Văn học đất Quảng “khởi động” sau khoảng lặng đại dịch

ĐẶNG TRƯƠNG 13/07/2022 15:23

(QNO) - Hai năm qua, văn học Quảng Nam chịu tác động không nhỏ bởi đại dịch Covid-19. Vắng hẳn những chuyến trải nghiệm thực tế, tìm kiếm đề tài, trong khi các hoạt động mang tính luận đàm, trao đổi, hay giới thiệu tác phẩm văn chương đều không thể thực hiện được trong suốt thời gian dài, thực sự là “khoảng lặng” để những người làm văn hóa - nghệ thuật đất Quảng nói chung, sáng tác văn học nói riêng suy ngẫm, nhìn lại để tiếp tục đeo đuổi con đường sáng tạo. 

Quang cảnh họp Chi hội Văn học
Quang cảnh cuộc họp Chi hội Văn học

Hai năm sống trong “khoảng lặng văn chương” đã khiến cho cuộc hội ngộ mới đây của Chi hội Văn học, Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam trở nên sôi động với những luận bàn văn học cũng như chuyện "bếp núc" của hoạt động sáng tác. Mấy chục cây bút thơ, văn, lý luận phê bình trong chi hội dường như chỉ chực chờ một gợi mở, đề dẫn bàn về văn học đất Quảng…, thì gần như mọi tâm tư, tình cảm, trăn trở của người viết bị dồn nén bấy lâu chợt vỡ òa.

Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ phát biểu
Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ chia sẻ về nuôi dưỡng đề tài sáng tác

Nhà văn Nguyễn Tam Mỹ với kinh nghiệm nhiều năm cầm bút, từng là người lính  tham chiến ở chiến trường Cam-pu-chia, đã chia sẻ về khai thác, nuôi dưỡng đề tài và tìm ý tưởng để đặt bút sáng tác. Theo nhà văn, những câu chuyện xung quanh tác phẩm, chất liệu tươi ròng của cuộc sống... đã “ám ảnh” văn chương trong cuộc đời người cầm bút. Tập bút ký “Chinh chiến nơi miền đất lạ” - tác phẩm đoạt Tặng thưởng văn học đất Quảng năm 2021, của ông là một dẫn dụ đáng lưu ý về sự ám ảnh đề tài.

Còn nhà văn Phạm Thông đặt vấn đề về dũng khí của người viết văn trong thể loại bút ký và truyện ký, những trải nghiệm cuộc sống để phát hiện những chi tiết mang tính nhân văn. Hai tập sách mới ra của ông “Con của biển” và “Gia tộc và đất nước” đã minh chứng cho tinh thần dám viết, dám chịu trách nhiệm với tác phẩm của mình.

Văn chương, như cách nói của nhà thơ Phùng Tấn Đông, ấy là một câu chuyên mông lung và cũng đầy bi kịch. Người cầm bút viết văn, trong bất cứ sự cắt nghĩa gì cũng đều phải là nhà văn đích thực. Mà nhà văn đích thực thì tác phẩm ắt sẽ đến được và ở lại trong lòng người đọc. Có khi cả một đời người viết, chỉ cần một tác phẩm thôi cũng đủ để chứng minh trách nhiệm, khả năng của một người viết văn đích thực với cuộc đời.

Trong luận bàn làm thế nào để có một truyện ngắn hay, nhà thơ Huỳnh Thu Hậu, cây bút lý luận phê bình văn học của Chi hội Văn học cho rằng, điều đầu tiên và xác quyết của một truyện ngắn hay là tính tư tưởng; cho nên nhà văn phải có vốn sống, phải thoát ra khỏi những cái vụn vặt, tầm thường để hướng tới quan niệm nhân sinh về cuộc sống…

Nhà thơ Phan Chín - Tổng Biên tập Tạp chí Đất Quảng, Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam nói, ông khá bất ngờ khi lần đầu tiên tham dự một cuộc họp Chi hội Văn học được dẫn dắt theo kiểu thú vị này. Hầu như mỗi hội viên đều mong muốn được cất lên tiếng nói đã dồn nén từ lâu để hòa điệu vào một “khởi động” đầy khả quan của văn học Quảng Nam sau khoảng lặng vì đại dịch.

Theo nhà thơ Phan Chín, từ những gì diễn ra ở cuộc họp chi hội này đã hé mở một cuộc tọa đàm văn học Quảng Nam trong thời gian tới để người cầm bút vừa có thể cất lên tiếng nói về nghề, luận bàn những khía cạnh văn chương, đề xuất những vấn đề của hoạt động sáng tác để có tác phẩm phản ánh sinh động hơi thở cuộc sống.

Điều thú vị hơn, nhiều cây bút của chi hội đã vượt qua thách thức đại dịch Covid-19 để sáng tác và ra sách đều đều như Hồ Duy Lệ, Phạm Thông, Nguyễn Bá Hòa, Lê Đức Thịnh, Nguyễn Tam Mỹ, Hồ Loan, Nguyễn Vĩnh…

Thái độ lao động cần mẫn trên cánh đồng văn chương của họ là minh chứng cho sự diệu kỳ của cuộc sống dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Những dự định văn học, những chuyến thâm nhập thực tế, cùng với những lời mời từ nhiều địa phương trong tỉnh hứa hẹn một tương lai sáng sủa của văn học Quảng Nam sau những khắc nghiệt trong đại dịch vừa qua.

Và, chúng ta lại chờ đợi hoa sẽ nở, cây lá sẽ tươi xanh trên cánh đồng chữ nghĩa của những người viết văn ở mảnh đất “chưa mưa đã thấm”.       

Nhà thơ Phùng Tấn Đông phát biểu tại cuộc họp
Nhà thơ Phùng Tấn Đông phát biểu tại cuộc họp

Nhà thơ Phùng Tấn Đông - Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam cho rằng, bản thân ông phải chịu tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Bởi hơn hai năm qua, người viết văn, làm thơ như ông không có điều kiện để tiếp cận với chất liệu tươi ròng của cuộc sống, thiếu đi sự tương tác, cảm hứng, động lực sáng tạo do chi phối của cuộc sống bên ngoài, thách thức bệnh tật.

Người cầm bút trong bối cảnh ấy, đồng thời hưởng ứng những phong trào của xã hội, góp phần phòng chống dịch, điều này hết sức quan trọng, ca ngợi một người tốt là góp phần ươm một mầm hy vọng về phía tương lai…Nhưng điều quan trọng hơn, là có một khoảng lặng cần thiết để nhìn lại chính bản thân mình trong năng lực cầm bút, rằng ta đang ở đâu, khả năng viết lách tới đâu, rồi cố gắng tìm cách khắc phục để tiếp tục hành trình sáng tạo văn chương.

Đồng quan điểm với nhà thơ Phùng Tấn Đông, nhà văn Lê Trâm - Chi hội trưởng Chi hội Văn học, Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam chia sẻ: "Trong cảm nhận của nhà văn, chúng tôi không thể lường trước được mức độ kinh khủng của đại dịch đã xảy ra và bất lực trước thực tại, cảm giác như chữ nghĩa, văn chương không theo kịp diễn biến bên ngoài”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Văn học đất Quảng “khởi động” sau khoảng lặng đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO