Tìm phương án xã hội hóa quản lý, khai thác Khu đền tháp Mỹ Sơn

KHÁNH LINH 23/09/2022 15:52

(QNO) - Chiều qua 22.9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cùng đại diện các sở, ngành liên quan có buổi làm việc với UBND huyện Duy Xuyên về Đề án xã hội hóa công tác quản lý, khai thác Khu đền tháp Mỹ Sơn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân làm việc tại Mỹ Sơn. Ảnh: K.L
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chủ trì buổi làm việc. Ảnh: K.L

Báo cáo về thực trạng và tiến độ xây dựng Đề án bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn theo hình thức xã hội hóa, ông Nguyễn Thế Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, từ khi thành lập (năm 1995) đến nay, Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn đã thực hiện tốt công tác bảo tồn, hợp tác quốc tế đạt nhiều kết quả quan trọng.

Bên cạnh giữ gìn nguyên vẹn các thành phần kiến trúc tại khu B, C, D, thông qua hợp tác 3 bên Italia - UNESCO - Việt Nam đã giúp bảo tồn thành công nhóm tháp G. Hợp tác với Viện Bảo tồn di tích trùng tu hoàn chỉnh tháp E7; phối hợp với chuyên gia Ấn Độ trùng tu các nhóm tháp K, H, A… Từ các dự án trùng tu, nhiều di tích có nguy cơ sụp đổ đã trở nên an toàn, đảm bảo những cam kết với UNESCO về chương trình hành động, biện pháp quản lý đối với di sản thế giới.

Đặc biệt, việc phát huy giá trị di sản đã giúp Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn thực hiện tốt cơ chế tự chủ, tự trang trải, đóng góp kinh phí gìn giữ, gia cố bảo tồn, kể cả góp vốn vào các dự án quốc tế trong công tác trùng tu (tự chủ toàn bộ chi phí quản lý, tiền công, tiền lương của người lao động, không dùng ngân sách nhà nước)…

Khu đền tháo Mỹ Sơn. Ảnh: K.L
Khu đền tháp Mỹ Sơn. Ảnh: K.L

Theo ông Nguyễn Thế Đức, chủ trương xã hội hóa là hợp lý nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản tốt hơn. Tuy nhiên, xã hội hóa ở mức độ nào, vùng nào của di sản… cần phải được nghiên cứu kỹ càng, bởi đây là việc làm chưa có tiền lệ ở Việt Nam.

Để có không gian, phạm vi đầu tư nhằm tiến tới xã hội hóa, mời gọi đầu tư, UBND huyện kiến nghị một số giải pháp như: thu hồi đất, xử lý triệt để các doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư vào Mỹ Sơn nhưng không phát huy hiệu quả để giao cho các nhà đầu tư thực sự có năng lực nhằm phát huy giá trị di sản. Nhanh chóng hoàn thiện Quy hoạch tổng thể Mỹ Sơn giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, tiến hành cắm mốc theo hướng mở rộng không gian di sản ra vùng lân cận, trên cơ sở quy hoạch được duyệt kêu gọi xã hội hóa.

Trước đó, tại Thông báo kết luận số 224 ngày 16.6.2022 của Văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh giao UBND huyện Duy Xuyên hợp đồng với đơn vị tư vấn xây dựng Đề án xã hội hóa công tác quản lý, khai thác Khu đền tháp Mỹ Sơn. UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc xây dựng đề án và tìm đơn vị tư vấn; tuy vậy đến nay vẫn chưa tìm được đơn vị tư vấn do việc xã hội hóa quản lý di sản chưa có tiền lệ.

Đoàn khảo sát du lịch tại hồ Thạch Bàn bên ngoài di tích Mỹ Sơn. Ảnh: K.L
Đoàn công tác của tỉnh khảo sát du lịch tại hồ Thạch Bàn bên ngoài Khu di tích Mỹ Sơn. Ảnh: K.L

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân khẳng định, phải xã hội hóa để có nguồn lực đầu tư tốt hơn trong công tác trùng tu, bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Còn xã hội hóa tới đâu, khu vực nào, không gian, trách nhiệm ra sao… sẽ được làm rõ trong đề án.

Trước mắt, UBND huyện Duy Xuyên tiếp tục hợp đồng với đơn vị tư vấn làm trước đề cương theo hướng vùng nào vùng lõi, vùng đệm, cách phân chia đề án, tổ chức triển khai… Sau khi có đề cương ban đầu sẽ giao trách nhiệm cho các Sở VH-TT&DL, KH-ĐT, Xây dựng, Tài chính và các sở ngành liên quan phối hợp chặt với UBND huyện Duy Xuyên tiếp tục hoàn thiện đề cương, xây dựng đề án.

* Trong khuôn khổ cuộc làm việc, đoàn công tác của tỉnh đã khảo sát du lịch tại hồ Thạch Bàn (xã Duy Phú, Duy Xuyên). Đây là hồ nước khá rộng nằm phía tây Khu di tích Mỹ Sơn do người Pháp xây dựng khoảng năm 1936 - 1939. Trải qua thời gian và chiến tranh, hồ xuống cấp hư hại nhiều.

[VIDEO] - Đoàn công tác khảo sát du lịch tại hồ Thạch Bàn:

Năm 1984, hồ Thạch Bàn được nâng cấp mở rộng diện tích lên khoảng 2,5km2, dung lượng nước khoảng 10 triệu mét khối phục vụ nước tưới cho 3 xã vùng Tây Duy Xuyên là Duy Tân, Duy Phú, Duy Thu. Mặc dù có tiềm năng lớn và gần kề Khu đền tháp Mỹ Sơn nhưng nhiều năm qua việc kêu gọi đầu tư khai thác du lịch nơi đây không hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm phương án xã hội hóa quản lý, khai thác Khu đền tháp Mỹ Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO