Qua Tam Thanh, nhớ thi sĩ Hồ Thấu

NGUYỄN NHÃ TIÊN 25/07/2015 09:51

Đi giữa vùng đất cát Tam Thanh giữa một chiều, bỗng dưng đất cát ấy chừng như khích lệ cho cái trí nhớ hoang vu của tôi, rằng: “Tưởng người nên lại thấy người về đây”.

Chiều hè còn ngập nắng, nhìn cỏ cây hoang dại phất phơ trong những trảng cát rát cháy, tôi lại hình dung đến cái ngôi miếu cổ - nơi thi sĩ Hồ Thấu nằm cách ly điều trị căn bệnh nan y. Ngôi miếu cổ ấy bây giờ là đâu giữa mông mênh gió cát và nắng chói chang này! Có thể từ vọng tưởng mà tôi nghĩ ra, nhưng quả thật, đất đai này đã từng là nơi in đầy dấu chân nhà thơ cho đến ngày ông nhắm mắt xuôi tay.

Có nhiều giả thuyết cho rằng: bài thơ Gởi Kỳ - đã làm nên tên tuổi Hồ Thấu, đã được ông viết ra từ những ngày ông nằm một mình chữa bệnh trong ngôi miếu hoang giữa vùng đất cát Tam Thanh. Chả biết có thực thế hay không, nhưng không hiểu sao trong tiếng gió cồn cào thổi qua cồn bãi, những ngọn gió phiêu hốt ấy, dường như đang hợp xướng cùng tôi tiếng thơ se sắt làm dịu bớt cái nóng oi bức của buổi chiều hè:

Vùng cát Tam Thanh. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Vùng cát Tam Thanh. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Chiến trường ai khóc chia phôi

Khải hoàn ai nhớ đến người hôm qua.

Trong số không nhiều những nhà thơ đất Quảng xuất hiện vào buổi đầu thời kháng chiến chống Pháp như: Khương Hữu Dụng, Lưu Quang Thuận, Trinh Đường, Nguyễn Đình, Lưu Trùng Dương, thì Hồ Thấu là một trường hợp khá đặc biệt.

Nếu như những nhà thơ khác bước vào cuộc kháng chiến bằng chính con đường hoạt động văn học nghệ thuật, xem sáng tác của mình như một thứ vũ khí trực tiếp tham gia vào cuộc chiến đấu, thì Hồ Thấu dấn thân vào cuộc trường kỳ kháng chiến trên một con đường khác, mà xem ra tưởng không can dự gì mấy đến lĩnh vực sáng tác. Thời còn tuổi học sinh trường Quốc học Huế, nhà thơ Huy Cận đã viết về ông vào giai đoạn này như sau: “Anh Thấu và tôi đều học trường Quốc học Huế, tôi lớp trước, anh lớp sau. Lúc ở trường tôi đã nghe nhiều bạn nhắc nhở đến thơ anh, nhưng thơ anh ít đăng báo nên chưa được phổ biến rộng rãi” (Hồ Thấu – Nhà trí thức cách mạng. NXB Đà Nẵng. Tr93). Vậy là đã có một mạch ngầm thơ Hồ Thấu từ thuở ông còn tuổi hoa niên cắp sách đến trường. Dù vậy, mãi về sau này, suốt những tháng năm hoạt động cách mạng cho đến ngày ông qua đời, thơ Hồ Thấu sáng tác cũng không nhiều, hầu như chỉ là những bài thơ viết ra để chuyền tay cho bạn bè và đồng đội đọc. Thế nhưng cái đẹp của một trái tim thi sĩ và khát vọng chân thành đã có sức lung linh mãi với thời gian, cụ thể là từ những sáng tác ít ỏi đó, đã xây nên một đỉnh thơ Hồ Thấu lấp lánh trong tâm hồn người yêu thơ suốt hơn nửa thế kỷ qua.

Hồ Thấu (1918-1949) sinh ra ở một làng quê thuộc xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên. Anh em của ông đều là những nhà trí thức tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Ngay từ thuở còn ngồi trên ghế nhà trường, Hồ Thấu đã là một học sinh giỏi nhiều lĩnh vực: thơ ca, hội họa, âm nhạc. Xin trích lại ít dòng bài viết của ông Hoàng Bích Sơn viết về người anh trai của mình, để minh họa rõ nét hơn về Hồ Thấu: “Trong bốn người anh của tôi học ở trường Quốc học Huế, Hồ Thấu không phải là người học giỏi nhất, nhưng là người có tài năng nhất. Từ ban cao đẳng tiểu học đến ban tú tài, anh học giỏi tất cả các môn. Ngoài ra, thể thao, văn hóa văn nghệ anh cũng giỏi về nhiều môn như bóng bàn, quần vợt, bơi lội, hội họa, âm nhạc... Bạn bè thường khen Hồ Thấu có óc thông minh và bàn tay khéo léo tài hoa... Trong những năm đầu thập kỷ 40 (thế kỷ 20), đang trọng bệnh nhưng anh vẫn nung nấu những ước mơ cao đẹp về quê hương đất nước...” (Sđd). Vâng, chính những ước mơ cao đẹp đó đã là sự lựa chọn để ông trở thành một nhà trí thức cách mạng mẫu mực, một chiến sĩ cách mạng tận hiến đến hơi thở cuối cùng.

Nhưng tôi muốn nói đến Hồ Thấu - một nhà thơ giữa tâm hồn đại chúng. Lịch sử văn học Quảng Nam - Đà Nẵng vào những năm tháng này quả thật hiếm hoi khi có một trường hợp thi sĩ như ông. Toàn bộ sáng tác cả cuộc đời thơ của ông không nhiều. Đã không nhiều lại chỉ toàn là những bài thơ được viết ra cốt chỉ cho mọi người chuyền tay nhau đọc. Rồi trải qua các cuộc chiến tranh tàn khốc, qua bao vật đổi sao dời dằng dặc hơn nửa thế kỷ như thế, tưởng chừng như người ta khắc thơ in trên đá còn phải xói mòn nữa là, vậy mà cái trí nhớ mông mênh của đại chúng mới là những bản in vàng ngọc, và thơ Hồ Thấu trong trường hợp này!

Chính những ngày giờ quạnh quẽ một mình giằng xé đau đớn với bệnh tật trong ngôi miếu hoang giữa bãi cát nắng cháy Tam Thanh này đây, con người thi sĩ của Hồ Thấu đã tỏa sáng. Vào thời đó, căn bệnh lao phổi đến thời kỳ trầm trọng như ông đã vô phương điều trị và phải cách ly với mọi người. Trong một thế giới mà sự cô đơn cùng với căn bệnh nan y vây bủa, niềm tuyệt vọng thường tràn ngập vào tâm hồn người nghệ sĩ, xây thành một thứ men hoan lạc, một thứ “thú đau thương” dễ thường sinh nở ra những tác phẩm nhuốm màu ảo não tuyệt vọng. Hồ Thấu chống chọi lại bản năng đó. Hay nói một cách khác, sự dấn thân cho chí cả trong tính cách người hùng vượt lên trên số phận, ông viết: “Mắt say hớp mảnh trời xanh/ Miệng say uống ngợp gió lành muôn phương” và “Chiều lên theo nẻo đẹp thơ/ Ra đi chỉ tiếc cuộc cờ thiếu tay”. Đứng bên bờ tử sinh mà câu thơ đẹp một cách kiêu bạc.

Những ngày tháng cùng biên soạn công trình “Trăm năm thơ Đất Quảng”, GS. Nguyễn Văn Hạnh đã nhiều lần nói với tôi, và về sau ông đã viết những lời này trong phần Tổng quan của sách: “Chỉ mỗi bài thơ Gởi Kỳ dưới dạng di chúc tinh thần của anh (Hồ Thấu) đã làm cho tên tuổi anh còn mãi với thơ Đất Quảng”. Vâng, chắc hẳn là vậy! Hơn nửa thế kỷ đã qua, bài thơ ấy đẹp như một huyền thoại trong ký ức nhiều người. Nhắc đến tên tuổi Hồ Thấu, ai cũng có thể cảm khái mà ngâm nga: “Chiến trường ai khóc chia phôi/ Khải hoàn ai nhớ đến người hôm qua”.

NGUYỄN NHÃ TIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Qua Tam Thanh, nhớ thi sĩ Hồ Thấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO