứa hẹn mang đến lễ hội độc đáo, đậm bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào vùng cao.

Liên hoan “Âm vang cồng chiêng” Nam Giang sẽ tái hiện nhiều không gian văn hóa màu sắc cộng đồng vùng cao. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Liên hoan “Âm vang cồng chiêng” Nam Giang sẽ tái hiện nhiều không gian văn hóa màu sắc cộng đồng vùng cao. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Những háo hức đợi chờ cho ngày hội đoàn kết cứ thế tiếp nối bằng thanh âm của nhịp trống chiêng rộn rã. Sau mỗi đợt tập luyện, đồng bào Cơ Tu, Ve, Tà Riềng lại quây quần bên bếp lửa gươl cổ vũ thành viên tham gia luyện tập đối đáp giao duyên, trình diễn trang phục truyền thống… chuẩn bị cho chương trình liên hoan “Âm vang cồng chiêng” huyện Nam Giang lần thứ V, sẽ diễn ra vào cuối tháng 6.

Vang âm sắc núi rừng

Cuối chiều, từ trong gươl, thanh âm của nhịp trống chiêng bất ngờ vang lên giữa rừng. Pơloong Phước, một nghệ nhân trẻ tuổi ở Za Ra (xã Tà Bing, Nam Giang) nói, ở trên đó, người dân địa phương đang tập luyện múa hát cồng chiêng, chuẩn bị cho chương trình liên hoan “Âm vang cồng chiêng” toàn huyện sắp sửa được tổ chức. Pơloong Phước nói, gần 3 năm kể từ sau đại dịch Covid-19 bùng phát, lần đầu tiên dân làng được dịp vui đúng nghĩa.

“Nhiều ngày nay, sau buổi nương rẫy trở về, người dân trong làng tại tụ họp dưới gươl, cùng tham gia tập luyện các tiết mục múa hát, trình diễn trang phục truyền thống chuẩn bị tham gia liên hoan “Âm vang chồng chiêng” do huyện tổ chức. Có tiếng trống, tiếng chiêng vang lên, núi rừng trở nên sôi động hẳn” - Pơloong Phước chia sẻ.

Ông Bhờ Nướch Tí - cán bộ Văn phòng UBND xã Tà Bhing cho biết, không chỉ tham gia tập luyện ở thôn, nhiều già làng, thanh niên địa phương còn tích cực hỗ trợ Ban tổ chức thực hiện các công đoạn phục dựng cây nêu chung tại huyện, phục vụ liên hoan.

Đây được xem là cây nêu trung tâm, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa nghệ thuật xuyên suốt trong ngày hội. Vì thế, cần sự tham gia của già làng, những người am hiểu về văn hóa cộng đồng vùng cao Nam Giang.

“Để chuẩn bị các hoạt động tại liên hoan, nhiều ngày qua, cùng với đội tập luyện vũ điệu cồng chiêng, đối đáp giao duyên, trình diễn trang phục… nhiều thành viên trên địa bàn xã tích cực tìm kiếm nguyên vật liệu chế biến ẩm thực truyền thống, huy động lực lượng hỗ trợ diễn viên, sưu tầm hiện vật di sản” - ông Tí cho biết thêm.

Sau thời gian khá dài “vắng bóng” do đại dịch, nhịp trống chiêng lại vang lên nơi góc núi. Người tập luyện, người đến xem, người hướng dẫn… bên trong gươl làng, nụ cười vui hiện rõ trên từng khuôn mặt. Ai cũng háo hức đợi chờ.

Ngày hội đoàn kết

Qua 4 đợt tổ chức, liên hoan “Âm vang cồng chiêng” Nam Giang để lại nhiều dấu ấn trong cộng đồng và du khách. Bên cạnh mục tiêu tạo không gian giao lưu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong công tác bảo tồn nét văn hóa truyền thống, liên hoan còn là dịp để cộng đồng vùng cao giới thiệu và quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng đến với du khách.

Những màn trình diễn trang phục truyền thống hứa hẹn sẽ thu hút du khách. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Những màn trình diễn trang phục truyền thống hứa hẹn sẽ thu hút du khách. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Ông Trần Ngọc Hùng - Trưởng phòng VH-TT huyện Nam Giang cho hay, sau nhiều năm bị gián đoạn bởi dịch bệnh Covid-19, năm nay, địa phương tái khởi động lại các hoạt động văn hóa - du lịch, nhằm hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia Quảng Nam 2022 và kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện (28.6.1949 - 28.6.2022).

Thông qua các chương trình văn hóa đặc sắc, tái hiện đủ đầy không gian của lễ hội truyền thống, liên hoan “Âm vang cồng chiêng” được kỳ vọng sẽ là ngày hội đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện.

Để chuẩn bị chu đáo cho ngày hội chung, nhiều tháng qua, bên cạnh xây dựng kịch bản tổng thể chương trình, chính quyền địa phương huy động lực lượng phối hợp điều hành chặt chẽ các công đoạn cần thiết, nhất là chương trình khai mạc, dự kiến diễn ra vào tối 27.6 tới. Bởi đây là sự kiện đặc biệt nhằm kết nối, tái khởi động cho hoạt động văn hóa - du lịch cộng đồng miền núi theo chủ trương chung của tỉnh sau thời gian… nghỉ dịch.

“Trong liên hoan lần này, ngoài chương trình khai mạc mang đậm nghệ thuật bản sắc, chúng tôi còn xây dựng kịch bản tổng thể tái hiện không gian văn hóa truyền thống của một lễ hội quy mô toàn huyện.

Thông qua hoạt động trưng bày hiện vật lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc; thi trình diễn nghệ thuật dệt thổ cẩm, nghệ thuật điêu khắc và tái hiện nghi thức các lễ hội dân gian… hy vọng liên hoan sẽ tạo được dấu ấn riêng biệt, góp sức cho mục tiêu quảng bá và phát triển du lịch gắn với công tác bảo tồn bản sắc cho đồng bào địa phương” - ông Hùng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phía ngàn, chờ nhịp chiêng vui...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO