Về nơi thanh tịnh

CHÂU NỮ 14/03/2023 06:50

(VHQN) - Đầu xuân xuất hành về nơi thanh tịnh những mong nương tựa tâm linh là nếp sinh hoạt của hầu hết gia đình ở làng Phú Trang (xã Quế Xuân 1 và Quế Xuân 2, Quế Sơn) đã gìn giữ lâu nay.

Cho chữ thư pháp ở chùa đầu năm.
Cho chữ thư pháp ở chùa đầu năm.

Cách đây chừng hai mươi năm, ngày tôi mới về làm dâu ở Quế Sơn, sáng sớm mùng Một Tết Nguyên đán, sau khi cúng ông bà, tôi theo mẹ cùng gia đình chồng lên chùa Phú Trang.

Ngôi chùa làng Phú Trang lúc đó đơn sơ mà ấm áp, gần gũi mà trang nghiêm, chính điện hướng ra cánh đồng lúa, xa hơn chút nữa là con hói nhỏ quanh co. Đến chùa, tôi gặp rất nhiều người bà con trong làng xóm, tộc họ của gia đình chồng.

Đi chùa đầu xuân là nét văn hóa tâm linh, là tục lệ dân gian của người dân làng Phú Trang. Người làng viếng chùa, lễ Phật, nghe tụng kinh để hun đúc tâm đạo, vừa thăm hỏi, chúc tết, mừng tuổi nhau… Cùng gia đình tới ngôi chùa làng, gặp những người thân quen, tôi có cảm giác mình đến với miền yêu thương, bước chân như an lạc hơn, tâm tĩnh tại hơn.

Mẹ chồng tôi bây giờ chân không còn đủ khỏe, lại nhớ nhớ quên quên, nhưng sáng Nguyên đán, không quên nhắc con cháu đi chùa. Hai chục năm qua, tôi vẫn giữ nếp đầu năm xuất hành về miền ấm áp ấy, để tìm chút tĩnh lặng giữa dập dìu phố thị.

Mùng Một tết năm nay đến chùa Phú Trang cùng gia đình, đốt nhang trong bảng lảng trầm hương, anh Phan Ngân ở xã Quế Xuân 2 nói, mỗi lần đến chùa, kính cẩn bái lễ, anh luôn cảm thấy tâm tịnh và chỉ cầu bình an cho mọi nhà, mọi người…

Đi chùa đầu xuân. Ảnh: V.H
Đi chùa đầu xuân. Ảnh: V.H

Chùa Phú Trang đông người làng viếng hương ngày xuân, song không rộn ràng mà gần như tách biệt với bước chân bao người du xuân ồn ào và xe cộ náo nhiệt chạy dọc quốc lộ 1. Tiếng chuông chùa vang vọng giữa thinh không trong hơi xuân se lạnh, loang ra giữa mênh mang cánh đồng lúa tơ non phía trước.

Tiếng tụng kinh đem lại trong tôi, và chắc hẳn là cho bao người khác nữa, sự tĩnh lặng và an lạc trong tâm. Chùa lập trước năm 1975 nhưng không có sư trụ trì, sư cô Thích Nữ Huệ Vân quản chùa, mãi đến năm 2015 mới có Đại đức Thích Chúc Lưu trụ trì.

Sư cô Huệ Vân thường trồng hoa vạn thọ vào dịp tết và nhiều loại hoa khác - tùy mùa, trong khuôn viên chùa, làm cho ngôi chùa trở nên đẹp một cách mộc mạc, dân dã và gần gũi. Mọi người viếng chùa, được sư cô ban “lộc Phật” đầu năm, là những miếng bánh truyền thống: bánh lăn, bánh nổ, bánh tổ, bánh tét…

Sau này chùa Phú Trang được trùng tu, khang trang hơn và vẫn luôn là chốn bình yên cho tất thảy. Khác với xưa, chùa ngày nay nói chung không chỉ là nơi để Phật tử lễ bái, mà còn là điểm du xuân.

Ngoài nơi lạy Phật tôn nghiêm, các chùa đều thiết trí những góc rực rỡ để du khách lưu lại khoảnh khắc đẹp. Nhưng lạ, trong tôi vẫn mãi lưu giữ hình ảnh chị chồng tôi và người làng đội thúng gạo nếp cúng dường tam bảo; rồi hình ảnh sư cô chùa làng tỉ mẩn chăm từng cây hoa, làm bánh, làm dưa món trong những ngày giáp tết, hay người làng Phú Trang cùng sư cô làm mâm cơm chay cúng Phật trong buổi sáng nguyên xuân…

Gia đình tôi ở Tam Kỳ về và nhiều khách phương xa vẫn mặc đồ tết khi đến chùa, còn các anh chị tôi, người làng tôi, dù có phải Phật tử hay không, hầu hết mặc áo lam.

Sau này, những khi không kịp về quê đi chùa làng Phú Trang cùng gia đình sáng sớm mùng Một tết, ở Tam Kỳ, tôi vẫn giữ thói quen đi chùa, là chùa Linh Bửu ở xã Tam Thăng. Linh Bửu trong tôi là ngôi chùa làng gần gũi ấm áp. Nhiều người già, người trẻ trong các xóm làng ở Tam Thăng và người phương xa dạo chốn thiền môn ngày xuân, viếng hương, xin chữ, hái lộc…

Đại đức Thích Viên Hải – trụ trì chùa Linh Bửu cùng Phật tử luôn chu đáo thiết trí tiểu cảnh, chuẩn bị lộc đầu xuân, giấy bút để khách ghi ước nguyện ngày xuân, năm nay có cả triển lãm thư pháp và cho chữ thư pháp.

Trong rất nhiều ước nguyện treo trên cây lộc ở chùa Linh Bửu năm nay, tôi đọc được gửi gắm ước vọng của những người trẻ tuổi về một công việc ổn định, bình an, hạnh phúc cho gia đình, cho người thân, cho đất nước…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Về nơi thanh tịnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO