Thăng Bình dành nguồn lực cho văn hóa

VIỆT NGUYỄN 10/06/2022 06:52

Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình nói, xây dựng văn hóa, con người được địa phương đặt ngang tầm với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực của phát triển bền vững. 

Đội hát múa bả trạo Bình Minh trong lễ hội cầu ngư. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Đội hát múa bả trạo Bình Minh trong lễ hội cầu ngư. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Các ngành chức năng của huyện được yêu cầu phải chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; khơi dậy mạnh mẽ tình yêu quê hương, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển.

Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Thăng Bình là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở và toàn dân, trong đó, nhân dân là chủ thể sáng tạo và hưởng thụ văn hóa.

Gìn giữ những giá trị

Thời gian qua, Thăng Bình luôn chú trọng huy động các nguồn lực để đầu tư, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn.

Đầu tiên phải kể đến Di tích cấp quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương ở xã Bình Định Bắc. Đây là công trình quan trọng bậc nhất của văn hóa Chămpa, gồm hệ thống các tháp có tính chất đặc biệt do ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo, được mệnh danh là Tòa tu viện Phật giáo giữa đô thành.

Khai quật khảo cổ của các nhà nghiên cứu Pháp vào đầu thế kỷ 20 đã cho thấy kiến trúc đặc biệt của khu tháp này. Khu đền thờ Đồng Dương rộng 155m, dài 326m, có 3 cụm kiến trúc được tách ra khỏi nhau bằng các tường ngăn và kế tiếp nhau theo trục từ tây sang đông...

Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng sớm có kế hoạch khảo sát, lập dự án tổng thể để bảo tồn, trùng tu, tôn tạo Phật viện Đồng Dương.

“Mong UBND tỉnh và các sở, ngành quan tâm hỗ trợ kinh phí để huyện thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và lập hồ sơ đất đai cho vùng lõi di tích” - ông Hùng nói. Thăng Bình cũng kiến nghị với UBND tỉnh về công tác lập quy hoạch phân khu 1/2.000 khu di tích văn hóa tâm linh quy mô 200ha gắn liền Di tích quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương để có cơ sở xúc tiến đầu tư trong thời gian đến.

Di tích cấp quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Di tích cấp quốc gia đặc biệt Phật viện Đồng Dương. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Bảo tồn, phục dựng và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội rước cộ Bà Chợ Được, lễ hội cầu ngư, hát múa bả trạo, hô hát bài chòi… cũng đặt ra cấp thiết ở Thăng Bình. Hằng năm, các lễ hội này đều diễn ra nhưng quy mô chưa tương xứng với kỳ vọng. Hát múa bả trạo có nguy cơ mai một do thiếu “thủ lĩnh” dẫn dắt, cầm trịch.

Ông Trần Văn Tám ở xã Bình Minh là người có công lớn trong việc tìm kiếm, tập hợp những người cùng tâm huyết, say mê nghệ thuật hát múa bả trạo để trao truyền, lưu giữ nét đẹp văn hóa là kết tinh sinh hoạt, tín ngưỡng của cộng đồng cư dân miền biển Thăng Bình.

Ông Tám nói: “Chỉ sợ mai kia “lửa” bả trạo không còn bùng cháy như bây giờ. Tôi thấy các vị trí tổng mũi, tổng khoang, tổng lái thiếu người tiếp nối”.

Chiến lược bài bản

Theo ông Trương Công Hùng - Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Thăng Bình, văn hóa là sự tích tụ sâu thẳm của truyền thống, phong tục, tập quán, nằm ở vỉa sâu nên không dễ tác động tức thời, nhanh chóng.

Nhưng văn hóa có sức mạnh tiềm ẩn vô cùng to lớn, biết khai thác đúng lúc, phát huy đúng chỗ có thể tạo ra những thay đổi lớn cho quê hương. Bởi vậy, Thăng Bình đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong cộng đồng dân cư, mỗi gia đình, dòng tộc, địa phương, cơ quan, đơn vị, chú trọng chất lượng văn hóa ứng xử.

Ngành văn hóa triển khai các cuộc thi sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật về đất và người Thăng Bình, tổ chức liên hoan nghệ thuật quần chúng. Ngoài lưu giữ các nét văn hóa truyền thống, đặc trưng, còn đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực trong văn hóa ứng xử mới manh nha.

Ngoài chức năng thẩm mỹ, động viên, định hướng xã hội phát triển văn minh, tiến bộ, văn hóa còn có chức năng điều tiết, thực hiện sứ mệnh khuyến thiện, nâng niu cái tốt, phê phán cái xấu, uốn nắn những hành vi lệch chuẩn.

Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, phát huy những thiên chức cao cả của văn hóa, huyện Thăng Bình triển khai sâu rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Huyện thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, khách quan, công bằng việc bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa. Thăng Bình khuyến khích xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, thực hiện hương ước, quy ước trong cộng đồng dân cư.

Trong giai đoạn mới, Thăng Bình tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa từ huyện đến thôn, khu phố; chú trọng đầu tư cảnh quan môi trường tại các nhà văn hóa, khu trung tâm xã, trụ sở làm việc các cơ quan, đơn vị đảm bảo xanh, sạch, đẹp. Hằng năm, dành nguồn tài chính phù hợp để đảm bảo khen thưởng cho các danh hiệu văn hóa, vừa khuyến khích vừa lan tỏa các giá trị văn hóa tiêu biểu.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thăng Bình dành nguồn lực cho văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO