Xa xưa về trong tích trà

XUÂN HIỀN 16/03/2023 08:16

(VHQN) - Nhẩn nha sau câu chuyện về những bộ đồ trà của các nhà sưu tập, là tấc lòng muốn giữ lấy vốn liếng quý báu mà người xưa đã dày công vun đắp...

Những bộ đồ trà thuộc dòng gốm ký kiểu thế kỷ 18, 19. Ảnh: X.H
Những bộ đồ trà thuộc dòng gốm ký kiểu thế kỷ 18, 19. Ảnh: X.H

Đồ trà - tinh hoa gốm cổ

Như một duyên lành, ngày đầu năm, những người trẻ mê gốm được tri ngộ vài “cao nhân” của giới cổ ngoạn. Cuộc chuyện như thâu tóm cả trăm năm về lại, bởi những điển tích ẩn trong lớp lớp hoa văn, kiểu dáng mà người sưu tầm bền bỉ gom nhặt.

Ở CLB Nghiên cứu, sưu tầm cổ vật UNESCO Quảng Nam mà ông Phạm Văn Phát đang làm chủ nhiệm, hình như lúc nào cũng rộng cửa cho người đến chiêm ngưỡng gốm cổ và thưởng trà. Với giới sưu tầm đồ cổ, có trong tay một bộ đồ trà đầy đủ các món, là đã nắm giữ gần như một bộ đồ cổ thượng đẳng trong bộ sưu tập.

Bày biện gần chục chén trà ở các thời kỳ khác nhau, chưa kể vài bộ đồ trà có đủ đầy các món của một cuộc thưởng trà, hai thành viên của CLB Nghiên cứu, sưu tầm cổ vật UNESCO Quảng Nam là Phạm Văn Phát và Phước Sang, cứ vậy mà say sưa nói về các họa pháp, điển tích hay cả những dòng gốm của mỗi thời đoạn.

“Văn hóa thưởng trà tinh tế gắn liền với đời sống của người Việt từ xa xưa. Trà và cách thưởng trà của người Việt cũng rất riêng, giản dị mà vẫn vô cùng thanh cao. Đặc biệt kỹ thuật làm đồ trà của các cụ xưa, từ cách chọn vật liệu, cao lanh, men chàm, cả họa pháp trên đồ trà phải chọn lọc rất kỹ và được các nghệ nhân tài hoa làm nên. Kỹ thuật vẽ và viết thơ lên đồ trà vẫn là những tác phẩm nghệ thuật thuộc dạng trân phẩm nhất và được giới sưu tầm cổ vật đam mê nhất trong các loại vật dụng, cổ vật xưa” - ông Phạm Văn Phát nói.

Ông Phạm Văn Phát và Phước Sang là 2 thành viên đang có nhiều đồ cổ liên quan đến văn hóa trà tại Quảng Nam. Ảnh: X.H
Ông Phạm Văn Phát và Phước Sang là 2 thành viên đang có nhiều đồ cổ liên quan đến văn hóa trà tại Quảng Nam. Ảnh: X.H

 Các bộ trà cùng giá trị thẩm mỹ được người Việt tuyển chọn, trau chuốt qua nhiều đời, nhiều thế hệ. Ông Phát nói, từ đời nhà Lý - Trần - Lê, đồ sứ ngự chế đã đến mức hoàn hảo, nhưng bộ trà thuộc dạng trân phẩm thì phát triển rực rỡ dưới thời Lê - Trịnh (tiêu biểu nhất là những bộ trà của chúa Trịnh Sâm) và tiếp diễn đến thời nhà Nguyễn. Các bộ trà bao gồm độc ẩm, nhị ẩm, quần ẩm (3 chén hoặc 4 chén) chứ ít ai gọi tam ẩm hoặc tứ ẩm. Đồ trà hiện được nhiều nhà sưu tập cổ vật lưu giữ nhất chủ yếu vẫn là đồ sứ ký kiểu.

Thuật ngữ “đồ sứ ký kiểu” được nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn dùng để chỉ cho nhóm đồ sứ trước kia có người gọi là “bleus de Huế” hay “đồ sứ men lam Huế”. Đồ sứ ký kiểu ở đây là những đồ sứ do người Việt Nam gồm cả vua quan và thường dân đặt làm tại các lò gốm sứ Trung Hoa trong khoảng thời gian từ nửa sau thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20, với những yêu cầu riêng về kiểu dáng, màu sắc, hoa văn trang trí, thơ văn minh họa và hiệu đề.

Trong tác phẩm “Khảo về đồ sứ men lam Huế”, cụ Vương Hồng Sển lý giải rằng, đồ “men lam Huế”, hay phổ thông hơn là đồ “bleu de Hue” – đôi khi bị hiểu sai là đồ sứ làm ở Huế – là loại đồ men trắng xanh, do vua quan Việt Nam họa kiểu riêng, đặt làm ở những lò gốm nổi danh bên Tàu.

Đối với loại hàng do chúa Nguyễn ở Đàng Trong đặt, cũng là gốm sứ men xanh – trắng nhưng được trang trí bằng thơ Nôm hoặc bằng chữ Hán. Hoa văn trên các sản phẩm này thường là các loại phong cảnh, tích truyện như Bá Nha – Tử Kỳ, Trương Lương, Hoàng Thạch Công… hay hình mai, hạc, rồng, phụng, tứ linh, hoa lá.

 

Gốm cổ giữ lấy hồn Việt

“Một bộ đồ trà thời Nguyễn thường có các món: tống, tốt, dầm, bàn. Tống, còn gọi là tướng, là chiếc chén lớn dùng để chứa nước trà rót ra từ ấm, đợi lóng cặn rồi mới chuyển sang các chén tốt. Tốt, còn gọi là quân, là các chén nhỏ để uống trà. Dầm là chiếc dĩa lót chén tống.

Bàn là chiếc dĩa có chức năng như chiếc khay nhỏ chứa các chén tốt. Người Huế uống trà thường chỉ có ba người (trà tam, tửu tứ), nên bộ đồ trà sứ ký kiểu dành cho người Huế thường có năm món, gồm: ba chén tốt, một chén tống và một dĩa bàn, không có dĩa dầm, vì chén tống sẽ được úp chồng lên một chén tốt ở trên dĩa bàn.

Trong khi đó, bộ đồ trà sứ ký kiểu của người Bắc thường gồm bảy món: bốn chén tốt, một chén tống, một dĩa bàn và một dĩa dầm. Trong mỗi bộ đồ trà, chén tốt và chén tống giống nhau về dáng kiểu, chỉ khác nhau về kích thước. Dĩa bàn và dĩa dầm cũng tương tự. Cả bốn thứ này đều có chung đề tài và kiểu thức trang trí.

Ấm trà đất nung (ấm tử sa) có nhiều kích cỡ khác nhau, tùy vào số người thưởng trà: một người thì dùng ấm độc ẩm, hai người thì dùng ấm song ẩm, từ ba người thì dùng ấm tam ẩm, từ năm người trở lên dùng ấm quần ẩm.

Song chẳng mấy khi có cuộc trà quần ẩm, bởi “cái thú uống trà thông thường thích tĩnh lặng, ít ai thích đông và huyên náo. Chỉ có người tao nhã, cùng một thanh khí mới có thể cùng nhau ngồi bên một ấm trà” - ông Phạm Văn Phát phân tích.

Đa số bộ đồ trà cổ hiếm lắm mới sưu tầm được một bộ lành toàn hảo. Mân mê các đồ án trên bộ trà vẽ cảnh Trúc lâm Thất hiền, hiệu đề nội phủ, là dòng sứ ký kiểu thế kỷ 19, ông Phát nói, cái thú của người chơi đồ cổ đôi khi chính ở sự kiếm tìm.

Để có đủ các món của một bộ đồ trà, người sưu tập có khi chờ đợi đến gần 20 năm. Câu chuyện về bộ trà đối ẩm vẽ chúa Trịnh đề thơ trên đá mà để có được 3 món trong bộ này, ông Phát phải đợi cơ duyên bằng với thời gian từ khi cô con gái ra đời đến trưởng thành.

Cho đến bây giờ, ông Phát sở hữu gần 300 món liên quan đến văn hóa trà, từ đồ đồng, đồ gốm Lý - Trần - Lê và đồ sứ ký kiểu. Mỗi bộ trà là một điển tích mà người đàn ông đã dặm dài sương gió, lặn lội từ Nam ra Bắc sưu tầm cổ vật này nắm giữ làu làu. Đó có thể là đồ án về một truyền thuyết ca ngợi sự thủy chung trong tình yêu được phác họa qua hình ảnh hạc rập hay cũng có thể là dầm trà tùng hạc diên niên với biểu tượng của sự thành đạt, sức khỏe...

Phước Sang - thành viên của CLB Nghiên cứu, sưu tầm cổ vật UNESCO Quảng Nam, gần 40 tuổi mà đã có hơn 10 năm rong ruổi cùng đam mê cổ vật. Anh đang sở hữu 3 bộ đồ trà đầy đủ các món và khá quý hiếm của dòng gốm ký kiểu thế kỷ 17 - 19, trong đó bộ trà vẽ cảnh Gia Long lánh nạn, hiệu đề Ngoạn Ngọc được giới sưu tầm đánh giá cao. Vẫn với bắt đầu bằng sự say mê, từng ngày một, gia tài cổ vật của chàng trai xứ lụa Duy Xuyên này đã ít nhiều góp phần để cùng những bậc đàn anh trong giới “biên khảo” lại phần nào cuộc hành trình quý giá của người xưa...

Sóng sánh trong chén trà ngày xuân, chợt nghe như xưa xa đang trở về...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xa xưa về trong tích trà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO