Thận trọng trong xã hội hóa quản lý di sản văn hóa

KHÁNH LINH 02/10/2022 07:17

Xã hội hóa công tác quản lý Khu di tích Mỹ Sơn dù được xem là chủ trương đúng nhằm tạo nguồn lực đầu tư cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích nhưng cách thức triển khai sao cho phù hợp, hiệu quả cần nghiên cứu, tính toán kỹ.

Xã hội hóa công tác quản lý di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn cần được phân tích, tính toán thấu đáo.
Xã hội hóa công tác quản lý di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn cần được phân tích, tính toán thấu đáo.

Chưa có tiền lệ

Ngày 16.6.2022, Văn phòng UBND tỉnh đã ban hành Thông báo Kết luận số 224 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh (tại cuộc họp nghe báo cáo tiến độ triển khai thực hiện Thông báo số 135 ngày 6.5.2022 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam).

Trong đó có nội dung, giao Sở VH-TT&DL chủ trì tổ chức đoàn nghiên cứu, tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình xã hội hóa các di sản văn hóa thế giới tại Campuchia. Tập trung nghiên cứu đề xuất cơ chế xã hội hóa trong công tác quản lý Khu di tích Mỹ Sơn, bao gồm cả vùng lõi và vùng đệm…

Ông Phan Xuân Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên khẳng định hoàn toàn ủng hộ chủ trương xã hội hóa. Tuy nhiên, xã hội hóa ở mức độ nào, vùng nào của di sản… cần phải được nghiên cứu kỹ càng, bởi đây là việc làm chưa có tiền lệ ở Việt Nam.

“Cái được của Mỹ Sơn thời gian qua là rất lớn, nhưng không phải vì vậy mà chúng ta tự bằng lòng, không nỗ lực để phát triển hơn. Đơn cử, mức tăng trưởng khách mỗi năm 5 - 7% là chưa ngang tầm với một di sản thế giới, đặc biệt chưa tạo nguồn lực đủ mạnh cho công tác trùng tu” - ông Cảnh phân tích.

UBND huyện Duy Xuyên được UBND tỉnh giao nhiệm vụ hợp đồng với đơn vị tư vấn để xây dựng Đề án xã hội hóa công tác quản lý khai thác Khu di tích Mỹ Sơn. Thời gian qua, huyện cũng đã tham gia đoàn công tác tỉnh sang khảo sát, nghiên cứu mô hình quản lý di sản văn hóa thế giới Angkor Wat (Campuchia).

Dù vậy, ông Phan Xuân Cảnh thừa nhận, xã hội hóa quản lý Mỹ Sơn hiện rất khó khăn vì không có mô hình học hỏi, kể cả trên thế giới. “Chúng tôi đã đặt vấn đề với nhà tư vấn cần nghiên cứu đề án xã hội hóa theo hướng đẩy mạnh phát triển vùng đệm gắn với du lịch sinh thái, tâm linh, sức khỏe…

Nói chung, xã hội hóa phải theo hướng phát triển vùng đệm nhưng cũng phải quản lý vùng lõi vì nếu không giao phần lõi thì không ai làm vì nó có mắt xích liên hoàn. Sau này khi đề án hoàn thành chúng ta sẽ có chương trình quản lý Nhà nước cụ thể trong vấn đề bảo tồn, như giao nhà đầu tư cái gì, phương án tài chính ra sao, phân chia theo tỷ lệ thế nào… sẽ được làm rõ” - ông Cảnh cho biết.

Vừa rút kinh nghiệm vừa làm

Được thành lập năm 1995, Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn là đơn vị sự nghiệp Nhà nước hoạt động tự chủ hoàn toàn. Với nhiệm vụ được giao là bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn, thời gian qua công tác bảo vệ, bảo tồn cảnh quan, di tích đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Hàng loạt công trình kiến trúc nơi đây đã được trùng tu thoát khỏi nguy cơ sụp đổ, trở thành điểm tham quan hấp dẫn của du khách. Đặc biệt, từ nguồn thu vé tham quan đã giúp Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn thực hiện tốt cơ chế tự chủ, tự trang trải, kể cả góp vốn vào các dự án trùng tu quốc tế.

 

Ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn chia sẻ, mặc dù xã hội hóa rất cần thiết, tuy nhiên với Mỹ Sơn phải thận trọng, nhất là vùng lõi di sản. “Vấn đề ở đây là bảo tồn được di sản, do đó không nên xã hội hóa vùng lõi, chỉ nên xã hội hóa vùng đệm, nếu xã hội hóa vùng lõi sẽ ảnh hưởng đến việc quản lý, bảo tồn khu di sản này. Tại Mỹ Sơn, nhiệm vụ bảo tồn là chính chứ không phải tìm cách để thu được nhiều tiền nhất” - ông Hộ chia sẻ.

Ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nhìn nhận, việc phát triển du lịch tại Mỹ Sơn chưa xứng tầm với danh xưng di sản văn hóa thế giới, hiện mới chỉ dừng lại ở điểm tham quan, bán vé khách vô xem xong là về, chưa phát huy được các giá trị tiềm năng bên ngoài nên xã hội hóa công tác quản lý là cần thiết. Quan điểm của Sở VH-TT&DL đồng tình với chủ trương này nhằm phát huy được giá trị di tích vừa làm tốt công tác bảo tồn.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ đối với việc quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Mỹ Sơn là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay để tập trung nguồn lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa này.

Tuy nhiên, do ít có mô hình quản lý di sản văn hóa thế giới nào được quản lý theo mô hình công tư kết hợp nên Quảng Nam sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm kể cả trong xây dựng đề án, lấy ý kiến chuyên gia, các nhà tư vấn, các nhà nghiên cứu… Đồng thời tranh thủ ý kiến của UNESCO, các bộ, ngành trung ương để Đề án Quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn theo hướng xã hội hóa hiệu quả nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thận trọng trong xã hội hóa quản lý di sản văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO