Xã Duy Sơn đón bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh lăng mộ ông Mạc Cảnh Huống

MAI LINH - PHI THÀNH 13/03/2022 06:58

(QNO) - Ngày 12.3, UBND xã Duy Sơn (Duy Xuyên) tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh lăng mộ ông Mạc Cảnh Huống.

Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: T.L
Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: T.L

Theo ông Ngô Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Sơn, ông Mạc Cảnh Huống sinh năm 1542 và mất năm 1677, là con út của Thái tông Mạc Đăng Doanh và thứ phi Đậu Thị Giang.

Ông Tào Viết Hải - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL trao bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh lăng mộ ông Mạc Cảnh Huống cho lãnh đạo xã Duy Sơn. Ảnh: T.L
Ông Tào Viết Hải - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL trao bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh lăng mộ ông Mạc Cảnh Huống cho lãnh đạo xã Duy Sơn. Ảnh: T.L

Quê gốc của dòng họ Mạc ở làng Cổ Trai, huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn, trấn Hải Dương, nay thuộc xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP.Hải Phòng. Nhà họ Mạc, sau này đổi thành họ Nguyễn Trường có con cháu sống tại thôn Trà Châu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên.

Lãnh đạo huyện Duy Xuyên dâng hương tại khu lăng mộ ông Mạc Cảnh Huống. Ảnh: T.L
Lãnh đạo huyện Duy Xuyên dâng hương tại khu lăng mộ ông Mạc Cảnh Huống. Ảnh: T.L

Năm 1564, Mạc Cảnh Huống lập gia đình với bà Nguyễn Thị Ngọc Dương - em ruột của phu nhân Đoan quốc công Nguyễn Hoàng. Sau khi Nguyễn Hoàng trở lại Thuận Hóa lần thứ 2 vào năm 1600, Mạc Cảnh Huống quyết định theo phò chúa Tiên.

Từ năm 1600 - 1638, Mạc Cảnh Huống là người có quyền chỉ huy tối cao của quân đội Đàng Trong từ thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đến chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan. Ông có công rất lớn trong việc đối phó với nhà Trịnh ở phía Bắc và bình Chiêm ở phía Nam.

Mộ ông Mạc Cảnh Huống (thôn Trà Châu, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên). Ảnh: T.L
Mộ ông Mạc Cảnh Huống (thôn Trà Châu, xã Duy Sơn, Duy Xuyên). Ảnh: T.L

Năm 1621, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, bộ tộc Man ở Ai Lao thường xuyên tổ chức cướp bóc, quấy rối tại khu vực biên giới phía tây, Mạc Cảnh Huống đã có những chính sách hòa bình để bình định, yên dân.

Sau đó, ông còn góp phần vào chiến thắng quân Trịnh lần thứ nhất, do danh tướng Nguyễn Khải và Nguyễn Danh Thế chỉ huy 5.000 quân đánh vào Đàng Trong (năm 1627). Lần thứ hai, đội quân do ông chỉ huy ngăn chặn được sự tấn công của quân Trịnh vào năm 1633.

{CLIP} - Xã Duy Sơn đón bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh lăng mộ ông Mạc Cảnh Huống:

Dưới thời các chúa Nguyễn, quân đội Đàng Trong khá lớn mạnh. Và Mạc Cảnh Huống với tư cách tổng chỉ huy lực lượng quân đội lúc bấy giờ cũng góp công lớn vào sự hùng mạnh của quân đội. Ông được nhà Nguyễn ban sắc phong “Khai quốc công thần”.

Tại buổi lễ, ông Tào Viết Hải - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL trao bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh lăng mộ ông Mạc Cảnh Huống cho đại diện lãnh đạo UBND xã Duy Sơn.

Con cháu tộc Nguyễn Trường rước bằng Di tích lịch sử cấp tỉnh về nhà thờ tộc. Ảnh: T.L
Con cháu tộc Nguyễn Trường rước bằng Di tích lịch sử cấp tỉnh về nhà thờ tộc. Ảnh: T.L

Ngay sau buổi lễ, con cháu tộc Nguyễn Trường tổ chức rước bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh lăng mộ ông Mạc Cảnh Huống về đặt tại nhà thờ tộc (thôn Trà Châu, xã Duy Sơn).

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xã Duy Sơn đón bằng xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh lăng mộ ông Mạc Cảnh Huống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO