Trăng sáng vườn chè

NGUYỄN ĐIỆN NAM 10/03/2023 13:17

(VHQN) - Cây chè xứ Quảng hẳn không dày lịch sử như các vùng chè/trà xứ Bắc, nơi nổi tiếng với trà Thái, chè Tuyên, trà shan tuyết, Ô Long, Tân Cương,… mà có gốc cây chè cổ thụ đã trụ nửa thiên niên kỷ. Nhưng cũng đã mấy trăm năm, ký ức vùng đất này hiện diện cây chè và văn hóa uống chè, thấm đẫm trong nhiều câu ca và huyền sử mang tình tự quê hương.

 

Tập san Kinh tế Đông Dương (Bulletin Économique de l’Indochine), từng đưa ra thống kê trên đất Quảng Nam năm 1913 hiện diện 10 đồn điền của người Pháp, tổng diện tích 3.403ha,  trồng chè, lúa, tiêu... Trong đó, Công ty Chè Lombard et Cie chiếm 500ha ở vùng Tùng Sơn, An Ngãi (Hòa Vang),  đồn điền chè Dela Geau chiếm 420ha ở Đức Phú (Tam Kỳ).

Suy luận thông thường, để có những đồn điền, sở rẫy trồng chè tập trung cho sản lượng hàng hóa lớn, thì trước đó cây chè đã thích nghi với vùng đất. Rất tiếc chưa tìm thấy tài liệu nào cho biết rõ thời điểm cây chè có mặt ở xứ Quảng. Vậy nên nay phải đi vòng qua các chỉ dấu văn hóa để tìm hiểu chuyện liên quan cây chè/trà.

Một đoạn dã sử

Đêm thao thức. Đã khuya mà chàng trai Huỳnh Hanh không sao chợp mắt. Bởi ngày mai chàng sẽ lên đường ra kinh ứng thí kỳ thi hương sau bao đêm miệt mài sử sách.

Chàng bước ra vườn, nơi đã gắn bó với mình từ buổi ấu thơ. Ô kìa, trăng cũng không ngủ, sáng giăng giăng cả vườn chè! Những cây chè càng xanh hơn dưới ánh trăng ngời. Những cây chè như muốn níu lấy tay chàng trai mà kể chuyện quê xứ con người...

 

Phải rồi, tri kỷ, tri âm với con người trong đêm trăng này là cây cỏ. Vườn chè là cả công sức gầy dựng từ ông nội đến cha anh. Lạ là những cây chè già, gân guốc mà vẫn bám vào lòng đất trung du xứ Tiên, chịu đựng mưa gió triền miên để chắt chiu từng nụ lộc.

Nhờ lá chè cho hoa lợi mà cả gia đình trụ được qua những ngày gian khó, sa sút. Nhờ cây chè nuôi nguồn sống để Huỳnh Hanh này còn cơ hội theo nghiệp đèn sách. Chàng trai bỗng sáng lên hai chữ Mính Viên. Hay quá, ý nghĩa quá, bút hiệu Mính Viên - vườn chè sẽ ghi lòng tạc dạ  cho ta luôn nhớ công cha áo mẹ cơm thầy, giữ mãi kỷ niệm một ngôi vườn đong đầy một loài cây ơn nghĩa.

Năm đó, 1900, người mang tên “vườn chè” từ Tiên Phước ra kinh đô Huế, quyết mang hết sở học để làm thỏa lòng mong ước của quê hương, trả ơn sinh thành dưỡng dục bằng một giải nguyên. Người ấy chính là Huỳnh Thúc Kháng (sinh năm 1876), sau đó tiếp tục đỗ tiến sĩ, rồi trở thành một bậc thức giả “học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao”.

Cụ Huỳnh đã mang tâm tưởng từ ánh trăng sáng trên vườn chè năm xưa lan tỏa khắp mọi miền, cùng những người đồng chí dấy lên phong trào giúp nước xây đời với “cờ thực nghiệp trống Duy tân”, “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.

Và tình tự từ bát nước chè

Thử dựng một đoạn dã sử để kể tâm tưởng con người vậy thôi, nhưng lịch sử thực sự có đôi dòng tự thuật của cụ Huỳnh Thúc Kháng về bút hiệu Mính Viên, nghĩa là vườn chè để nhớ kỷ niệm về cha ông mình.

Trong đời hoạt động, ông đã cùng Phan Châu Trinh và các nhà Duy tân như Trần Quý Cáp, Phan Thúc Duyện, Hồ Thanh Vân, Lê Bá Trinh, Nguyễn Toản, Lê Cơ… chủ trương tìm những “nhàn điền” để vận động dân trồng cây, lập vườn quế, tiêu, chè, cau… để xuất khẩu. “Sở rẫy Cờ Vĩ ở Tí, Sé, Dùi Chiêng (Quế Sơn), và nông hội Yến Nê (Hòa Vang) là những cơ sở thực nghiệm của các nhà Duy tân” (Địa chí Quảng Nam - tr.581).

Còn trong lòng văn học dân gian, cây chè đã bám rễ trên những ngả đường tình tự. Thử nghe vài đoạn dân Quảng hát hò khoan mà hiểu về địa danh trồng chè đã có tiếng từ lâu:

Bạc vàng ở tại Bồng Miêu
Phò Nam, Phú Thượng biết bao nhiêu chè…

Không chỉ giới thiệu đặc sản mà còn tự hào:  

Nhất ngon nước giếng trưa hè
Nhất thơm là bát nước chè Phò Nam

Mà đã tới mực “nhất” rồi thì rủ rê người mình mê về quê vậy:

Hỡi cô tha thướt bên gành
Có về Phú Thượng với anh thì về
Phú Thượng có ruộng tứ bề
Có ao thả cá, có nghề chè hương  

Thực tế từ Phò Nam, Phú Thượng ở vùng tây bắc xứ Quảng, đi dần vào phía nam từng có nhiều nơi trồng chè như Quế Sơn, Tiên Phước, Đức Phú (nay thuộc Núi Thành)...

Vùng Tam Kỳ xưa có vạn Bàn Thạch từng có người Hoa đến mở cửa hiệu kinh doanh tạp hóa thuốc bắc và thu mua hàng nông lâm thổ sản từ phía nam đưa ra và từ ngõ nguồn phía tây đưa xuống (như quế, tiêu, chè, trầm hương...) rồi chuyển về thương cảng Hội An.

Hồi mới tái lập tỉnh, Tam Kỳ còn nhiều vườn trồng nhài ướp trà; những cơ sở chế biến danh trà Mai Hạc, Kim Sơn vẫn hoạt động. Từ Tam Kỳ đổ ra theo sông Trường Giang, những hàng hóa trong đó có chè/trà, đã đi qua các bến đò trước khi đến Hội An. Như đến vùng Chợ Được thì bát chè xanh “kết duyên” với khoai lang Trà Đõa, để lại câu ca: “Ai về Trà Đõa thì về/Khoai lang ngọt nước chè xanh nặng tình”.

Thiệt là nặng tình lắm, gắn bó với những vườn chè, cơ sở làm trà, người Quảng yêu và nhớ nhung bao điều, để rồi lưu mãi câu hò nhân ngãi thắm thiết trong những đêm trăng sáng:

Mãn mùa chè nệm cuốn màn treo
Thiếp ra về bỏ bạn cheo leo một mình
Bạn ơi bạn chớ buồn tình
Mùa ni không gặp, chớ niệm tình mùa sau
Trăm lạy ông trời mưa xuống cho mau
Cho chè kia ra lộc, trước với sau thiếp cũng gặp chàng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trăng sáng vườn chè
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO