Tiếng chiêng Mường ở Trà My

TUẤN TÚ – THÚY VÂN 06/04/2022 16:11

(QNO) - Gần 40 năm vào định cư tại huyện miền núi Bắc Trà My, đến hôm nay, tiếng chiêng của người Mường (Lạc Sơn, Hòa Bình) đã ngân vang giữa đại ngàn “cao sơn ngọc quế”.

Bà Bùi Thị Phú (áo xanh) đang luyện tập đánh chiêng cùng chị em phụ nữ Mường (Trà Giang, Bắc Trà My).
Bà Bùi Thị Phú (áo xanh) đang tập đánh chiêng cùng chị em phụ nữ Mường (Trà Giang, Bắc Trà My).

Để chuẩn bị lễ ra mắt Đội cồng chiêng xã Trà Giang (Bắc Trà My), bà Bùi Thị Phú đã dành rất nhiều thời gian để luyện tập lại cho chị em người Mường đánh các điệu chiêng đón mừng lễ, hội.

Người Mường gọi những chiếc chiêng to, có trọng lượng lớn là “chiêng mẹ” và những chiếc chiêng nhỏ, gọn còn lại là “chiêng con”. Người Mường thường đánh chiêng trong các ngày Tết Độc lập (2.9), Tết Nguyên đán hay các lễ, hội riêng của dân tộc mình.

Tiếng chiêng con được đánh trước, những tiếng chiêng mẹ sẽ cùng hòa tấu theo sau. Các cô gái người Mường cùng nhau múa điệu sênh tiền vui mừng sau mùa thu hoạch.

“Tôi cùng với bà con người Mường ở đây phấn khởi lắm, vào đây mấy chục năm rồi nhưng hôm nay chúng tôi mới được cùng nhau hòa tấu đủ bộ 12 chiếc chiêng như thế này. Hầu hết phụ nữ Mường chúng tôi đều biết đánh chiêng lúc còn nhỏ, mỗi chiếc chiêng có một âm vang khác nhau, đây là thanh nhạc mà bà con chúng tôi rất yêu thích sau những giờ lao động vất vả" - bà Bùi Thị Phú (thôn 3, Trà Giang) phấn khởi nói.

Hiện nay, xã Trà Giang (Bắc Trà My) có 122 hộ đồng bào dân tộc Mường với trên 440 nhân khẩu đang sinh sống, hầu hết đều là bà con người Mường đến từ huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình. Cùng với những nét văn hóa độc đáo khác của người Mường, thì các trò chơi dân gian như ném còn, múa sạp, đánh mảng… vẫn được người Mường tại xã Trà Giang duy trì, tổ chức trong các dịp lễ, tết.

Trò chơi đánh mảng của người Mường không phân biệt tuổi tác.
Trò chơi đánh mảng của người Mường thường không phân biệt tuổi tác.

Trò chơi đánh mảng cần sự khéo léo, nhanh nhẹn của phụ nữ Mường. Rất nhiều phần thi trong trò chơi đánh mảng thể hiện sự kiên trì của người Mường trong việc chinh phục các bước từ dễ đến khó, đồng thời, còn thể hiện sự đoàn kết, tính cộng đồng.

“Để giúp bà con người Mường tại địa phương duy trì, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình, UBND xã Trà Giang đã hỗ trợ 15 triệu đồng, nhân dân tại đây cũng đóng góp hơn 20 triệu đồng để mua đủ bộ chiêng 12 chiếc. Cùng với việc thành lập Đội cồng chiêng của xã, chúng tôi còn có kế hoạch liên tịch về ươm, trồng cây lát hoa để về lâu về dài có nguồn gỗ quý cho bà con người Mường có thể làm nhà sàn theo đúng phong tục, tập quán của bà con” - ông Lê Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Trà Giang (Bắc Trà My) cho biết.

Cùng với đồng bào các dân tộc thiểu số Co, Ca Dong, Xê Đăng... người Mường tại huyện miền núi Bắc Trà My đã cùng nhau gắn bó, chăm làm làm ăn, gìn giữ và phát huy các bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Những tiếng cười vui vẻ của bà con người Mường hòa cùng tiếng chiêng, tiếng đánh mảng tanh tách… là nét đẹp văn hóa khó quên khi một lần được dừng chân nơi đại ngàn, góc núi Trà My.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếng chiêng Mường ở Trà My
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO