Trầm tích di sản Thu Bồn

TÔN THẤT HƯỚNG 15/01/2023 05:57

Tài nguyên di sản khảo cổ học Sa Huỳnh ở lưu vực sông Thu Bồn, Duy Xuyên rất đa dạng và giàu có, cần có bước đột phá trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa - du lịch - nghiên cứu khảo cổ phù hợp với xu thế hiện nay.

Một góc sông Thu Bồn. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG
Một góc sông Thu Bồn. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

Được mệnh danh là dòng sông mẹ xứ Quảng, sông Thu Bồn qua biến thiên của lịch sử đã ẩn chứa nhiều câu chuyện ký ức về dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh, có niên đại từ 2.400 năm đến thế kỷ 1 trước Công nguyên, điển hình là cụm gò Mả Vôi - gò Miếu Ông, gò Dừa.

Đặc biệt là những khu mộ địa giàu có của cư dân thu gom sản vật núi rừng Quế Lộc, Đại Lãnh, Bình An, gò Đình… hay khu mộ địa của thương nhân Lai Nghi, Hậu Xá ở vùng cửa sông Bắc Quảng Nam.

Từ dấu xưa cội nguồn

Tháng 10/1998, các nhà khảo cổ bắt đầu khai quật di tích khu mộ chum ở gò Mả Vôi, thôn Mậu Hòa (xã Duy Trung, Duy Xuyên); 5 tháng sau, khai quật lần thứ 2 vào tháng 3/1999 và đến tháng 3/2000, cuộc khai quật lần thứ 3 được thực hiện. Qua ba lần khai quật, các nhà khảo cổ đã thu được nhiều di vật có giá trị: hơn 200 hiện vật gốm còn nguyên và hiện vật được phục chế.

Nhiều loại hình hiện vật cũng được phát hiện như: có 5 kiểu quan tài gốm khác nhau, từ quan tài hình trái xoan, hình trái đào, hình ống, hình cầu, quan tài kiểu nồi lớn. Tại gò Mả Vôi còn phát hiện nhiều nồi gốm có hoa văn độc đáo, bình có chân đế, mâm bồng, đĩa lòng sâu, dọi xe sợi...

Điều lý thú là qua 3 cuộc khai quật các nhà khảo cổ đã tìm thấy 22 hiện vật bằng sắt; 21 chiếc rìu đồng; 2 khuyên tai hình con đỉa bằng đất nung, 3 khuyên tai ba mấu bằng đá, 1 khuyên tai ba mấu bằng thủy tinh, 1 vòng thủy tinh, các loại hạt chuỗi bằng mã não, 1 hạt chuỗi bằng vàng.

Các nhà khảo cổ cho rằng khu mộ chum gò Mả Vôi có những nét riêng biệt trong hệ thống văn hóa Sa Huỳnh ở Quảng Nam. Kiểu quan tài gồm hình trái xoan và hình trái đào lần đầu tiên được tìm thấy ở đây, cho đến nay, ngoài khu gò Mả Vôi, chưa ở đâu có loại hình này.

Cùng với đó, công cụ và vũ khí bằng đồng thau như rìu xòe cân, rìu hình thang, rìu lưỡi xéo, mũi giáo hình lá mía, hình búp đa... là những hiện vật mang đặc trưng của đồ đồng Đông Sơn; tuy vậy cũng có hiện vật rất hiếm như mũi lao hoa văn xương cá.

Lần đầu tiên tại Quảng Nam, các nhà khảo cổ đã tìm thấy loại hạt chuỗi bằng vàng hình chiếc trống cơm. Theo nhà khảo cổ học người Đức Andreas Reinecke, các di vật bằng vàng tìm thấy ở Việt Nam trước đây chưa có loại này.

Ở xã Duy Tân (Duy Xuyên), năm 1999, các nhà khảo cổ tiếp tục công việc khai quật di tích gò Dừa, thôn Thu Bồn. Tuy diện tích khai quật rất khiêm tốn, chỉ có 16m2, nhưng phát hiện 6 mộ chum, trong đó có 5 mộ chum kép và 25 hiện vật gốm.

Có 6 chum hình ống miệng thẳng; 4 chum hình ống miệng loe bằng đất sét pha cát hạt thô và bã thực vật hoặc vỏ các loài sò, ốc. Hoa văn trang trí trên đồ gốm gò Dừa chủ yếu là văn thừng và văn khắc vạch, có loại được tô chì.

Đợt khai quật này đã phát hiện công cụ và vũ khí bằng sắt gồm thuổng, lưỡi rìu, dao, lưỡi hái và một số đĩa đồng. Đặc biệt có một gương đồng còn nguyên vẹn, toàn thân phủ lớp patin mỏng; mặt lưng trang trí nhiều vành tròn đồng tâm; ở vành thứ 3 có hình hai con hổ và hai con long mã xen kẽ nhau và đối xứng qua tâm, những con thú được phân cách bởi 4 núm tròn nhỏ. So sánh với các gương đồng thời Hán, các nhà khảo cổ cho rằng gương đồng gò Dừa có niên đại khoảng cuối thế kỷ 1 trước Công nguyên.

Đến những giá trị văn hóa

Giá trị lịch sử nổi bật của di sản khảo cổ học ở sông Thu Bồn là quá trình liên tục kế thừa và phát triển văn hóa từ cách đây 3.000 năm. Trong tất cả con sông ở miền Trung Việt Nam, lưu vực sông Thu Bồn ở Duy Xuyên là nơi tìm thấy đầy đủ loại hình di tích và di vật khảo cổ học Sa Huỳnh - Chămpa.

Di tích gò Mả Vôi và gò Dừa mang những đặc trưng riêng trong văn hóa Sa Huỳnh, tuy nhiên nếu đặt trong hệ thống các di tích Sa Huỳnh ở lưu vực sông Thu Bồn, có thể thấy các di tích Sa Huỳnh ở Duy Xuyên là những mắt xích quan trọng trong chuỗi di tích mộ chum phân bố suốt từ Quế Lâm, Quế Phước đến Lai Nghi và cuối cùng là Hậu Xá.

Lưu vực sông Thu Bồn, Duy Xuyên phong phú tài nguyên di sản khảo cổ học Sa Huỳnh. Trong ảnh: Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh - Chămpa Duy Xuyên. Ảnh: internet
Lưu vực sông Thu Bồn, Duy Xuyên phong phú tài nguyên di sản khảo cổ học Sa Huỳnh. Trong ảnh: Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh - Chămpa Duy Xuyên. Ảnh: internet

Nhà khảo cổ học, GS.TS Lâm Thị Mỹ Dung - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết: “Lưu vực sông Thu Bồn ở Duy Xuyên là nơi duy nhất ở Việt Nam có nhiều mộ chum chôn theo đồ trang sức bằng vàng và minh chứng rằng người cổ Sa Huỳnh đã mở rộng giao lưu không chỉ với các cư dân cổ vùng Nam Á, Nam Đảo mà còn đến với cư dân phương Bắc.

Sự xuất hiện một khối lượng lớn các công cụ và vũ khí bằng sắt, đồ đồng thau, đồ trang sức bằng vàng, hạt chuỗi thủy tinh, cho biết xã hội Sa Huỳnh ở lưu vực sông Thu Bồn đã khá phát triển, nền sản xuất nông nghiệp trồng lúa cùng với khai thác các sản vật tự nhiên phong phú đã thúc đẩy nhu cầu trao đổi giao thương với các cư dân cổ đại vùng Đông Á”.

“Di sản khảo cổ học ở Duy Xuyên cho thấy khả năng thích ứng bằng những phương thức/mô hình mưu sinh đa dạng với điều kiện tự nhiên và môi trường sinh thái, cư dân Sa Huỳnh ở đây đã mở rộng mạng lưới quan hệ trao đổi nội vùng, liên vùng và quốc tế, gia tăng mức độ ứng dụng và sản xuất công cụ, vũ khí kim loại và phát triển nông nghiệp trồng lúa nước.

Ở đây, không gian xã hội và sự phát triển đa dạng cũng như cách thức hội nhập của cư dân cổ được kế thừa và phát huy ở giai đoạn sau. Các lãnh địa thời Sa Huỳnh này là nền tảng để hình thành tiểu quốc Lâm Ấp, liên bang giữa các tiểu quốc/mandala Chămpa” - nhận xét của TS.Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trầm tích di sản Thu Bồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO