Thách thức bảo tồn di sản ở Hội An

XUÂN HIỀN 05/12/2022 05:55

Kiến trúc nhà cổ bị thay đổi cho phù hợp với công năng sử dụng. Chưa kể, các thách thức về nguyên liệu trùng tu, nhiều công trình, đất trống bỏ hoang... là những khó khăn trong công tác quản lý, bảo tồn di tích tại Hội An.

Nhiều thách thức trong công tác bảo tồn đặt ra cho Hội An. Ảnh: X.H
Nhiều thách thức trong công tác bảo tồn đặt ra cho Hội An. Ảnh: X.H

Nhân kỷ niệm 23 năm Ngày đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (4/12), những thách thức về công tác bảo tồn đô thị cổ lần nữa được nhận diện bởi các chủ nhân di tích trong cuộc gặp mặt, trao đổi về công tác quản lý, bảo tồn di sản.

Biến dạng nhà cổ

Hội An hiện có 1.432 di tích, trong đó có 28 di tích cấp quốc gia, 46 di tích cấp tỉnh và 1.358 di tích nằm trong danh mục bảo vệ. Tuy nhiên, không gian truyền thống nhà cổ có những thay đổi và không còn cổ kính đặc trưng như xưa là thực trạng hiện nay của các di tích nhà ở.

Cần giữ gìn “bảo tàng sống”

Đặt vấn đề cần giữ gìn các dấu vết kiến trúc bên cạnh giềng mối sinh hoạt, nếp sống thường nhật mới có thể giữ lại phần “hồn” của cả một quần thể di sản Hội An, theo ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch Hội Khoa học - lịch sử TP.Hội An, giá trị nổi bật toàn cầu của Hội An là giá trị văn hóa phi vật thể, hay nói cách khác là “bảo tàng sống”, con người vẫn sống cuộc sống đời thường trong lòng phố cổ. Nhưng với sự thay đổi như hiện nay, tất nhiên đã ảnh hưởng rất lớn.

“Khi con người thay đổi thì văn hóa phi vật thể bao gồm sinh hoạt, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, nếp gia phong, tình làng nghĩa xóm cũng bị thay đổi, mất đi nhiều. Chắc chắn, chính quyền và các ngành chuyên môn phải đặt vấn đề này trong tương lai để phát triển bền vững” - ông Trung nói. (QUỐC HẢI)

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, trong vòng 5 năm qua, Hội An có hơn 100 ngôi nhà cổ thuộc sở hữu tư nhân bị bán, chuyển nhượng.

Phần lớn những ngôi nhà chuyển nhượng được khai thác tối đa cho mục đích kinh doanh, khiến không gian truyền thống bị thay đổi và công tác quản lý cũng gặp nhiều khó khăn.

Nhất là những ngôi nhà mang tính biểu tượng ở đường Nguyễn Thái Học, Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai đang bị các chủ nhân sau này thay đổi kết cấu bên trong.

Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, trước đây, hầu hết di tích nhà cổ đều làm bằng gỗ, mái lợp ngói âm dương, có hệ thống sân trời, giếng nước, sân vườn, nơi ở, bếp, không gian thờ tự…

Thế nhưng, khi những nhà cổ này được chủ sở hữu chuyển nhượng thì người chủ mới của ngôi nhà đã tự ý tháo bỏ các cấu kiện, bộ phận bên trong để làm nơi kinh doanh, buôn bán. Nhiều khu vực sân trời của di tích nhà cổ giờ được lắp đặt mái che di động hoặc dùng vật liệu tôn, kính che kín hoàn toàn.

Các giếng nước cũng bị bịt hoặc che kín một phần. Còn các sân vườn thì được đầu tư xây dựng, lắp đặt mái che, ván sàn nhựa, làm quầy bar phục vụ khách hoặc cơi nới nhằm mở rộng không gian sinh hoạt, xây dựng các công trình phụ, làm hỏng cảnh quan di tích nhà cổ.

Thách thức về nguyên liệu trùng tu

Theo Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Sướng, kiến trúc nhà cổ Hội An thường không có chạm trổ cửa. Nhưng hầu như các ngôi nhà có chủ nhân mới hiện nay đều chạm khắc bằng gỗ công nghiệp - CNC rất nhiều. Điều này không phù hợp với kiến trúc truyền thống của nhà cổ Hội An.

Ngoài ra, cảnh quan của các khu vực vùng ven phố cổ, cụ thể tại làng mộc Kim Bồng hiện nay cũng đặt ra rất nhiều lo ngại đối với việc quản lý, bảo tồn không gian di sản.

“Bao nhiêu năm nay, một quy hoạch không gian cho làng mộc Kim Bồng vẫn chưa hình thành. Các con đường vào làng lẫn ở trong làng đều nhếch nhác. Ngoài ra, trung tâm văn hóa, trung tâm làng nghề Kim Bồng hiện vẫn dở dang” - Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Sướng nói.

 

Nhiều chủ di tích cho rằng, hiện nay các mái ngói nhà cổ đều gần như xuống cấp. Tuy nhiên, cũng là ngói âm dương nhưng chất lượng trùng tu, tôn tạo mái ngói sau này đều dễ hư hỏng, dễ thấm dột vào mùa mưa.

Ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Hội An cho biết, hiện nay tìm ngói âm dương cũng đang là vấn đề đau đầu của trung tâm khi thực hiện công tác trùng tu. Vật liệu truyền thống phục vụ cho công tác tu bổ thật sự là điều khó. Yếu tố về tính chân xác đòi hỏi tuân thủ cả trong nguyên vật liệu sử dụng tu bổ.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Hội An, để tu bổ một di tích, cần số lượng lớn ngói, gạch, gỗ, vôi vữa truyền thống. Hiện nay, tại địa phương, gạch, ngói (ngói cong đất nung truyền thống) không đảm bảo về số lượng, chất lượng và cả về kích thước vật liệu.

Nguyên liệu để sản xuất ngói là đất sét bị khan hiếm và pha lẫn cát, nhiều tạp chất, do đó viên ngói thành phẩm sau khi nung thường có độ cong không đồng đều, chất lượng thấp, thậm chí một số lượng lớn ngói tự phân hủy chỉ sau 2 - 3 năm sử dụng.

Vữa vôi truyền thống do không còn sản xuất nên được thay thế bằng vữa ba-ta (pha trộn giữa xi măng, cát và vôi bột hiện có bán sẵn trên thị trường). Song cho dù được ủ kỹ thì khi trát loại vữa vôi pha trộn trên và lợp mái ngói âm dương vẫn không đảm bảo yêu cầu của công tác trùng tu.

Độ dẻo kết dính không đạt, sự co giãn vật liệu (giữa vữa vôi và ngói đối với hệ mái) không đồng đều dẫn đến hiện tượng co nhót, ngày càng xuất hiện nhiều vết nứt, hở, kéo theo là sự thấm dột mái vào mùa mưa dẫn đến sự nhanh xuống cấp của di tích.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thách thức bảo tồn di sản ở Hội An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO