Nghệ sĩ xứ Quảng với quê hương

BẢO LÂM 26/05/2014 19:34

(QNO) – Nhiều nghệ sĩ quê Quảng Nam đang sinh sống và làm việc tại các địa phương trong cả nước được vinh dự phong tặng những giải thưởng, danh hiệu cao quý và được công chúng mến mộ. Dù xa quê nhưng họ luôn hướng về quê nhà và đã có sự đóng góp nhất định cho nền văn học - nghệ thuật của Quảng Nam. Bài viết nhỏ này xin giới thiệu một vài nghệ sĩ tiêu biểu trên lĩnh vực âm nhạc.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu quê ở Điện Bàn, lớn lên ở Đà Nẵng. Người yêu nhạc biết đến ông với những ca khúc “nhạc đỏ” nổi tiếng: “Cuộc đời vẫn đẹp sao”, “Đoàn giải phóng quân”, “Hành khúc ngày và đêm”, “Sợi nhớ sợi thương”… Riêng với người Quảng Nam - Đà Nẵng, không ai không nhớ ca khúc “Quảng Nam yêu thương” nổi tiếng của ông. Chỉ cần nghe những ca từ “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/(Chớ) Rượu hồng đào chưa nhấm đà say” là dân xứ Quảng đã thấy thêm yêu quê hương tha thiết.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (trái) trò chuyện với người hâm mộ Quảng Nam.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu (trái) trò chuyện với người hâm mộ Quảng Nam.

Còn nhớ, trong một lần giao lưu với khán giả yêu nhạc Quảng Nam những năm cuối thế kỷ XX, trước tình cảm và mong muốn của khán giả Quảng Nam, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã hứa: “Nhất định tôi sẽ sáng tác một ca khúc riêng cho Quảng Nam”. Lúc này ông đã ngoài bảy mươi tuổi (nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu sinh năm 1924). Và nhạc sĩ đã giữ lời. Bởi sau đó, tác phẩm “Có ai về Quảng Nam” - một ca khúc “thuần Quảng” đã ra đời. Những tên đất, tên làng của xứ Quảng thân thương lần lượt được ông nhắc tới qua từng giai điệu với tình cảm nhớ thương da diết của một người con yêu quê mẹ Quảng Nam: “Quảng Nam ơi quê hương nặng tình lưu luyến. Vắt qua đường Trường Sơn ai lên đến Tây Giang, người Cơtu rộn ràng câu hát. Rồi ngược về thăm phố chợ Điện Bàn. Ai nhớ Hội An những nếp nhà cổ kính, trưa nắng ai lội qua từng sỏi cát Thăng Bình. Ai đến Trà My người nào đi Tam Kỳ chẳng ngại đường xa sông núi ta vượt qua. Nào Duy Xuyên, Tiên Phước, Thu Bồn, Đại Lộc, Quế Sơn thấm đượm tình quê nhà”… “Có ai về Quảng Nam, dừng chân cho tôi xin gửi niềm thương nhớ. Nhớ thương lắm ôi mẹ Quảng Nam!”.

Với những đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật đợt 2 năm 2.000.

Nghệ sĩ nhân dân Tường Vy

Nghệ sĩ nhân dân Tường Vy sinh năm 1938 tại Tam Kỳ. Bà tham gia cách mạng khi mới 16 tuổi và làm ở quân y viện. Trong những năm chiến tranh, bà theo đoàn văn công đi biểu diễn tại các chiến trường. Những lời ca tiếng hát của bà đã khích lệ, động viên tinh thần của chiến sĩ, đặc biệt là các anh thương binh. Khi ấy, những ca khúc cách mạng, trong đó nổi tiếng nhất có lẽ là “Tiếng đàn Ta lư”, “Cô gái vót chông”… đã gắn với tên tuổi nghệ sĩ Tường Vy. Ngoài ra, nghệ sĩ Tường Vy còn là nhạc sĩ với những ca khúc quen thuộc: “Phi đội ta xuất kích”, “Quê hương anh là biển cả” và một số ca khúc viết cho thiếu nhi: “Đời cho em những nốt nhạc vui”, “Ước mơ của bé là hòa bình”…  Không chỉ là một nghệ sĩ - chiến sĩ, mọi người còn biết đến bà như là một người có trái tim nhân hậu. Ấy là vào năm 1992, được sự giúp đỡ của mọi người, bà đã mở 3 trung tâm nghệ thuật tình thương ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Hà Nội để ươm mầm tài năng nghệ thuật cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh. Các trung tâm nghệ thuật tình thương này đã tổ chức cho học viên biểu diễn ở nhiều nơi; nhiều người đã trưởng thành từ trung tâm do bà làm giám đốc.

Nghệ sĩ nhân dân Tường Vy và dàn đồng ca của Trung tâm Nghệ thuật tình thương. Ảnh vietnam.vnagency.com.vn
Nghệ sĩ nhân dân Tường Vy và dàn đồng ca của Trung tâm Nghệ thuật tình thương. Ảnh vietnam.vnagency.com.vn

Nghệ sĩ nhân dân Tường Vy được tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân năm 1993 và là một trong số ít nghệ sĩ có tên trong từ điển quân sự Việt Nam. Bà cũng là một số ít nghệ sĩ vinh dự được nhiều lần gặp và biểu diễn cho Bác Hồ xem.

Nhạc sĩ Thuận Yến

Nhạc sĩ Thuận Yến tên thật Đoàn Hữu Công, sinh năm 1935 tại Duy Xuyên, sống tại Hà Nội. Nhạc sĩ Thuận Yến là cán bộ văn nghệ của Đoàn văn công Khu ủy Liên khu V (năm 1919),  sau đó theo học lớp trung cấp sáng tác tại Trường Âm nhạc Việt Nam và học đại học sáng tác Nhạc viện Hà Nội. Nhiều ca khúc cách mạng của ông ra đời từ thời kỳ này. Trong sự nghiệp sáng tác của ông, đáng chú ý nhất là có đến 14 ca khúc về Bác Hồ, mà ca khúc nào cũng nổi tiếng, như: “Bác Hồ - một tình yêu bao la”, “Vầng trăng Ba Đình”, “Miền Trung nhớ Bác”, “Người về thăm quê”…

Nhạc sĩ Thuận Yến.
Nhạc sĩ Thuận Yến. Ảnh: Internet

Trong một lần cùng Đoàn Văn công giải phóng ra miền Bắc, nhạc sĩ Thuận Yến vinh dự được biểu diễn cho Bác tại Phủ Chủ tịch. Đây là lần duy nhất nhạc sĩ được gặp Bác, để rồi từ đó, nhạc sĩ sáng tác những ca khúc nổi tiếng về Bác. Riêng ca khúc “Miền Trung nhớ Bác”, nhạc sĩ sáng tác khi về thăm quê nhà Quảng Nam những năm 90 của thế kỷ trước khi được đề nghị viết về tình cảm của người dân miền Trung đối với Bác Hồ và ca khúc Miền Trung nhớ Bác ra đời từ đó. Những ca từ “Chúng con sinh ra khi nước còn chia cắt/Nỗi nhớ Bác Hồ dằng dặc tới miền Trung…”… “Trái tim phương Nam luôn hướng về ngoài Bắc/Ở đó Bác Hồ Người gọi: ơi miền Nam!/Đường cách xa bao la đất miền Trung/Không biết hồi bây giờ quê ta trong tim Bác”,  không chỉ làm xúc động người dân miền Trung mà còn làm rung động trái tim đồng bào cả nước. Ông cũng nổi tiếng với những ca khúc trữ tình: “Hương tràm”, “Chia tay hoàng hôn”, “Tình yêu không lời”…

Nhạc sĩ Thuận Yến đã được tặng nhiều giải thưởng: Giải nhất ca khúc của Bộ Văn hóa năm 1987, Giải ca khúc xuất sắc của Bộ quốc phòng năm 1994, Giải bài hát được nhiều người ưa thích của Đài Tiếng nói Việt Nam, năm 1992 - 1993.

Khi bài viết này lên khuôn thì chúng tôi nhận được tin nhạc sĩ Thuận Yến vừa qua đời ở tuổi 83 tại nhà riêng sau thời gian lâm bệnh.

Ca sĩ Ánh Tuyết

Sinh năm 1961 tại Hội An trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật nên Ánh Tuyết được tiếp xúc với âm nhạc từ rất sớm và sau này, ca sĩ Ánh Tuyết thành công với dòng nhạc tiền chiến và đặc biệt là những nhạc phẩm của nhạc sĩ Văn Cao. Sau khi tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Huế, Ánh Tuyết về Đoàn Ca nhạc Hải Đăng (Khánh Hòa). Hiện nay, chị sống tại TP.Hồ Chí Minh. Tuy sống xa quê nhưng tấm lòng của Ánh Tuyết luôn hướng về quê nhà. Như trong một lần tâm sự với độc giả Báo Quảng Nam, chị đã khẳng định “được hát ở quê nhà là một điều hạnh phúc”. Đầu năm 2013, Ánh Tuyết phát hành album “Duyên kiếp” hát bằng giọng Quảng. Album này đã được đông đảo người Quảng xa quê yêu thích. Với chị, đây là món quà dành tặng quê hương Quảng Nam và chị cảm thấy tự hào khi hát giọng Quảng. Đơn giản là vì chị là người Quảng, dù đã xa quê đến mấy chục năm.

BẢO LÂM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghệ sĩ xứ Quảng với quê hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO