Thành, hoại quanh một cây cầu

HỨA XUYÊN HUỲNH 19/03/2023 04:32

Lai Viễn kiều (Chùa Cầu) đang bước vào đợt trùng tu mới. Không chỉ làm chứng nhân cho dòng thời gian hơn 4 thế kỷ, mà vượt lên trên hết, di tích này còn minh chứng sống động về lẽ thành - hoại ở đời.

Chùa Cầu, di tích đặc biệt thu hút khách thập phương. Ảnh: H.X.H
Chùa Cầu, di tích đặc biệt thu hút khách thập phương. Ảnh: H.X.H

“Có thành tất có hoại”, mệnh đề thấu suốt mọi lẽ biến dịch ấy hiển hiện trong bài ký trùng tu Lai Viễn kiều lần thứ 2, năm Đinh Sửu 1817. Đốc học Dinh trực lệ Quảng Nam, cụ Khê Đình Bá Đinh Tường, dành nhiều lời ngợi ca phố Hội khi biên soạn bài ký.

Hội An có phong cảnh đẹp của dinh trấn Quảng Nam, nơi sông lớn ba mặt hợp lại với thuyền buồm tụ giăng, hàng hóa bày bán, đường sá thông suốt. Ở đấy, hóa vật trăm thứ từ bốn phương dù xa cũng đến, khiến cụ tự vấn, “cầu sở dĩ có tên “Lai Viễn” phải chăng do ý ấy?”.

Cầu bắc qua dòng khe “tương truyền do người nước Nhật Bản làm”, trên có mái lợp, dưới lát ván, đi lại thản nhiên như trên đất bằng, khách qua cầu thoáng mệt thì dừng nghỉ, hoặc hứng gió mát tựa lan can ngắm cảnh ngâm thơ phú…

Ấy vậy, vẫn có ngày cầu cũng hỏng hóc, mục mối. “Ngày nay, đất nước lặng yên, khách buôn chứa hàng đầy chợ, khách trọ vãng lai đầy đàng, dấu ngựa bụi xe đều không thể không qua cầu ấy.

Song le, có thành tất có hoại, ván cầu lâu ngày mục mối, không kịp sửa chữa, xe đi sẽ đắn đo, chậm trễ. Vì vậy viên chức trong xã phát nguyện quyên góp sản vật, nhặt nhạnh cây gỗ, cùng nhau chung sức làm cầu cho mới lại”, bài ký có đoạn viết.

Chữ “thành” (成) và chữ “hoại” (壞), xét trong quy luật thành - trụ - hoại - diệt mà sự vật phải trải qua, vốn dĩ không mấy xa lạ. Nhưng ngẫm chuyện xưa lẫn nay, ngay đến văn khắc trên bia trùng tu Lai Viễn kiều cũng không nằm ngoài chữ “hoại”, khiến cho kẻ hậu sinh không khỏi bần thần.

*
*          *

Khảo cứu của nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy, tác giả “Quảng Nam và những vấn đề sử học” (NXB Văn hóa thông tin - 2006), cho thấy có 2 bản phiên âm, dịch nghĩa khác nhau về bài ký trùng tu Lai Viễn kiều năm 1817.

Một của nhà giáo Dương Đức Nhự, người đại diện Đại học Huế hướng dẫn phái đoàn giáo sư, sinh viên Đại học Nhật ở Tokyo tham quan Hội An và tiếp cận văn bia từ năm 1959. Một của nhà nghiên cứu Hồ Ngận, người từng lui tới đây quãng sau chiến dịch Mậu Thân 1968.

Dẫn ra 2 mốc thời gian cụ thể vì phải bàn đến một chỗ khác biệt trong văn bia, mà chỗ khác biệt ấy lại liên đới đến… lỗ thủng do đạn bắn trúng. Trên dòng thứ hai của văn bia, nơi lỗ thủng được trám lại bằng xi măng, giới nghiên cứu vẫn tồn nghi: đấy là chữ “tiểu khê” (như cách chép của ông Dương Đức Nhự trước khi bị đạn bắn) hay “nhất khê” (như cách chép của ông Hồ Ngận, sau khi cuộc chiến đã lan vào thị xã)?

*
*         *

Nhưng tôi vẫn nhìn ra, bất kể là “thành” hay “hoại”, vẫn còn đó một hình hài Chùa Cầu được cộng đồng níu giữ.

Chừng 2 năm trước ngày đạn xói một lỗ trên tấm bia, nhà văn Tràng Thiên đã mô tả về Chùa Cầu một cách chân thực qua những dòng tùy bút. Phố hình thành sớm quá, từ thuở chưa kịp dự liệu ngày xe cộ ra đời. Nên phố trở nên cổ lỗ nhất nước, nên đường sá chật chội, nên khách bộ hành phải bước đi ngay giữa lòng đường chung với các loại xe cộ.

Đường chật, phố chật, cầu bắc qua khe Ồ Ồ ở phố Hội cũng chật. “Nói đến cái chật thì một người ngồi trên lề Lai Viễn kiều trông thấy chiếc Land Rover qua cầu đã phải vội vàng co chân lên để tránh bị xe quẹt: lòng cầu vừa đủ cho bề ngang một chiếc xe như thế”, Tràng Thiên viết.

Phải rồi, chúng ta vừa thấy vang lên 2 chữ “đắn đo” trong bài ký của Đốc học Dinh trực lệ Quảng Nam qua bản dịch của nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy. Hơn 200 năm trước, cụ Khê Đình Bá Đinh Tường viết rằng, khi ván cầu lâu ngày mục mối, không kịp sửa chữa thì “xe đi sẽ đắn đo, chậm trễ”. Giờ đây, cũng đắn đo, nhưng là đắn đo về cách thức trùng tu sửa chữa, sao cho cầu vẫn là cầu.

Quả không dễ khi bàn giải pháp trùng tu công trình mang tính biểu tượng của Di sản văn hóa thế giới Hội An. Nhiều năm nay, quá nhiều tranh luận từ các chuyên gia trùng tu. Có nhà nghiên cứu thậm chí gọi Chùa Cầu là “cụ”, cụ Cầu, đâu chỉ vì yếu tố “tuổi tác” của công trình hơn 4 thế kỷ mà còn bởi những giá trị đang chất chứa. Bao nhiêu dấu thời gian in hằn khiến hậu sinh càng không thể tùy tiện…

Thật khác hẳn so với lần trùng tu năm 1817 mà văn bia ghi lại, lúc ấy sao mà đơn giản, chỉ sau lời phát nguyện của viên chức trong xã thì mọi người xúm nhau góp sản vật, nhặt nhạnh cây gỗ, chung sức “làm cầu cho mới lại”…

*
*         *

Giờ thì Chùa Cầu đang trong đợt trùng tu lớn.

Theo cách tính của nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy, Chùa Cầu trùng tu lần đầu tiên vào năm Quý Mùi 1763. Lần thứ hai, năm Đinh Sửu 1817 (và có bài ký trùng tu Lai Viễn kiều). Sau đó thêm vài lần trùng tu nữa, vào các năm 1875, 1917, 1962… Cách tính này có chút khác biệt so với tư liệu của Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam.

Trong công trình “Di sản Hán Nôm Hội An” xuất bản năm 2014, cầu trùng tu lần đầu tiên từ năm 1653, tức sớm hơn cả trăm năm. Theo một nhà nghiên cứu, có thể năm 1653 là thời điểm cư dân Hoa - Việt xây thêm miếu thờ thần Bắc Đế Trấn Võ vào cây cầu của người Nhật. Công trình “Di sản Hán Nôm Hội An” cũng dẫn thêm lần trùng tu trễ hơn, gần đây nhất, năm 1986. Tất nhiên không kể những lần sửa chữa nhỏ.

Dự án tu bổ Chùa Cầu khởi động cuối năm 2022 sẽ lại ghi vào lịch sử di tích đặc biệt này thêm một lần trung tu lớn nữa, dự kiến kéo dài đến cuối năm 2023. Có thể cách thức lưu dấu một biến cố đặc biệt ở Chùa Cầu sẽ không giống tiền nhân, không phải viết bài ký rồi khắc vào bia đá và chạm những dòng chữ lên xà cò (cấu kiện dưới thượng lương) như các lần trùng tu trong quá khứ.

Nhưng chừng đó thôi, qua chuyện thành - hoại từ một cây cầu tưởng chừng vô tri, cũng đủ giúp ta vơi bớt nỗi đắn đo. Bởi hư nát nào mà không thể hồi sinh, nếu người đời luôn dành sẵn một tấm lòng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thành, hoại quanh một cây cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO