Xã hội hóa đầu tư, khai thác di sản

TRỊNH DŨNG 29/06/2022 05:34

Sau kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Quảng Nam đang tập trung xây dựng cơ chế, chính sách bảo tồn, phát huy giá trị di sản, nhất là xã hội hóa quản lý, khai thác di sản Mỹ Sơn và thành lập quỹ bảo tồn trùng tu di sản.

Xây dựng cơ chế, chính sách bảo tồn và phát triển di sản được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quảng Nam. Ảnh: T.DŨNG
Xây dựng cơ chế, chính sách bảo tồn và phát triển di sản được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quảng Nam. Ảnh: T.DŨNG

Áp lực bảo tồn di sản

Hội An phát triển rất nhanh, mật độ bán buôn dày đặc. Mỗi ngôi nhà mặt tiền ở phố cổ là một cửa hàng, cửa hiệu. Theo nhận định của chính quyền địa phương, lượng khách đến hàng năm vẫn chưa đạt đến mức để gây ra sự đảo lộn hoặc đẩy áp lực lên di sản, hủy hoại tài nguyên, biến dạng các giá trị văn hóa, song nỗi lo đánh mất vị thế địa phương trên bản đồ du lịch Việt Nam hiện hữu khi khó giải bài toán phát triển và bảo tồn vì thiếu nguồn lực. Việc mở rộng không gian du lịch cho phố cổ đã được tính đến.

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An nói năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cơ chế bảo tồn, phát huy di sản Hội An, nhưng đến nay chỉ hỗ trợ 1 dự án về phòng cháy, chữa cháy ở khu vực phố cổ (khoảng 200 tỷ đồng). Số còn lại chưa được bố trí vốn để đầu tư.

Tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân tăng 30% mỗi năm là con số ấn tượng đối với khu đền tháp Mỹ Sơn, nhưng sản phẩm du lịch ở đây vẫn nghèo nàn. Đêm 16 tháng 5 âm lịch, “Đêm Mỹ Sơn huyền ảo” đầu tiên được mở (dự kiến sẽ diễn ra hàng tháng vào đêm 16 âm lịch), nhưng hơn 20 năm qua, Mỹ Sơn không có gì lạ.

Vẫn là chuyện bán vé thu tiền. Nhiều dự án đầu tư cũ dự kiến cả nghìn tỷ đồng ở khu vực ngoại vi tháp cổ chỉ nằm trong dự định và chuyện bảo tồn di sản chủ yếu nhờ vào sự hỗ trợ của quốc tế.

 

Rất cần những cơ chế, chính sách hợp lý để vừa phát triển kinh tế và bảo tồn, gìn giữ cho đền tháp và phố cổ kéo dài thêm tuổi thọ. Đặc biệt là nhanh chóng thành lập quỹ bảo tồn di sản cho 2 di sản của Quảng Nam (đã được Chính phủ chấp thuận).

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói đây là cơ hội cho địa phương chủ động hoàn thiện cơ chế, chính sách phát huy và bảo tồn 2 di sản. Cần tạo cơ chế phù hợp để di sản phát triển, không chỉ là nguồn thu để lại mà xây dựng đề án mở rộng bảo tồn, xã hội hóa đầu tư khai thác di sản một cách bền vững.

Sẽ xã hội hóa đối với di tích Mỹ Sơn

Kế hoạch xã hội hóa quản lý, khai thác Hội An không thể thực hiện được. Theo ông Nguyễn Văn Sơn, chỉ nên tập trung vào cơ chế đặc thù liên quan đến đất đai, con người chuyên môn quản lý di sản, còn xã hội hóa sẽ rất khó vì khu vực phố cổ có đến 3.000 dân.

Không một doanh nghiệp nào có đủ lực để quản lý, kiểm soát chuyện bán vé tham quan. Chính quyền thành phố đã tung hết lực lượng nhưng không thể kiểm soát hết được.

Xã hội hóa quản lý, khai thác Mỹ Sơn có vẻ dễ dàng hơn. Ông Phan Xuân Cảnh – Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên nói những quy định trước đây (còn hiệu lực) đã cản trở địa phương lên kế hoạch phát triển.

Cần cho chủ trương, quy hoạch sớm thì mới có thể thu hút nhà đầu tư. Nếu không gỡ được khó khăn của các quy định cũ thì dù có xây dựng đề án cũng không thể làm được gì. Địa phương đang nghiên cứu kỹ việc phân vùng (đệm hay lõi) để báo cáo.

 

UBND tỉnh đã quyết định thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để quản lý, khai thác, bảo tồn, phát huy giá trị di tích Mỹ Sơn, bao gồm xác định rõ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư, phân định quyền sở hữu các khu tháp thuộc về Nhà nước, quyền, mức độ tư nhân được quản lý, khai thác di tích, công tác giám sát của cơ quan nhà nước, tỷ lệ phân chia nguồn thu để phục vụ quản lý, khai thác và trùng tu, tôn tạo di tích...

Một trong những động thái quan trọng được nêu trong thông báo kết luận về tiến độ thực thi kết luận của Thủ tướng Chính phủ ngày 16.6.2022 của UBND tỉnh là sẽ có một đoàn nghiên cứu, tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình xã hội hóa các di sản văn hóa thế giới tại Campuchia ngay trong năm 2022.

UBND huyện Duy Xuyên hợp đồng với đơn vị tư vấn để xây dựng đề án xã hội hóa công tác quản lý khai thác khu đền tháp Mỹ Sơn. Nghiên cứu đề xuất cơ chế xã hội hóa quản lý khu đền tháp Mỹ Sơn (vùng lõi và vùng đệm).

Hội An sẽ hợp đồng với đơn vị tư vấn để xây dựng đề án phát triển bền vững đô thị cổ Hội An, đánh giá toàn diện nguy cơ, thách thức với khu phố cổ và vùng phụ cận có liên quan trực tiếp.

Sau cuộc đánh giá này nghiên cứu đề xuất cơ chế giải quyết trong giai đoạn từ nay đến 2025 và định hướng đến 2030, đề xuất các cơ chế, chính sách để hiện thực hóa mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch như đã từng đề cập.

Một tổ soạn thảo đề án quỹ bảo tồn di sản Quảng Nam tập trung nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách liên quan đến huy động, quản lý các nguồn kinh phí phục vụ công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, di tích.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, ngày 25 hàng tháng, các địa phương, sở, ngành liên quan báo cáo kết quả tiến độ triển khai thực hiện cho UBND tỉnh. Đề án sẽ phải hoàn thành trong tháng 8.2022 để gửi các bộ, ngành góp ý trước khi báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10.2022.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xã hội hóa đầu tư, khai thác di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO