Sẵn sàng mùa lễ hội của năm

KHÁNH LINH 07/08/2019 10:21

(QNO) - Ngày mai 7.8, các hoạt động của sự kiện Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản và Festival Văn hóa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam - thế giới lần thứ V chính thức diễn ra tại TP.Hội An. Đến nay, công tác chuẩn bị cơ bản đã hoàn tất, sẵn sàng mang đến một mùa lễ hội ấn tượng và đặc sắc nhất.

Lễ tái hiện đám cưới Công nữ Ngọc Hoa bằng Châu Ấn thuyền sẽ diễn ra trên phố và dưới sông Hoài. Ảnh: KHÁNH LINH
Lễ tái hiện đám cưới Công nữ Ngọc Hoa bằng Châu Ấn thuyền sẽ diễn ra trên phố và dưới sông Hoài. Ảnh: KHÁNH LINH

1. Ông Trần Như Hà - Tổng Biên đạo chương trình Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản và Festival Văn hóa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam - thế giới lần thứ V cho biết, hơn nửa tháng nay gần 50 diễn viên đội văn nghệ Trung tâm VH-TT&TT-TH TP.Hội An đã miệt mài luyện tập cho hoạt cảnh “Tái hiện đám cưới Công nữ Ngọc Hoa với thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro”.

Theo kịch bản, phần tiễn công chúa Ngọc Hoa về nhà chồng sẽ đi từ số nhà 78 Lê Lợi đến vòng cung Chùa Cầu, xuống bến Bạch Đằng qua sông trước khi lên sân khấu. So với những lần trước, nét mới của “đám cưới” năm nay chính là có sự tham gia ngay từ đầu của phía Nhật Bản; các diễn viên sẽ diễn với các nghi thức, âm nhạc truyền thống Nhật Bản. “Trước đây đám rước chỉ tái hiện với Châu Ấn thuyền ở trên bờ, nhưng năm nay làm thực tế luôn dưới sông Hoài nên thời gian chuẩn bị hơi lâu, từ khi lên kịch bản đến triển khai gần 2 tháng, tuy nhiên hiện tại mọi khâu đã ổn” - ông Hà nói.

Đến nay, chương trình Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản đã qua 16 lần tổ chức, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, du khách và doanh nghiệp Nhật Bản. Sự kiện năm nay sẽ diễn ra từ ngày 8 - 11.8 tại khu phố cổ Hội An và Vườn tượng An Hội với nhiều hoạt động giao lưu, giải trí đặc sắc. Cụ thể như: trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, triển lãm tranh ảnh, dạy viết thư pháp Nhật Bản, biểu diễn nghệ thuật truyền thống và thi đấu thể thao truyền thống Hội An - Nhật Bản; giao lưu đường phố, nhảy Yosakoi, biểu diễn sáo Shakuhachi, trình diễn Cosplay; trải nghiệm văn hóa Nhật Bản; chợ phiên Hội An… hứa hẹn mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị về văn hóa hai dân tộc.

Theo bà Trương Thị Ngọc Cẩm - Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH TP.Hội An, nét mới năm nay, ngoài thay đổi hình thức tái hiện đám cưới Công nữ Ngọc Hoa với thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro bằng mô hình thuyền Nhật Bản trên sông Hoài, các chương trình nghệ thuật còn có sự tham gia của nhiều đơn vị trong nước. Điển hình, có thể kể đến không gian giao lưu văn hóa nghệ thuật đờn ca tài tử của TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp) và giao lưu hò khoan đối đáp trên sông. “Năm nay các đơn vị về tham gia rất nhiều, nhất là từ phía Nhật Bản, nên việc đón tiếp, bố trí ăn ở phải chu đáo. Hiện tại các phần việc này đã cơ bản hoàn tất” - bà Cẩm cho biết.

Festival Văn hóa tơ lụa, thổ cẩm nhằm tôn vinh và kết nối tơ lụa Quảng Nam ra thế giới. Ảnh: KHÁNH LINH
Festival Văn hóa tơ lụa, thổ cẩm nhằm tôn vinh và kết nối tơ lụa Quảng Nam ra thế giới. Ảnh: KHÁNH LINH

2. Song song với sự kiện Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản là Festival Văn hóa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam - thế giới lần thứ V, diễn ra trong 3 ngày (7 - 9.8) tại Làng lụa Hội An với sự tham gia của các tổ chức như Hiệp hội Tơ lụa thế giới, Hiệp hội Tơ lụa châu Á và Nhật Bản, Học viện Mê Kông, các doanh nghiệp sản xuất tơ lụa, thổ cẩm trong và ngoài nước.

Ngoài ra còn có sự tham dự của 8 quốc gia, đại diện 5 thành phố cùng hàng chục đơn vị sản xuất và làng nghề tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam như Bảo Lộc Silk, Toàn Thịnh, Hạnh Silk; các làng nghề Vạn Phúc, Nha Xá, Mã Châu, Mỹ Đức, Nam Cao, Tân Châu, Chăm Ninh Thuận; thổ cẩm Hà Giang, Khơme, Cơ Tu…

Ông Lê Thái Vũ - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam chia sẻ, mục đích của festival là tôn vinh văn hóa nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống, kết nối giao lưu để mở đầu ra cho thị trường tơ lụa Việt, từng bước đưa các đơn vị sản xuất tơ lụa đến với các tổ chức và thị trường quốc tế. “Làng lụa Hội An kế nghiệp truyền thống sản xuất và xuất khẩu tơ lụa từ 300 năm trước ở Hội An sẽ cố gắng để làm cầu nối đưa lụa Việt Nam ra thế giới, thị trường nội địa thông qua các hoạt động tôn vinh văn hóa tơ lụa truyền thống, xây dựng trung tâm thương mại phân phối tơ lụa của cả nước, đầu tư giống tơ tằm, phục hồi lại các làng nghề truyền thống ở Quảng Nam. Đồng thời, sự kiện cũng sẽ góp phần giới thiệu nghề may thời trang Hội An, nghề tơ lụa Quảng Nam với thị trường tơ lụa quốc tế, đặc biệt đóng góp cho TP.Hội An một sản phẩm du lịch dựa trên nền tảng khai thác văn hóa lụa tơ tằm” - ông Vũ cho hay. Dự kiến, tổng chi phí Công ty CP Tơ lụa Quảng Nam bỏ ra cho festival lần này khoảng hơn 3,5 tỷ đồng.

Dệt thổ cẩm Chăm sẽ được trình diễn tại festival lần này. Ảnh: KHÁNH LINH
Dệt thổ cẩm Chăm sẽ được trình diễn tại festival lần này. Ảnh: KHÁNH LINH

Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, Giao lưu văn hóa Hội An - Nhật Bản và Festival Văn hóa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam - thế giới là hai sự kiện có ý nghĩa quan trọng về mặt văn hóa, hợp tác quốc tế đối với Hội An. Mục tiêu nhằm vun đắp tình hữu nghị ngày càng bền chặt giữa các dân tộc, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh về mảnh đất và con người Hội An, duy trì danh hiệu “Hội An - Thành phố quyến rũ nhất thế giới 2019”. “Điểm nhấn của lễ hội năm nay chính là tái hiện đám cưới Công nữ Ngọc Hoa nhân tròn 400 năm ngày diễn ra đám cưới này. Do vậy lễ rước sẽ hoành tráng hơn, các đoàn nghệ thuật bên Nhật đưa qua cũng nhiều với các hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc, hứa hẹn mang đến sự hấp dẫn cho người dân và du khách” - ông Sơn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sẵn sàng mùa lễ hội của năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO